Hiệu quả viện trợ phi chính phủ nước ngoài trên địa bàn tỉnh

Ngày 29/8/2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 36-CT/TU về 'Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) trên địa bàn tỉnh Hòa Bình' (Chỉ thị 36). Việc thực hiện Chỉ thị đã góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với công tác PCPNN.

Tổ chức ChildFund tập huấn nghề mây tre đan cho các xã vùng dự án của huyện Kim Bôi.

Theo báo cáo của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, những năm qua, công tác vận động viện trợ PCPNN trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và các văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ. Từ năm 2015 - 2019, trong tỉnh đã triển khai thực hiện 134 chương trình, dự án do 50 tổ chức PCPNN, cơ quan hợp tác quốc tế viện trợ, tổng giá trị cam kết trên 28 triệu USD, gồm: 117 chương trình, dự án PCPNN với tổng mức đầu tư cam kết 28,2 triệu USD và 17 gói viện trợ phi dự án, tổng giá trị 386.235 USD. Trong số 134 chương trình, dự án, có 102 chương trình, dự án do UBND tỉnh là cơ quan chủ quản; 32 chương trình, dự án do các cơ quan T.Ư là chủ quản. Tổng giá trị giải ngân giai đoạn 2014 - 2019 là 14,3 triệu USD, trong đó, các chương trình, dự án 14,1 triệu USD, viện trợ phi dự án 386.235 USD.

Nói về hoạt động của các tổ chức PCPNN không thể không nhắc tới tổ chức ChildFund được triển khai hiệu quả tại một số địa phương, trong đó có huyện Cao Phong. Theo chia sẻ của đồng chí Hồ Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện tại hội nghị đóng vùng các xã dự án do ChildFund tài trợ, đây là dự án đã góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân về phát triển cộng đồng; khuyến khích, tạo cơ hội cho nữ giới được nâng cao vai trò trong gia đình, xã hội, giảm thiểu phong tục tập quán không phù hợp; góp phần chăm sóc và bảo vệ trẻ em cũng như tích cực tham gia xóa đói, giảm nghèo, nâng cao dân trí, làm thay đổi bộ mặt KT - XH các xã thuộc vùng dự án.

Cụ thể, huyện Cao Phong có 6 xã nằm trong vùng dự án. Trong giai đoạn thực hiện, ChildFund đã tài trợ cho huyện 112 tỷ đồng để triển khai các chương trình phát triển cộng đồng. Theo thống kê, hiện, trên địa bàn huyện có 25 công trình nước sạch, 93 nhà vệ sinh 2 ngăn, 15 công trình thủy lợi, đường nội đồng được ChildFund hỗ trợ. Ngoài ra còn có các dự án dân sinh như: mô hình ngân hàng trâu cái sinh sản cho hộ nghèo; mô hình tiết kiệm - tín dụng giúp 1.360 nông dân có điều kiện phát triển kinh tế; 11 sân chơi cho trẻ em được ChildFund hỗ trợ dựa trên ý tưởng sáng kiến cộng đồng theo hình thức dự án và nhân dân cùng làm.

Có thể nói, việc thực hiện Chỉ thị 36 đã tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động; hạn chế những sơ hở, thiếu sót trong công tác vận động, tiếp nhận, quản lý, sử dụng viện trợ và hoạt động của các tổ chức PCPNN trên địa bàn tỉnh. Việc quản lý, sử dụng nguồn viện trợ được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Mặc dù các dự án PCPNN nguồn kinh phí không lớn nhưng thông qua cách tiếp cận trực tiếp với người dân và tập trung vào các lĩnh vực thiết yếu về giáo dục, y tế, nước sạch, vệ sinh môi trường, sinh kế, bình đẳng giới và quyền trẻ em, giải quyết các vấn đề xã hội… nên đã, đang phát huy hiệu quả tốt trong việc nâng cao đời sống nhân dân tại các địa phương có điều kiện KT - XH còn nhiều khó khăn.

Nổi bật là trong lĩnh vực phát triển nông thôn, với sự hỗ trợ của các tổ chức ChildFund, Action Aid, GNI, AFAP… đã giúp người dân áp dụng thành tựu KHKT vào sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi. Thông qua các mô hình nuôi ngan, ngân hàng bò, ong, lợn nái… hàng trăm hộ có thêm nguồn lực để thoát nghèo bền vững. Phụ nữ có điều kiện phát triển kinh tế gia đình từ hoạt động quỹ tiết kiệm, tín dụng. Các tổ chức cũng hỗ trợ nhiều xã xây dựng hệ thống kênh mương, thủy lợi, phát triển quản lý thủy nông có sự tham gia của người dân, đáp ứng nhu cầu tưới, tiêu cho sản xuất.

Đối với lĩnh vực nước sạch và vệ sinh môi trường, các chương trình, dự án của tổ chức PCPNN tài trợ tập trung vào cải tạo, nâng cấp hệ thống nước tự chảy, khoan và đào giếng, xây dựng các bể chứa, bình lọc nước sinh hoạt, nhà tiêu hợp vệ sinh, hố thu gom rác thải, nhà tắm hộ gia đình, nhờ đó đã đóng góp tích cực trong việc cải thiện điều kiện sinh hoạt cho nhân dân vùng dự án. Nhận thức của cộng đồng về nước sạch, vệ sinh môi trường được nâng cao thông qua các buổi tuyên truyền, tập huấn, hội nghị.

Những năm qua, các tổ chức PCPNN luôn hoạt động đúng định hướng là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy và nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong công tác tiếp cận thông tin, vận động, kêu gọi và thu hút nguồn vốn viện trợ PCPNN. Bên cạnh đó, tỉnh đã ban hành các ấn phẩm, chương trình xúc tiến vận động viện trợ để cung cấp thông tin về hoạt động của các tổ chức PCCNN, cũng như nhu cầu của tỉnh về các lĩnh vực ưu tiên sử dụng nguồn viện trợ, từ đó giúp các tổ chức PCPNN nắm bắt thông tin trong quá trình khảo sát, thiết kế, lập văn kiện dự án và triển khai thực hiện các hoạt động thiết thực, giúp cuộc sống của người dân vùng dự án từng bước được cải thiện, đồng thời góp phần tăng cường, mở rộng mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa nhân dân trong tỉnh với bạn bè quốc tế.

Thu Hiền

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/274/132627/hieu-quavien-trophi-chinh-phu-nuoc-ngoai-tren-dia-ban-tinh.htm