Hiệu trưởng đối thoại với học sinh: Nhiều bất ngờ
Để nắm bắt tâm tư, tình cảm cũng như tháo gỡ những hoang mang, bối rối của học sinh trong học tập, cuộc sống, một số trường học tại Hà Nội tổ chức đối thoại giữa hiệu trưởng và học trò. Ở đó, học trò được hỏi thẳng, trả lời thật từ chuyện yêu đến chuyện học.
Trong vòng 3 giờ sáng 15/1, TS. Lê Xuân Trung, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Lợi, quận Hà Đông (Hà Nội), trả lời hàng chục câu hỏi với nhiều nội dung của học sinh toàn trường trong chương trình “Hiệu trưởng đối thoại với học sinh”.
Nhiều học sinh lớp 11 và lớp 12 quan tâm đến kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới cũng như kỳ thi từ năm 2025. Hiệu trưởng cho biết, về kỳ thi năm tới, Bộ GD&ĐT đã công bố phương án thi gồm 4 môn. Nhà trường sẽ định hướng, gợi ý để các em lựa chọn các môn thi tự chọn phù hợp năng lực và khuyên học sinh không nên ôm đồm, chạy đua đi luyện thi ở nhiều nơi tốn thời gian, công sức.
“Cùng với thay đổi số lượng môn thi, có thể các trường ĐH cũng sẽ thay đổi phương thức tuyển sinh như: thi đánh giá năng lực, có phương án tuyển sinh riêng, sử dụng kết quả học bạ…, học sinh cần theo dõi và chuẩn bị ứng phó.
Điều quan trọng nhất của học sinh lớp 11 hiện nay là có nền tảng kiến thức tốt. Các em hãy tận dụng sự quan tâm của thầy cô, gia đình để xây dựng kế hoạch học tập bài bản, khoa học và đạt được ước mơ đó dẫu con đường khám phá, chinh phục tri thức không hề dễ dàng”, ông Trung nói.
Em Đỗ Bảo Châu, học sinh lớp 12A5, đặt ra tình huống khó, nếu học sinh phản ánh về việc có giáo viên chưa có phương pháp dạy học tốt, thậm chí định kiến với học sinh, nhà trường sẽ xử lý ra sao? Ông Trung chia sẻ, thầy cô đang ở trong độ tuổi “chín” của nghề để có các giờ dạy học hay, nhưng vẫn có một vài thầy cô chưa thật sự tâm huyết, có những giờ dạy bám bài theo phương pháp cũ, dạy cho xong việc.
“Tuy con số rất ít nhưng là có và nhà trường đều nắm bắt được, đã gặp gỡ trao đổi riêng để quán triệt, động viên thầy cô cùng cố gắng. Ở góc độ quản lý nhà trường là vậy, luôn yêu cầu, đòi hỏi nhà giáo lên lớp phải có chữ tâm, giàu lòng thương yêu học trò”, ông nói.
Ông Trung mong học sinh hiểu thêm về thầy cô, ngoài nhà trường mỗi người đều mang trên mình nhiều trọng trách khác, đó là làm cha, làm mẹ, làm dâu, làm con… với bao nhiêu nhọc nhằn, lo toan. Vì thế, có thể có những khoảnh khắc nào đó, họ mang điều không vui từ nhà đến lớp.
Tuy nhiên, Ban Giám hiệu sẽ tìm hiểu, để hiểu hoàn cảnh, tình huống nếu có và nhắc nhở, giám sát, cam kết bảo vệ lẽ phải, xây dựng môi trường học tập thoải mái, an toàn cho học trò.
Ở trường học, học sinh phải được đặt làm trung tâm, làm sao các em thấy vui khi đến trường, thấy yêu trường mến bạn. Phía thầy cô sẽ phải nâng cao trình độ chuyên môn, tôn trọng học sinh, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các em để tháo gỡ khó khăn.
Khi học sinh “quây” hiệu trưởng
Điều bất ngờ là một số học sinh hỏi thẳng về quan điểm của thầy hiệu trưởng về tình yêu tuổi học trò, thậm chí là tình yêu đồng giới. Cũng có em mong muốn nhà trường chú trọng hơn nữa về tham vấn tâm lý học đường, dạy kỹ năng sống. Về vấn đề này, ông Trung chia sẻ với học sinh, tình yêu tuổi học trò là tình cảm đẹp đẽ, tự nhiên trong sáng đầu đời.
Tuy nhiên, ở bậc THPT, các em trong độ tuổi 15-17, chuẩn bị cho bước ngoặt vào ĐH, tình yêu đó phải làm sao không ảnh hưởng đến học tập. Nói vậy, nhưng rất khó thực hiện bởi lẽ, khi đã yêu, sẽ có “ngày mưa, ngày nắng”, thậm chí có em đối mặt với chuyện bạn trai, bạn gái không yêu nữa hoặc mang thai ngoài ý muốn. Khi đó, có em suy nghĩ tiêu cực, bỏ bê học hành, thậm chí bỏ nhà ra đi khiến bố mẹ, thầy cô lo lắng.
TS Lê Xuân Trung khuyên học sinh ngoài học tập, cần tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa, văn hóa văn nghệ của nhà trường, rèn sự tự tin. Theo ông, kiến thức hàn lâm, sách vở chỉ chiếm 18-20% trong công việc sau này, nhưng cuộc sống cần nhiều kỹ năng khác.
“Tình yêu học trò chỉ đẹp khi các em biết động viên nhau tiến bộ, giữ gìn sức khỏe, nhất là học sinh nữ không để xảy ra chuyện mang thai ngoài ý muốn”, ông nói.
Cũng tại buổi đối thoại, có học sinh lớp 11 cầu cứu thầy hiệu trưởng vì đang mâu thuẫn, không tìm được tiếng nói chung với gia đình trong định hướng nghề nghiệp khiến em rất hoang mang.
Ông Trung lí giải, vì khoảng cách thế hệ nên giữa bố mẹ, con cái có những điểm “vênh”, nên tranh cãi là bình thường. Trên thực tế, con người muốn làm việc có hiệu quả trước hết phải có niềm đam mê, yêu thích và có khả năng.
“Nếu em không thích ngành nghề bố mẹ định hướng, cần chỉ ra mặt mạnh, đặc trưng, xu hướng của nghề mình yêu thích và thuyết phục vì sao mình lại yêu thích, phù hợp với ngành nghề đó. Nhiều em vào ĐH 1-2 năm cảm thấy không phù hợp chuyển trường rất lãng phí thời gian, tiền bạc”, ông phân tích.
Tương tự, học sinh đã “quây” Ban Giám hiệu Trường THCS Chương Dương, quận Hoàn Kiếm để hỏi về bữa ăn học đường, chống bạo lực, an toàn giao thông, học tập trong buổi đối thoại giữa người đứng đầu nhà trường với giáo viên, học sinh.
Nhiều học sinh chia sẻ băn khoăn về vấn nạn bạo lực học đường hiện nay và giải pháp ngăn chặn. Có em “tố” học sinh lớp 9 chưa đủ tuổi sử dụng xe máy nhưng vẫn đi xe đến trường. Có em bày tỏ mong muốn có thật nhiều giờ học sôi nổi, hạnh phúc, ít bị áp lực bài vở…
Bà Nguyễn Thị Vân Hồng, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết, buổi đối thoại không có kịch bản, không có câu hỏi chuẩn bị trước. “Có em đã đặt câu hỏi, thầy cô bị stress sẽ không hạnh phúc, không có giờ giảng hay, nhà trường sẽ làm gì? Hay có em đứng lên nói, mình từng đi ẩu nên bị tai nạn giao thông, mong muốn được chia sẻ câu chuyện của mình để các bạn làm bài học. Phía phụ huynh cũng mong muốn, nhà trường, giáo viên lắng nghe học sinh hơn, trong từng tình huống cụ thể cần xem xét kỹ lưỡng trước khi kết luận”, bà Hồng nói.
Theo bà Hồng, tại buổi đối thoại, hiệu trưởng đã giải đáp tất cả băn khoăn, thắc mắc chính đáng của học sinh để các em yên tâm học tập. Qua đối thoại, nhà trường có cái nhìn đầy đủ cũng như thấu hiểu những vấn đề học sinh đang quan tâm, lo lắng, từ đó có kế hoạch trong dạy học. Bậc THCS, học sinh ở tuổi dậy thì với nhiều xáo trộn, cùng với áp lực học tập, thi cử như học sinh lớp 9 rất cần thầy cô, cha mẹ hiểu, chia sẻ và hỗ trợ.