Hiệu quả từ mô hìnhTrường TH&THCS Do Nhân: bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường

Trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nội dung giáo dục địa phương đã được tích hợp vào môn học đối với khối THCS và hoạt động trải nghiệm đối với khối tiểu học. Trường TH&THCS Do Nhân, xã Nhân Mỹ (Tân Lạc) có 100% học sinh và 70% giáo viên là người dân tộc Mường. Địa phương có nhiều cảnh đẹp tự nhiên, tiềm năng phát triển du lịch nhưng chưa được khai thác hiệu quả. Từ đó, trường đã xây dựng mô hình

Trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nội dung giáo dục địa phương đã được tích hợp vào môn học đối với khối THCS và hoạt động trải nghiệm đối với khối tiểu học. Trường TH&THCS Do Nhân, xã Nhân Mỹ (Tân Lạc) có 100% học sinh và 70% giáo viên là người dân tộc Mường. Địa phương có nhiều cảnh đẹp tự nhiên, tiềm năng phát triển du lịch nhưng chưa được khai thác hiệu quả. Từ đó, trường đã xây dựng mô hình "Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường thông qua các môn học và hoạt động trải nghiệm gắn với phát triển du lịch địa phương”.

Cô và trò Trường TH&THCS Do Nhân, xã Nhân Mỹ (Tân Lạc) tìm hiểu văn hóa dân tộc Mường tại ngôi nhà sàn trong khuôn viên trường.

Cô và trò Trường TH&THCS Do Nhân, xã Nhân Mỹ (Tân Lạc) tìm hiểu văn hóa dân tộc Mường tại ngôi nhà sàn trong khuôn viên trường.

Hiệu trưởng nhà trường Bùi Thị Hồng Vân chia sẻ: Để thực hiện mô hình, trường chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, huy động sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, giáo viên, học sinh và phụ huynh trên địa bàn. Ngay từ đầu năm học 2023 - 2034, trường đã chỉ đạo các tổ chuyên môn rà soát, xây dựng kế hoạch tích hợp các nội dung giáo dục địa phương, nội dung liên quan đến việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc vào các môn học một cách hợp lý; tạo điều kiện cho học sinh trải nghiệm các trò chơi dân gian và hát, múa... đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Cụ thể, trường đã xây dựng mô hình tích hợp nội dung bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường thông qua các môn học. Trong Chương trình giáo dục địa phương lớp 2, giáo viên giới thiệu trang phục truyền thống của dân tộc Mường. Lớp 3, học sinh được thăm, tìm hiểu cảnh đẹp địa phương, thực hiện các món ăn truyền thống dân tộc. Học sinh lớp 4 được tìm hiểu các nhạc cụ dân tộc và lớp 5 được tìm hiểu về nhà truyền thống của người Mường xưa... Đối với THCS, nội dung giáo dục địa phương trở thành một môn học riêng biệt. Trường đã thành lập Câu lạc bộ "Mường Ún”. Câu lạc bộ đã xây dựng kế hoạch hoạt động, ngoài kiến thức trong chương trình giáo đục địa phương theo từng khối lớp còn có sự kết hợp của phụ huynh, ban quản lý, đội văn nghệ các xóm phối hợp tập luyện cho học sinh các tiết mục văn nghệ đậm bản sắc dân tộc như (múa bông, múa khăn, thổi sáo, hát đúm, hát đối…) Tổ chức các trò chơi dân gian cho học sinh trong giờ ra chơi, đầu giờ học và đã có 2 sản phẩm khoa học hành vi về trò chơi dân gian, văn hóa dân tộc Mường (hát đúm) của nhà trường được huyện chọn tham gia dự thi cấp tỉnh.

Đặc biệt, 100% học sinh và giáo viên nữ của trường tự nguyện may đồng phục bộ trang phục dân tộc Mường mặc vào thứ Hai, thứ Sáu hằng tuần. Trường cũng phối hợp Hội Phụ huynh học sinh xã hội hóa được 37 triệu đồng xây dựng nhà sàn, mua các vật dụng tái hiện không gian văn hóa Mường ngay trong khuôn viên. Bên cạnh đó, để gắn bảo tồn văn hóa với phát triển du lịch, trường phối hợp các điểm du lịch tại các xã Nhân Mỹ, Phong Phú giới thiệu các điểm đến như: Núi Cột Cờ, thác Trăng, đập xóm U, miếu thờ xóm Lũy, làng Mường cổ xóm Lũy Ải, đèo Đá Trắng… và quảng bá các món ăn dân tộc. Trong những ngày nghỉ, khi du khách có nhu cầu thưởng thức văn nghệ dân tộc, học sinh câu lạc bộ của trường tham gia biểu diễn hoặc làm hướng dẫn viên.

Việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là nhiệm vụ của toàn xã hội. Mô hình "Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường thông qua các môn học và hoạt động trải nghiệm gắn với phát triển du lịch địa phương” của Trường TH&THCS Do Nhân giúp học sinh được trải nghiệm các hoạt động văn hóa Mường; tích cực, chủ động tìm tòi, khám phá, hiểu biết thêm về bản sắc văn hóa dân tộc và biết giữ gìn, yêu nét đẹp dân tộc Mường. Từ đó, bồi dưỡng cho các em tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc, góp phần cùng địa phương quảng bá văn hóa dân tộc Mường và phát triển du lịch. Từ hiệu quả hoạt động trải nghiệm giúp học sinh phát triển toàn diện, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.

Ghi nhận kết quả, trường đã được UBND tỉnh tặng bằng khen 8 năm liên tục. Năm 2023, tập thể nhà trường được Thủ tướng Chính phủ và Bộ GD&ĐT tặng bằng khen. Tháng 12/2023, trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ I. Với hiệu quả thiết thực, năm 2024, mô hình được UBND tỉnh công nhận là điển hình tiên tiến cấp tỉnh và được khen thưởng tại Chương trình biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến tỉnh lần thứ tư được tổ chức tháng 7 vừa qua.

Hương Lan

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/249/193585/hieu-qua-tu-mo-hinhtruong-ththcs-do-nhan-bao-ton-va-phat-huy-ban-sac-van-hoa-dan-toc-muong.htm