Hiệu ứng từ giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa

Sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, nhịp sống đã nhộn nhịp trở lại, nhu cầu hàng hóa, tiêu dùng bắt đầu tăng lên. Trong khi thị trường xuất khẩu vẫn gặp nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 thì thị trường trong nước đang là 'đất sống' cho các cơ sở sản xuất kinh doanh.

Theo báo cáo của Sở Công thương, mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội 6 tháng đầu năm vẫn đạt 10.276 tỷ đồng, bằng 28,4% kế hoạch, tăng 1,7% so với cùng kỳ. Những tác động của dịch bệnh đã thay đổi hành vi mua sắm của người tiêu dùng theo hình thức trực tuyến. Trong thời gian giãn cách xã hội, phần lớn các giao dịch đều được thanh toán trực tuyến, bảo đảm các hàng hóa thiết yếu được cung ứng đến người tiêu dùng, không có tình trạng “gom hàng”, đầu cơ, tích trữ, gây biến động thị trường, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.

Công nhân Công ty cổ phần Giấy An Hòa vận chuyển bột giấy cung ứng thị trường trong nước. Ảnh: Thành Công

Ông Lộc Kim Liễn, Phó Giám đốc Sở Công thương nhấn mạnh, để phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, các địa phương triển khai kịp thời các chính sách cụ thể, trong đó có các biện pháp phát triển thương mại trong giai đoạn mới, trọng tâm là đẩy mạnh các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước. Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh và trước yêu cầu phát triển mới, các cơ sở sản xuất kinh doanh đã tung ra nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá và chuyển hướng sang bán hàng trực tuyến. Đặc biệt, tại các siêu thị và ngay cả các chợ truyền thống đã tăng cường các giao dịch hỗ trợ đắc lực cho người tiêu dùng như ship hàng tận nơi đã duy trì hoạt động mua sắm bình thường của người dân.

Chị Trần Thanh Huyền, nhân viên thu ngân Vincom Tuyên Quang cho biết, trong thời gian giãn cách và hậu Covid-19, Vincom Tuyên Quang đã đồng loạt giảm giá các sản phẩm từ 15 đến 50% nhằm kích thích nhu cầu mua sắm trong nhân dân. Sảm phẩm giảm giá tập trung vào các mặt hàng do các doanh nghiệp trong nước sản xuất để cụ thể hóa chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Nhờ giải pháp kích cầu này, lượng hàng hóa bán ra tại siêu thị tương đối lớn, không có hàng hóa tồn dư, nhất là các mặt hàng nông sản.

Các doanh nghiệp trước đây phụ thuộc lớn vào xuất khẩu thị trường nước ngoài thì nay chuyển hướng tiếp cận thị trường trong nước để cung ứng sản phẩm. Ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương nhấn mạnh, do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, công ty không bán được hàng cho các đối tác nước ngoài, lượng đường kính tồn kho khoảng 10 nghìn tấn, công ty gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, để tồn tại và phát triển, công ty đã triển khai thị trường bán lẻ trong nước, xúc tiến thương mại tại các tỉnh, thành phố, chú trọng cung ứng sản phẩm cho các đại lý, siêu thị và giảm giá sản phẩm từ hơn 12.000 đồng xuống còn hơn 11.000 đồng/kg đường kính. Nhờ đó đến thời điểm này công ty đã bán gần hết lượng đường tồn kho.

Cũng như Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương, các công ty xuất khẩu các sản phẩm nông lâm sản trên địa bàn tỉnh đã chú trọng khai thác thị trường trong nước để tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm việc làm cho người lao động. Ông Nguyễn Văn Anh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giấy An Hòa cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh, các thị trường truyền thống bị đóng băng. Do đó, công ty chú trọng khai thác, xúc tiến thị trường trong nước để tiêu thụ sản phẩm bột giấy. Trong 6 tháng đầu năm 2020, công ty đã cung ứng được gần 100 tấn bột giấy và giấy cho thị trường trong nước, tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là hướng đi mới của công ty trong thời gian tới để giảm phụ thuộc vào thị trường nước ngoài.

Để kích cầu tiêu dùng nội địa, phát triển thị trường trong nước, ổn định đầu ra cho sản phẩm của các doanh nghiệp cần có chính sách và giải pháp lâu dài mang tính bền vững. Ông Lộc Kim Liễn, Phó Giám đốc Sở Công thương nhấn mạnh, tỉnh khuyến khích các siêu thị, các doanh nghiệp xây dựng kênh phân phối thị trường bán lẻ về vùng nông thôn; đẩy mạnh các giao dịch điện tử, hướng tới nền kinh tế số, không dùng tiền mặt, tránh tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng sản phẩm do tác động của những biến cố khách quan. Đồng thời, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, thực hiện văn minh thương mại, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, bảo đảm thị trường nội địa trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.

Thùy Linh

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/xuc-tien-dau-tu/hieu-ung-tu-giai-phap-kich-cau-tieu-dung-noi-dia-134366.html