Hiệu quả từ quan điểm: Dân là gốc của tuyên truyền
'Muốn dân nghe theo, trước hết phải làm dân tin, dân yêu. Hãy làm những điều có ích cho dân, giúp dân trong cả những việc nhỏ nhất....'
Truyền tải Điện Phú Yên đang quản lý vận hành lưới truyền tải điện gồm 230 km đường dây và 1 trạm biến áp (TBA) 220 kV, công suất 250 MVA trên địa bàn Phú Yên, một tỉnh ven biển Nam Trung Bộ, nằm ở phía đông dãy Trường Sơn, đồi núi chiếm 70% diện tích, địa hình dốc từ Đông sang Tây, khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, thường xuyên xảy ra hạn hán, lũ lụt.
Đường dây truyền tải trong khu vực đi qua nhiều vùng đồi núi, gần khu dân cư, bên dưới là nương rẫy, những cánh đồng mía của nhân dân địa phương nên tiềm ẩn không ít nguy cơ trộm cắp phụ kiện lưới truyền tải điện, các sự cố do vi phạm an toàn hành lang tuyến.
Để lưới điện truyền tải liên tục, thông suốt, kịp thời cung cấp nguồn năng lượng phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và đời sống nhân dân, song song với việc nâng cao chất lượng quản lý vận hành, nâng cao nguồn nhân lực thì công tác tuyên truyền các kiến thức, hiểu biết về bảo vệ lưới điện truyền tải đến với cộng đồng là rất quan trọng.
Và để công tác tuyên truyền, dân vận đạt hiệu quả cao, Truyền tải Điện Phú Yên với đầu tàu là chi ủy chi bộ đã vận dụng hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong tuyên truyền bảo vệ hành lang an toàn lưới điện truyền tải.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tuyên truyền là “đem một việc gì đó nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó là tuyên truyền thất bại” và mục đích của tuyên truyền là giải thích lập luận, chứng minh để “dân hiểu, dân nhớ, dân tin, dân làm theo”.
Trong công tác tuyên truyền bảo vệ lưới điện truyền tải, thì đối tượng được tuyên truyền có nhiều tầng lớp khác nhau, có trình độ, nhận thức khác nhau, vì vậy đòi hỏi phương thức tuyên truyền thích hợp và phải chú trọng ưu tiên cho lớp đối tượng có trình độ nhận thức, trình độ văn hóa thấp. Vì đối tượng này hiểu được thì các đối tượng khác cũng nắm bắt dễ dàng.
Với phương châm này, chi ủy Truyền tải Điện Phú Yên đã chỉ đạo đơn vị triển khai tuyên truyền bảo vệ lưới điện trong toàn địa bàn, nhưng vẫn chú trọng và ưu tiên hướng đến vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, canh tác nương rẫy, trồng mía gần đường dây và học sinh các trường tiểu học, THCS vì đây là lứa tuổi các em rất nghịch ngợm, tò mò, thường xuyên có những trò chơi như thả diều, bắn chim, có nhiều nguy ngơ ảnh hưởng đến an toàn lưới điện truyền tải.
Nội dung tuyên truyền được chi ủy phân công các đồng chí đảng viên, các tuyên truyền viên chuẩn bị chu đáo. Bởi làm như vậy sẽ tránh được lối nói ba hoa, rỗng tuếch, cẩu thả, lặp lại, nhàm chán.
Bác Hồ từng cảnh báo: “Trước khi nói không sắp sửa kỹ càng. Lúc ra nói hoặc lắp lại những cái người trước đã nói. Hoặc lắp đi lắp lại những cái mình đã nói rồi, lúng túng như gà mắc tóc”.
Do vậy, Thông tư, nghị định của Chính phủ về bảo vệ an toàn hành lang lưới điện được chắt lọc, lựa chọn ngắn gọn, dễ hiểu, giàu hình ảnh, dẫn chứng để giúp nhân dân hiểu rõ, nắm bắt những điều cần phải làm và những điều không được làm trong thực tế cuộc sống, sinh hoạt mà bà con dễ mắc phải.
Ví dụ: không được trồng cây cao dưới hành lang lưới điện, vệ sinh đồng mía phải gom ra xa đường dây điện, không được trộm cắp, phá hoại phụ kiện trên cột điện….
Xuất phát từ quan điểm của Bác: “Dân là gốc của tuyên truyền”, ngoài các phương pháp tuyên truyền đã được học, được đào tạo, chi ủy còn định hướng tuyên truyền viên Truyền tải Điện Phú Yên học cách tuyên truyền của quần chúng, đó là sự kết hợp của việc học trong sách vở và học trong thực tiễn công tác.
Bởi lẽ cách tuyên truyền phù hợp và có hiệu quả nhất với dân chính là cách tuyên truyền của chính nhân dân. Bằng cách đó, dân dễ hiểu, dễ nhớ nên sẽ tin và sẽ làm theo.
Một trong những minh chứng rõ nét cho điều đó là việc tổ chức hoạt động tuyên truyền tại xã EA Chà Rang – một xã miền núi thuộc huyện Sơn Hòa. Với gần 70% là dân cư là người đồng bào dân tộc thiểu số, có đời sống hết sức khó khăn.
Ban ngày, công việc đồng áng, nương rẫy mệt mỏi nên đêm về bà con có thói quen ngủ sớm, việc tập hợp đông đảo nhân dân không phải là điều đơn giản.
Trong một lần làm việc với địa phương, đồng chí K’bá Y Hoàng – Bí thư Đảng ủy xã tâm sự: “Đối với đồng bào ở đây, cồng chiêng là nhạc cụ không thể thiếu trong đời sống, sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt tín ngưỡng, lễ hội, gắn với vòng đời con người, cây trồng. Khi tiếng cồng chiêng nổi lên, mọi người tập hợp rất đông.
Nó không chỉ là niềm vui mà còn là phong tục của dân tộc mình nên mọi người rất hưởng ứng. Có cồng chiêng thì vui vẻ, rộn ràng lắm. Để tập hợp, vận động thanh niên tham gia vào một phong trào nào đó như giúp những hộ neo đơn trong buôn thu hoạch vụ mùa, thực hiện kế hoạch hóa gia đình... không gì dễ dàng hơn là tổ chức đánh cồng chiêng, nhảy A ráp, rồi lồng vào đó việc vận động các phong trào xã hội”.
Ngay lập tức, chi ủy Truyền tải Điện Phú Yên đã giao nhiệm vụ cho đoàn thanh niên phải tổ chức một chương trình tuyên truyền mà điểm nhấn là đêm văn nghệ giao lưu tuyên truyền bảo vệ an toàn lưới điện truyền tải đúng vào Lễ hội cồng chiêng Arat.
Quả thực, đúng như lời Bí thư Đảng ủy xã EA Chà Rang đã nói, khi tiếng cồng chiêng bắt đầu ngân vang, bay qua những nếp nhà sàn đơn sơ, thôi thúc, gọi mời, bà con bắt đầu kéo đến, mỗi lúc một đông. Tiếng nói cười râm ran, không khí vui tươi. Đêm tuyên truyền đã thành công ngoài mong đợi, mang được hiệu quả cao.
Xuất phát từ phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh, chi ủy Truyền tải Điện Phú Yên đã quán triệt cho toàn thể CBCNV đơn vị, đặc biệt là các đồng chí đảng viên rõ: “Muốn dân nghe theo, trước hết phải làm dân tin, dân yêu. Hãy làm những điều có ích cho dân, giúp dân trong cả những việc nhỏ nhất....”.
Câu chuyện anh công nhân đường dây gò lưng đẩy xe giúp bác thợ rừng vượt con dốc cao, hốt lúa giúp một gia đình trước cơn mưa bất chợt dần đi vào những câu chuyện hàng ngày của bà con dọc tuyến.
Hình ảnh các công nhân truyền tải mồ hôi đầm đìa lưng áo, vừa gom từng đống lá mía ra xa hành lang tuyến, thu hoạch những đám mía gần đường dây, vừa giải thích cho bà con vì sao không được đốt mía gần đường dây, sự quan trọng của lưới điện truyền tải khiến nhân dân thực sự xúc động, ý thức bảo vệ an toàn hành lang lưới điện từ đó tăng lên gấp bội.
Trong các đợt tuyên truyền, ngoài việc phát tận tay nhân dân những tờ rơi, ký cam kết bảo vệ hành lang tuyến, vào tận trường học, nói chuyện với học sinh về những điều không được làm để bảo vệ an toàn lưới điện, Truyền tải Điện Phú Yên còn dành tặng cho các gia đình khó khăn, gia đình chính sách, các em học sinh nghèo vượt khó những phần quà nhỏ, những suất học bổng, sửa chữa điện sinh hoạt cho những hộ nghèo, những gia đình chính sách.
Trong dịp khai giảng vừa qua, hưởng ứng chiến dịch truyền thông “Niềm tin tất thắng” kêu gọi cộng đồng phòng, chống dịch COVID-19 trong trạng thái bình thường mới của Bộ Y tế, đơn vị đã tổ chức chương trình “Truyền tải điện đồng hành cùng năm học mới 2020-2021” tặng 2000 khẩu trang quà và nhiều cặp sách cho học sinh nghèo thuộc huyện Tây Hòa – Phú Yên.
Yêu cầu của Bác về đạo đức của người cán bộ tuyên truyền cũng rất cụ thể: phải lễ độ, phải biết hòa mình với quần chúng, sống như họ đang sống, nói cái họ chưa hiểu, chịu khó, chịu khổ, khéo ở, siêng làm, thấy dân làm việc gì, bất kỳ to nhỏ, ta cũng ra tay làm giúp”, “thái độ phải mềm mỏng, đối với các cụ già phải cung kính, với anh em phải khiêm tốn, vơi nhi đồng phải thân yêu, với mọi người phải thành khẩn”.
Trong công tác tuyên truyền, các đồng chí đảng viên trong chi bộ, đặc biệt các chi ủy viên phải là những người tiên phong đi trước. Không ít trường hợp người dân thiếu sự hợp tác, các đồng chí trong chi ủy, cụ thể là bí thư chi bộ phải là người tiếp xúc, nói chuyện, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của bà con, từ đó đưa ra phương pháp vận động hiệu quả.
Nói tóm lại, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất định những người làm công tác tuyên truyền sẽ góp phần không nhỏ trong vận hành an toàn lưới điện truyền tải./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/hieu-qua-tu-quan-diem-dan-la-goc-cua-tuyen-truyen/174842.html