Hiểu rõ để thực hiện đúng nghĩa vụ nộp thuế

Biện pháp tạm hoãn xuất cảnh mang lại hiệu quả rất tích cực trong công tác quản lý nợ thuế. Tuy nhiên, một bộ phận doanh nghiệp và người nộp thuế chưa nắm rõ quy định này. Để giúp người nộp thuế hiểu rõ thêm về các quy định liên quan, phóng viên TBTCVN có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thu Trà - Vụ trưởng Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế (Tổng cục Thuế).

Công chức thuế rà soát phân loại nợ thuế để có giải pháp thu nợ phù hợp với từng trường hợp. Ảnh: Thanh Chi

Công chức thuế rà soát phân loại nợ thuế để có giải pháp thu nợ phù hợp với từng trường hợp. Ảnh: Thanh Chi

PV: Công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế là 1 trong 4 chức năng quản lý thuế chính của cơ quan thuế, nhằm huy động đầy đủ các nguồn thuế vào ngân sách nhà nước (NSNN), bà có thể chia sẻ khái quát về các biện pháp thu hồi nợ thuế hiện nay?

Bà Nguyễn Thu Trà: Để thu hồi được tiền thuế nợ vào NSNN, cơ quan thuế thực hiện thông báo cho người nộp thuế (NNT) biết về số nợ thuế qua hình thức gọi điện thoại, gửi tin nhắn; gửi thư điện tử hay thông báo nợ thuế cho NNT để NNT nắm được số tiền nợ thuế và nộp vào NSNN.

Trường hợp NNT cố tình không tuân thủ, chây ỳ không nộp tiền thuế nợ, cơ quan thuế có thể áp dụng các biện pháp mạnh hơn như thông báo công khai tiền thuế nợ của NNT trên các phương tiện thông tin đại chúng; thực hiện các biện pháp cưỡng chế và thực hiện biện pháp tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật.

Khoản 1 Điều 124 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 đưa ra 7 biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, bao gồm: Trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế tại Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác; phong tỏa tài khoản; khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập; dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu...

PV: Với quy trình quản lý nợ thuế và cưỡng chế nợ thuế, việc xử lý tạm hoãn xuất cảnh được áp dụng với những trường hợp nào, thưa bà?

Bà Nguyễn Thu Trà: NNT có khoản thuế xác định phải nộp nhưng quá thời hạn nộp thuế mà chưa nộp vào NSNN được coi là NNT có tiền thuế nợ.

NNT có tiền thuế nợ có thể bị tạm hoãn xuất cảnh nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 66 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14: “1. NNT thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế; trường hợp chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh”. Khoản 1 Điều 21 Nghị định 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ có quy định cụ thể hơn về đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh.

PV: Như bà vừa chia sẻ, những nhóm người trên sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh nếu không kịp thời thực hiện nghĩa vụ thuế vào NSNN, vậy trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp này như thế nào, thưa bà?

Bà Nguyễn Thu Trà: “Thẩm quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh...” là “Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế quản lý trực tiếp NNT” được quy định tại khoản 2 Điều 21 Nghị định 126/2020/NĐ-CP.

Đối với những NNT thuộc trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh sẽ được cơ quan thuế xem xét và rà soát đối chiếu, kiểm tra thông tin tiền thuế nợ của NNT trước khi thực hiện thông báo tạm hoãn xuất cảnh gửi sang cơ quan quản lý xuất nhập cảnh của Bộ Công an; đồng thời gửi thông báo cho NNT biết để NNT hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi xuất cảnh theo các quy định của pháp luật.

PV: Có một vấn đề mà NNT quan tâm đó là cá nhân, tổ chức nợ thuế đến ngưỡng nào và nợ trong thời gian bao lâu thì sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh, bà có thể chia sẻ rõ hơn về vấn đề này?

Bà Nguyễn Thu Trà: Hiện nay theo quy định của pháp luật thì chưa có quy định ngưỡng nợ nào là phải tạm hoãn xuất cảnh. Vừa qua, cơ quan thuế đẩy mạnh áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, đặc biệt đối với các trường hợp bỏ địa chỉ đã đăng ký do số nợ của NNT bỏ địa chỉ đã đăng ký trên cả nước là khá lớn (15.602 tỷ đồng).

Việc triển khai tạm hoãn xuất cảnh của ngành Thuế đã nhận được sự phối hợp tích cực của Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an, cùng với sự vào cuộc của các cơ quan thông tấn báo chí, giúp truyền tải thông tin đến NNT. Nhiều cá nhân biết được thông tin qua các phương tiện truyền thông đã tự giác đi nộp thuế nợ từ nhiều năm nay; doanh nghiệp cũng chủ động nộp hết nợ khi có kế hoạch xuất cảnh, không cần chờ đến khi có thông báo tạm hoãn xuất cảnh.

Như vậy có thể hiểu, những NNT chây ỳ, lâu không nộp tiền thuế nợ thì sẽ được xem xét có thể thông báo tạm hoãn xuất cảnh.

Với mục tiêu giảm số NNT để nợ quá hạn, tăng số lượng NNT tự nguyện tuân thủ đúng pháp luật về thuế, cơ quan thuế đã triển khai nhiều giải pháp để NNT biết rõ nghĩa vụ thuế của mình để nộp thuế kịp thời, không để đến khi ra sân bay mới biết mình bị cấm xuất cảnh.

Những giải pháp cơ quan thuế triển khai như: Tăng cường tuyên truyền các quy định; có nhiều biện pháp nhắc nhở NNT; đẩy mạnh các kênh tra cứu, nhắc nhở, cảnh báo khác như tra cứu trên website ngành Thuế, cổng nộp thuế điện tử, ứng dụng ETax Mobile... Khuyến khích NNT nộp bằng phương thức điện tử qua Cổng nộp thuế điện tử của cơ quan thuế hoặc qua ứng dụng eTax Mobile.

Với các khoản thuế nợ thông thường, đã có các nhắc nhở nêu trên mà sau 90 ngày NNT vẫn không nộp vào NSNN, cơ quan thuế sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế và xem xét tạm hoãn xuất cảnh.

PV: Đối với những NNT vô tình không biết mình bị nợ thuế, khi ra đến sân bay mới biết mình bị tạm hoãn xuất cảnh, thì có biện pháp nào giúp NNT thực hiện nghĩa vụ thuế ngay để tiếp tục được xuất cảnh không, thưa bà?

Bà Nguyễn Thu Trà: Như tôi đã trao đổi ở trên, cơ quan thuế thường xuyên có thông báo nợ đến NNT, còn những trường hợp NNT không nhận được thông báo nợ thuế là thuộc những trường hợp NNT thay đổi địa chỉ kinh doanh nhưng không thông báo lại với cơ quan thuế dẫn đến thông báo của cơ quan thuế không đến được nơi người nhận. Cơ quan thuế khuyến nghị NNT chủ động cập nhật thông tin liên quan đến địa chỉ nhận thông báo thuế cũng như thông tin liên lạc đến cơ quan thuế khi có thay đổi để nhận được các thông báo của cơ quan thuế một cách đầy đủ.

Còn đối với những trường hợp ra đến sân bay rồi mới biết bị tạm hoãn xuất cảnh, thì có thể là những NNT không có thông tin địa chỉ chính xác dẫn đến việc không nhận được thông báo của cơ quan thuế.

Tại sân bay, NNT hoàn toàn có thể nộp thuế bằng dịch vụ nộp thuế điện tử của cơ quan thuế hay nộp bằng eTax Mobile. Nhưng sau đó cần có thời gian để cơ quan thuế kiểm tra chứng từ và ban hành thông báo hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh, chuyển cho cơ quan cơ quan xuất nhập cảnh để hủy bỏ việc tạm hoãn xuất cảnh. Thông báo gửi tới Cục Quản lý xuất nhập cảnh hiện nay vẫn là văn bản giấy. Cơ quan thuế cũng đang phối hợp với Cục Quản lý xuất nhập cảnh để tiến tới trao đổi thông báo tạm hoãn xuất cảnh, thông báo hủy tạm hoãn xuất cảnh bằng phương thức điện tử.

Do vậy, tốt nhất là NNT nên chủ động hoàn thành nghĩa vụ với NSNN trước khi có kế hoạch xuất cảnh.

PV: Xin cảm ơn bà!

Tuấn Nguyễn

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/hieu-ro-de-thuc-hien-dung-nghia-vu-nop-thue-161477.html