Hiệu quả từ thực hiện Nghị quyết số 18 và 19 về tinh gọn bộ máy ở Đồng Nai

Qua sắp xếp lại tổ chức bộ máy, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, khắc phục dần tình trạng trùng lắp, chồng chéo. Việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao ở các đơn vị đảm bảo được sự đồng bộ, thống nhất, tập trung nguồn lực; hiệu quả hoạt động được nâng lên...

Sau khi tiếp thu Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai đã khẩn trương ban hành Kế hoạch học tập, quán triệt và chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc triển khai đến cán bộ, đảng viên, hội viên và quần chúng nhân dân; tham mưu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Kế hoạch số 166-KH/TU ngày 2/4/2018 về thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW và Kế hoạch số 177-KH/TU ngày 16/4/2018 về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương.

GIẢM NHIỀU ĐẦU MỐI VÀ BIÊN CHẾ TẠI CÁC ĐỊA PHƯƠNG

Các cơ quan trực thuộc cấp ủy, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh đã chủ động xây dựng Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, Kế hoạch của Tỉnh ủy và đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh phê duyệt. Qua triển khai thực hiện Đề án, đã giảm 58 phòng trực thuộc các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; 46 phòng thuộc chi cục trực thuộc sở; 121 chức danh lãnh đạo phòng.

Cùng với sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, các đơn vị đã tập trung sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW.

Đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã phê duyệt Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy của 2/2 đơn vị sự nghiệp thuộc Tỉnh ủy; UBND tỉnh đã phê duyệt đề án của 7/9 đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh, 8/12 sở, ngành có đơn vị sự nghiệp, kiện toàn 3 đơn vị sự nghiệp giáo dục nghề nghiệp; phê duyệt Đề án thành lập Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao thuộc UBND huyện trên cơ sở hợp nhất các đơn vị sự nghiệp huyện gồm Trung tâm Văn hóa Thể thao, Đài Phát thanh, Nhà Thiếu nhi, Ban Quản lý di tích danh thắng, Thư viện và các tổ chức khác có chức năng tương đồng.

Đồng thời, tỉnh đã và đang thực hiện chuyển đổi mô hình hoạt động sang tự chủ đối với 7 đơn vị sự nghiệp công lập; tiến hành cổ phần hóa 2 đơn vị; hoàn chỉnh xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật các lĩnh vực công thương, sự nghiệp tài nguyên và môi trường, sự nghiệp nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Cải cách thủ tục hành chính giúp cho người dân thuận lợi hơn trong hoàn thành các giấy tờ pháp lý. (Ảnh: QT)

Cải cách thủ tục hành chính giúp cho người dân thuận lợi hơn trong hoàn thành các giấy tờ pháp lý. (Ảnh: QT)

Ngoài ra, 4/11 huyện đã hoàn chỉnh Đề án thành lập, giải thể Trung tâm Dịch vụ công ích cấp huyện. Tính đến nay, đã giảm 1 đơn sự nghiệp thuộc UBND tỉnh, giảm 2 lãnh đạo cấp sở; giảm 71 đầu mối đơn vị sự nghiệp thuộc sở, ngành và ủy ban nhân dân huyện; giảm 118 đầu mối phòng/khoa của đơn vị trực thuộc đơn vị sự nghiệp; giảm 71 lãnh đạo đơn vị sự nghiệp, 125 chức danh lãnh đạo cấp phòng trực thuộc đơn vị sự nghiệp.

Các mô hình thí điểm về tinh gọn tổ chức bộ máy và kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo quản lý được triển khai thực hiện phù hợp với tình hình của địa phương. Đã hoàn thành sắp xếp, tổ chức lại Văn phòng Tỉnh ủy phục vụ chung (giảm 18 người ở các ban đảng); sắp xếp tổ chức bộ máy Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh và chuyển đổi cơ chế hoạt động sang kiêm nhiệm (giảm 1 phó trưởng ban, 2 trưởng phòng và 14 viên chức, nhân viên). Thực hiện các mô hình Trưởng Ban Tuyên giáo đồng thời là Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị ở 11/11 huyện; Trưởng Ban Dân vận đồng thời là chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp huyện ở 8/11 huyện; Trưởng Ban Tổ chức cấp ủy kiêm Trưởng phòng Nội vụ ở 2/11 huyện, dự kiến từ nay đến quý IV/2019 sẽ thực hiện ở 5/11 huyện và thực hiện mô hình Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra cấp ủy kiêm Chánh Thanh tra ở 2/11 huyện. Thực hiện mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch Hội đồng nhân dân tại 2/11 huyện, 80/170 xã, phường, thị trấn; mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND ở 31/170 xã, phường, thị trấn.

Tăng cường thực hiện kiêm nhiệm công việc để giảm dần số lượng những người hoạt động không chuyên trách gắn với tăng thu nhập của cán bộ, công chức cấp xã (giảm 725 định suất so với quy định). Thực hiện tinh giản biên chế đảm bảo theo lộ trình và gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy, tạo được sự đồng thuận trong đội ngũ cán bộ, đảng viên của từng cơ quan, đơn vị, đến nay toàn tỉnh đã giảm 451 biên chế trong đó khối đảng, đoàn thể giảm 105 biên chế (tỷ lệ 7,3%); khối nhà nước giảm 346 biên chế (tỷ lệ 6,61%). Ngoài ra tỉnh đã giảm 3.055 người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập chuyển qua loại hình tự bảo đảm chi thường xuyên.

Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo rà soát các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Kết quả, tỉnh không có đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đạt 50% cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số. Tuy nhiên, Tỉnh ủy đã chủ động xây dựng phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đến năm 2030, theo đó từ nay đến năm 2030 sẽ sắp xếp 104 đơn vị. Đối với sáp nhập các ấp (khu phố), trước khi có Nghị quyết số 18-NQ/TW, đã có 2/11 huyện chủ động rà soát, tiến hành sáp nhập và giảm 57 ấp (tương ứng giảm 171 định suất người hoạt động không chuyên trách, tiết kiệm hơn 5,8 tỷ đồng/năm), hiện các địa phương đang xây dựng phương án, dự kiến giảm 100 ấp, khu phố.

NHỮNG HẠN CHẾ, BẤT CẬP

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện sắp xếp lại tổ chức bộ máy cũng còn bộc lộ những hạn chế, vướng mắc như: một số đơn vị, địa phương còn lúng túng khi xác định, xây dựng phương án sắp xếp, tổ chức bộ máy; một số nhiệm vụ hoàn thành còn chậm so với kế hoạch đề ra; một số mô hình thí điểm về tinh gọn tổ chức bộ máy triển khai chậm...

Việc sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh chưa được Chính phủ ban hành Nghị định làm cơ sở triển khai thực hiện. Ngoài ra, các thông tư hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương chưa điều chỉnh, do đó đã ảnh hưởng đến lộ trình ban hành Quy định tổ chức và hoạt động của các sở, ngành đã được phê duyệt Đề án.

Việc xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật, xây dựng giá dịch vụ sự nghiệp công lập của một số lĩnh vực chưa được Trung ương hướng dẫn cụ thể (giáo dục, văn hóa,…) dẫn đến khó khăn cho các đơn vị khi chuyển đổi mô hình cơ chế tài chính sang tự chủ và thực hiện xã hội hóa.

Các quy định liên quan đến thẩm quyền thành lập các đơn vị sự nghiệp của các ngành còn chưa thống nhất. Việc thực hiện tinh giản biên chế đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, lao động - thương binh và xã hội khó thực hiện do đặc thù những lĩnh vực này được giao biên chế theo định mức tối đa và việc tăng dân số cơ học nhanh dẫn đến số nhu cầu sử dụng các dịch vụ sự nghiệp công lập thiết yếu tăng nhanh.

BỐN BÀI HỌC KINH NGHIỆM

Qua sắp xếp lại tổ chức bộ máy, các cơ quan, đơn vị đã phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, khắc phục dần tình trạng trùng lắp, chồng chéo. Việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao ở các đơn vị được đồng bộ, thống nhất, tập trung nguồn lực; hiệu quả hoạt động của các đơn vị nâng lên. Đến nay, 100% sở, ban, ngành được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; tỷ lệ giải quyết hồ sơ, thủ tục đúng hạn tăng 98%. Theo kết quả khảo sát năm 2018, mức độ hài lòng của người dân khi giải quyết thủ tục hành chính tại 3 cấp là 85%, đạt mục tiêu theo Đề án của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; giảm 15,18 tỷ đồng chi ngân sách năm 2018 so với năm 2017 cho hoạt động thường xuyên của tổ chức bộ máy hệ thống chính trị. Dự kiến năm 2019 giảm 9,36 tỷ đồng so với năm 2018.

Từ những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện, tỉnh Đồng Nai rút ra những bài học kinh nghiệm sau:

Một là, làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy, tinh giản biên chế; tăng cường tuyên truyền, vận động, thuyết phục, tạo sự thống nhất và đồng thuận khi tổ chức thực hiện.

Hai là, đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị các cấp phải xuất phát từ thực tiễn, có kế hoạch và lộ trình cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế mỗi đơn vị, địa phương. Trong thực hiện chú ý những yêu cầu về nhiệm vụ chính trị, đảm bảo tính ổn định tương đối, tích cực, tránh chủ quan, nóng vội, cần nhanh chóng thay đổi nếp nghĩ, cách làm không còn phù hợp.

Ba là, phải bố trí đủ nguồn lực cần thiết và có cơ chế, chính sách phù hợp với những người chịu tác động trực tiếp trong quá trình sắp xếp.

Bốn là, phải có quyết tâm chính trị cao, xác định rõ vai trò, trách nhiệm tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu. Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị phải trực tiếp chỉ đạo và thường xuyên kiểm tra, giám sát việc triển khai và tổ chức thực hiện tại đơn vị, địa phương; bên cạnh đó phải phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của tập thể và cá nhân.

MỘT SỐ KIẾN NGHỊ, GIẢI PHÁP

Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho địa phương, Đồng Nai kiến nghị Trung ương xem xét:

Thứ nhất, sớm sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới một số quy định làm cơ sở pháp lý cho việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy theo Nghị quyết số 18, 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (như Nghị định của Chính phủ về cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện; các quy định của Ban Bí thư về tổ chức bộ máy cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy huyện, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện …). Đồng thời đánh giá thực tiễn và ban hành hướng dẫn thực hiện đối với các mô hình thí điểm hợp nhất cơ quan để thống nhất thực hiện.

Thứ hai, ban hành hoặc điều chỉnh các quy định liên quan đến cơ chế tài chính, vị trí việc làm, định mức kinh tế kỹ thuật, cổ phần hóa, xã hội hóa,... nhằm tạo cơ sở pháp lý để các địa phương triển khai thực hiện. Hướng dẫn việc thực hiện cắt giảm biên chế theo tỷ lệ quy định đối với các đơn vị sự nghiệp được giao định mức như: giáo dục - đào tạo, y tế, lao động - thương binh và xã hội, do việc thực hiện tinh giản biên chế các đơn vị trên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giảng dạy, chất lượng phục vụ y tế, tình hình trật tự, an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Ban hành hướng dẫn về chế độ, chính sách đối với nhân sự dôi dư do sắp xếp lại tổ chức bộ máy nhưng không tự nguyện nghỉ việc; điều chỉnh mức phụ cấp kiêm nhiệm chức danh lên 50% nhằm khuyến khích thực hiện bố trí kiêm nhiệm. Bỏ quy định bắt buộc phải qua kỳ kiểm tra, sát hạch khi điều động cán bộ xã về công tác tại các phòng, ban cấp huyện đối với cán bộ chủ chốt cấp xã (nếu đã đảm bảo điều kiện theo quy định) nhằm tạo thuận lợi, linh hoạt cho các địa phương trong bố trí cán bộ khi thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã.

Đồng thời, để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 18, 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, trong thời gian tới Đồng Nai tập trung thực hiện các giải pháp:

Một là, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tuyên truyền sâu rộng, quyết liệt các nội dung của Nghị quyết số 18, 19 của Ban Chấp hành Trung ương nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong tổ chức thực hiện.

Hai là, chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo kế hoạch đề ra với quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong quá trình thực hiện đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm với lộ trình phù hợp; khắc phục khuynh hướng thụ động, trông chờ hoặc chủ quan, nóng vội. Đổi mới sắp xếp tổ chức, bộ máy phải gắn chặt chẽ với tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Ba là, thực hiện tốt công tác tư tưởng trong cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, tạo sự đồng thuận về chủ trương sắp xếp lại tổ chức bộ máy, cơ cấu lại vị trí việc làm và thực hiện các chức danh lãnh đạo, quản lý sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy. Quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc các chế độ, chính sách đối với những cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, cơ cấu lại và tinh giản biên chế theo mục tiêu đề ra.

Bốn là, định kỳ sơ kết, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết, tìm ra những mô hình mới, cách làm hay, hiệu quả để phổ biến, nhân rộng; kịp thời biểu dương, khen thưởng đối với những nơi thực hiện tốt đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp không thực hiện tốt.

Năm là, tăng cường kiểm tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo các đơn vị, địa phương nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, phát hiện, chấn chỉnh những hạn chế, khuyết điểm để tổ chức thực hiện hiệu quả các Nghị quyết./.

Phạm Văn Ru
Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đồng Nai

Nguồn Tuyên Giáo: http://www.tuyengiao.vn/dua-nghi-quyet-cua-dang-vao-cuoc-song/hieu-qua-tu-thuc-hien-nghi-quyet-so-18-va-19-ve-tinh-gon-bo-may-o-dong-nai-124745