Hiếu thảo ngay hôm nay
Sắp đến Rằm tháng Bảy, trong những câu chuyện thường ngày của mấy cụ cao tuổi đã có nội dung 'Tết xá tội vong nhân', 'Tết Vu lan báo hiếu'. Đã qua cái thời phải lo sao có cân gạo nếp, mấy lạng đậu xanh, con gà trống hay con vịt để sắm cỗ, trước là sửa soạn mâm cỗ tươm tất để tưởng nhớ ông bà, tổ tiên, sau là cho con cháu được ăn bữa tết cổ truyền mà nhớ phong tục từ xa xưa truyền lại. Bây giờ, thực phẩm ê hề, lo sắm mâm cỗ chả khó gì. Thậm chí nhiều nhà còn ăn to, còn sắm sửa vàng mã với đủ loại áo quần, mũ mão, tiện nghi để 'hóa' cho các cụ dưới âm, với ý nghĩ 'trần sao âm vậy', để tỏ tấm lòng báo hiếu.
Một cụ mới về quê lên, kể rằng: Nhà anh A vừa xây lại mộ cho bố mẹ. Anh ta kén thợ nơi xa về xây ngôi mộ to như ngôi miếu. Có con thế, bố mẹ cũng mát mặt. Cụ khác bày tỏ suy nghĩ của mình: Mát mặt bố mẹ hay mát mặt anh ta! Quan trọng là cư xử với bố mẹ khi còn sống như thế nào.
Câu chuyện được khơi mào, cứ tiếp nối kể chuyện nọ chuyện kia, cứ xen cài bình phẩm. Các cụ ý tứ nói chuyện thực tế nhưng là chuyện đời nói chung để bày tỏ sự chiêm nghiệm về hai chữ hiếu thảo ở đời, chả ám chỉ, không soi mói đưa chuyện.
Bây giờ, đời sống vật chất không còn khó khăn, thiếu thốn như xưa. Ông bà, cha mẹ chả còn phải ăn thèm nhịn nhạt. Nhưng ngày xưa ăn được thì chả có mà ăn, cứ phải dè sẻn nhường nhịn cho con, cho cháu. Bây giờ có thì lại chả ăn được, “hàm răng chiếc rụng, chiếc lung lay”, có khi còn phải ăn kiêng do bệnh này tật nọ…
Ý kiến cụ khác tiếp nối, nói về cái sự quan tâm. Ăn ít, ăn kiêng, nhưng cha mẹ cần cái sự quan tâm. Một lời mời, một câu hỏi han là quý lắm. Các cụ xưa có câu: “Già bát canh, trẻ manh áo mới”. Bát canh ngọt dễ đưa cơm là hợp với tuổi già. Thịt cá ê hề, món nọ món kia mà kệ cụ muốn ăn gì thì ăn, thì ngán đến tận cổ, chỉ muốn buông đũa đứng dậy. Lại còn chuyện hết giờ cơ quan, đến bữa rồi mà các anh các chị ấy còn “cầu lông, ten nít” chưa về, để bố mẹ chờ, có khi ăn qua quýt cho xong bữa.
Cụ khác rẽ sang chuyện bệnh tật thuốc men. Nội dung này xem ra phong phú nhất. Mỗi người già mỗi tật bệnh. Thuốc men bây giờ cứ loạn cả lên. Lại còn thực phẩm chức năng nữa chứ. Thức nào cũng quảng cáo là “vương”, là “khang”, là khỏi ngay, là dùng thì không còn lo gì bệnh tật. Nhưng mà tiền thì đi mà bệnh cứ ở, mà ở lì, ở dai. Thầy thuốc thì bảo “lão hóa rồi”, con cháu hùa theo bảo “bố mẹ phải sống chung với bệnh tật”. Thì vẫn biết thế, nhưng nói thế nào, động viên thế nào chứ. Có anh chị chẹp miệng, chả kêu tốn kém, nhưng thoáng qua là bố mẹ biết ngay. Có anh chị dồi dào đồng tiền, cứ mua về chất đống, cứ như muốn nói, đấy, con có để bố mẹ thiếu thuốc đâu. Không thiếu thuốc, nhưng mà có thứ thiếu đấy. Ấy là sự hỏi han, ấy là bàn tay xoa bóp, ấy là sự gần gũi ân cần. Các anh, các chị đoảng tính, mải làm ăn, cả mải giao lưu giao loát gì gì nên chả để ý.
Lại còn chuyện ly dị, ly thân, người thứ ba thứ mấy. Còn chuyện chểnh mảng việc chăm lo con cái học hành, để đến khi con học kém, con mắc lỗi nặng, thậm chí hư hỏng, bấy giờ vợ chồng mới năn nỉ, đổ lỗi cho nhau. Đổ lỗi cho vợ hay cho chồng thì cái lỗi vẫn còn đấy, chỉ khổ đứa trẻ. Và khổ tâm ông bà. Con cháu là niềm vui, là hạnh phúc, là hy vọng của ông bà. Ông bà già rồi, chỉ trông chờ có thế, chứ còn gì nữa?
Đấy, hiếu thảo hay không là như thế. Câu chuyện cứ tiếp nối. Không khí có lúc sôi nổi râm ran, có lúc lắng lại suy tư.
Trong tâm trí các cụ đọng lại điều sâu sắc là: Hiếu thảo là điều quý giá, không phải chỉ cho cha mẹ, ông bà, mà còn cho chính con cháu. Hiếu thảo với người đã khuất cũng quý, nhưng quan trọng là hiếu thảo ngay bây giờ, ngay hôm nay…