Hiệu trưởng trường trung cấp nghề ở Thanh Hóa có được 'ưu ái' bổ nhiệm?
Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 có quy định rất rõ về tiêu chuẩn để trở thành hiệu trưởng trường trung cấp nghề, thế nhưng UBND thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa) có 'ưu ái' khi bổ nhiệm người chưa từng giảng dạy hay quản lý trường nghề?
Ông Trịnh Tuấn Thành, Chủ tịch UBND thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa ngày 25-1-2024 đã ký quyết định điều động, bổ nhiệm ông Lý Minh Quang, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Bỉm Sơn giữ chức Hiệu trưởng trường Trung cấp nghề Bỉm Sơn.
Việc điều động, bổ nhiệm ông Lý Minh Quang dư luận cho rằng UBND thị xã Bỉm Sơn có "ưu ái". Bởi, ông Lý Minh Quang chưa đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 (được Quốc hội thông qua ngày 27-11-2014).
Cụ thể, tại Điểm a, Khoản 2, Điều 14, Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 quy định rõ, để trở thành Hiệu trưởng trường trung cấp nghề, người được bổ nhiệm phải: "có phẩm chất, đạo đức tốt, đã có ít nhất là 5 năm làm công tác giảng dạy hoặc tham gia quản lý giáo dục nghề nghiệp".
Thông tư 47/2016 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quy định về Điều lệ trường trung cấp cũng quy định: hiệu trưởng trường trung cấp phải có đủ các tiêu chuẩn theo quy định tại Khoản 2, Điều 14, Luật Giáo dục nghề nghiệp.
Trong khi, ông Lý Minh Quang chưa từng giảng dạy tại các trường nghề hoặc tham gia quản lý giáo dục nghề nghiệp ngày nào.
Ngoài ra, để điều động, bổ nhiệm ông Lý Minh Quang về làm Hiệu trưởng trường Trung cấp nghề Bỉm Sơn, UBND thị xã Bỉm Sơn đã phải "biệt phái" bà Lê Thị Huế, Phó hiệu trưởng trường này về Phòng GD-ĐT thị xã Bỉm Sơn, do bà Huế và ông Quang là vợ chồng.
Chưa từng giảng dạy, công tác ở trường nghề
Trao đổi với Báo Người Lao Động về việc này, đại diện UBND thị xã Bỉm Sơn khẳng định ông Lý Minh Quang chưa từng công tác và giảng dạy ở trường nghề một ngày nào. Tuy nhiên, theo vị đại diện này, ông Quang có 7 năm là giáo viên thể dục tại các trường phổ thông công lập (dạy thể dục tại 2 trường THCS - PV) trên địa bàn thị xã Bỉm Sơn.
Khi được hỏi theo Luật Giáo dục nghề nghiệp và Thông tư 47 quy định điều kiện bổ nhiệm hiệu trưởng trường trung cấp nghề phải có ít nhất 5 năm công tác giảng dạy hoặc tham gia quản lý giáo dục nghề nghiệp, liệu ông Lý Minh Quang có đủ điều kiện. Đại diện UBND thị xã Bỉm Sơn lý giải đấy (theo Luật Giáo dục nghề nghiệp - PV) là nguồn bổ nhiệm tại chỗ mới như thế, còn đây (việc bổ nhiệm ông Lý Minh Quang - PV) là quy trình điều động, bổ nhiệm cán bộ theo quy chế của Thị ủy Bỉm Sơn.
Tuy nhiên, đại diện UBND thị xã Bỉm Sơn cũng thừa nhận căn cứ theo Luật Giáo dục nghề nghiệp thì có băn khoăn về chỗ này (chỉ cần đủ thời gian giảng dạy ở các trường bất kỳ hay phải giảng dạy ở trường nghề - PV). "Nếu như vậy trường trung cấp nghề sẽ khuyết, không có hiệu trưởng. Vì ngoài ông Quang, Phòng Nội vụ cũng có cân nhắc hai nguồn, nhưng một nguồn sắp về hưu, còn một nguồn không có nguyện vọng, trong khi nguồn tại chỗ không đủ điều kiện"- đại diện UBND thị xã Bỉm Sơn thông tin.
Đại diện UBND thị xã Bỉm Sơn cũng cho biết việc "biệt phái" bà Lê Thị Huế chỉ là giải pháp "tình thế" để cho ông Lý Minh Quang về trường, còn về lâu dài nếu có vị trí biên chế sẽ sắp xếp, bổ nhiệm lại. Còn thông tin bà Huế đi "biệt phái" nhưng vẫn hưởng chế độ phụ cấp 30% đứng lớp và phụ cấp chức vụ, đại diện UBND thị xã Bỉm Sơn nói sẽ cho kiểm tra lại.
Trong khi đó, theo ông Thịnh Văn Phong, Trưởng ban Tổ chức Thị ủy Bỉm Sơn việc bổ nhiệm ông Lý Minh Quang đã được Ban Thường vụ Thị ủy Bỉm Sơn thống nhất và phù hợp với Luật Giáo dục nghề nghiệp. Ông Phong lý giải về quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 14, Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 rằng điểm này có 2 ý khác nhau, nên ông Quang vẫn đảm bảo điều kiện.
"Có ít nhất là 5 năm làm công tác giảng dạy hoặc tham gia quản lý giáo dục nghề nghiệp, có nghĩa là: "có cái này hoặc có cái kia". Từ phân tích đó, Ban Thường vụ Thị ủy thấy cũng hợp lý nên quyết định đồng ý về nhân sự giới thiệu để ủy ban làm quy trình bổ nhiệm"- ông Phong thông tin.
Ông Phong cũng cho rằng nếu quy định nêu rõ có 5 năm làm công tác giảng dạy phải ở trường nghề thì nguồn này sẽ không đưa vào, thế nhưng trong quy định chỉ nói tối thiểu 5 năm giảng dạy hoặc tham gia quản lý giáo dục nghề nghiệp. "Nếu quy định dùng từ "và" chúng tôi sẽ không đồng ý, nhưng ở đây dùng từ "hoặc". Hoặc tức là có hoặc không, nên Ban Thường vụ mới thống nhất. Còn nếu làm rõ câu đó phải dạy ở trường nghề thì sẽ hủy việc bổ nhiệm"- ông Phong khẳng định.