Hình ảnh khơi lại 'vết thương cũ' ở quốc gia đông dân nhất thế giới

Một hình ảnh minh họa việc Ấn Độ soán ngôi về dân số của Trung Quốc đã khiến công chúng phẫn nộ, khơi lại những gì được xem là định kiến lỗi thời từ truyền thông phương Tây.

Hình minh họa do họa sĩ truyện tranh Patrick Chappatte vẽ được xuất bản trên tạp chí Đức Der Spiegel vào tháng tư cho thấy một đám đông người Ấn Độ hân hoan trên một đầu máy xe lửa cũ kỹ và chật chội, khi vượt qua đoàn tàu cao tốc hiện đại của Trung Quốc.

“Thế giới phương Tây thích mô tả Ấn Độ là người nghèo và đang gặp khó khăn”, nhà lập pháp Ấn Độ Vijayasai Reddy viết trên Twitter. Ông cũng chỉ trích bức tranh biếm họa cho thấy “khiếu thẩm mỹ tồi tệ”.

Những lời chỉ trích khác thậm chí còn đi xa hơn.

“Chào nước Đức, đây là hành vi phân biệt chủng tộc cực kỳ nghiêm trọng”, ông Kanchan Gupta, cố vấn cấp cao của Bộ Thông tin và Phát thanh truyền hình Ấn Độ, viết trên Twitter.

Sau khi giành độc lập vào năm 1947, Ấn Độ rơi vào tình trạng kém phát triển với mức GDP khoảng 20 tỷ USD. Tuổi thọ trung bình chỉ có 37 tuổi với nam giới và 36 tuổi với nữ giới. Trong khi đó chỉ 12% người Ấn Độ biết chữ.

Tuy nhiên, hơn 3/4 thế kỷ sau, các nhà phê bình tạp chí Der Spiegel nói rằng thật không công bằng khi vẫn nhìn Ấn Độ qua lăng kính nghèo đói.

Nền kinh tế trị giá gần 3.000 tỷ USD của Ấn Độ hiện là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới và là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất. Tỷ lệ biết chữ đã tăng lên 74% ở nam giới và 65% ở nữ giới. Tuổi thọ trung bình ở Ấn Độ cũng tăng lên 70.

Cuối tuần trước, Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới, theo ước tính của Liên Hợp Quốc, một sự thay đổi mang tính địa chấn với hệ thống nhân khẩu học toàn cầu.

"Vấn đề địa chính trị"

Chia sẻ với CNN, họa sĩ Patrick Chappatte cho biết ông rất ngạc nhiên khi hình minh họa của mình trên tạp chí Der Spiegel đã trở thành “một vấn đề địa chính trị”.

“Tôi rất ngạc nhiên khi các quan chức của một đất nước tuyệt vời lại nhìn nhận phim hoạt hình một cách nghiêm túc đến vậy, và bắt đầu khuấy động cảm xúc của mọi người”, ông nói. “Rất nhiều phản ứng dữ dội khơi lại sự oán giận đối với phương Tây - điều mà tôi có thể hiểu được”.

 Hình ảnh gây tranh cãi trên tạp chí Der Spiegel. Ảnh: Twitter.

Hình ảnh gây tranh cãi trên tạp chí Der Spiegel. Ảnh: Twitter.

Hiện nay, Ấn Độ đang khai thác lợi tức nhân khẩu học - tức tiềm năng tăng trưởng kinh tế nhờ số lượng lớn dân số trong độ tuổi lao động, khi thị trường tiêu dùng rộng lớn và nguồn lao động giá cả phải chăng đang thu hút các nhà đầu tư toàn cầu.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) kỳ vọng quốc gia Nam Á này sẽ vượt trội so với tất cả nền kinh tế lớn mới nổi và tiên tiến trong năm nay, đạt mức tăng trưởng GDP 5,9%. Để so sánh, nền kinh tế Đức và Anh được dự đoán sẽ trì trệ, trong khi Mỹ dự kiến chỉ tăng trưởng 1,6%.

“Trong vài năm nữa, nền kinh tế Ấn Độ sẽ lớn hơn Đức”, ông Rajeev Chandrasekhar, Bộ trưởng Điện tử và Công nghệ thông tin Ấn Độ, viết trên Twitter.

Đại sứ Đức tại Ấn Độ Philipp Ackermann cũng nói với hãng thông tấn ANI rằng hình minh họa trên tạp chí Der Spiegel đang “đùa giỡn với những khuôn sáo lỗi thời”.

“Tôi muốn mời người vẽ tranh biếm họa này cùng đi tàu điện ngầm với tôi ở Delhi. Delhi có một hệ thống tàu điện ngầm rất hiện đại”, ông nói.

Tuy nhiên, không phải tất cả mạng lưới đường sắt rộng lớn của Ấn Độ đều hiện đại như hệ thống tàu ở thủ đô. Nhiều đoàn tàu ở nước này đã cũ kỹ và đường ray cần được tân trang lại.

Hành trình giữa các thành phố lớn thường chậm, khó khăn và không an toàn. Ở thủ đô tài chính Mumbai, việc chứng kiến những đoàn tàu địa phương chật kín người - một số thậm chí còn ngồi bấp bênh trên nóc - không phải là hiếm.

Điều đó hoàn toàn trái ngược với Trung Quốc - quốc gia đã xây dựng mạng lưới đường sắt cao tốc rộng lớn nhất thế giới từ đầu thế kỷ này. Trung Quốc đã xây dựng khoảng 42.000 km đường sắt cao tốc chuyên dụng kể từ năm 2008 và có kế hoạch mở rộng tới 70.000 km vào năm 2035.

Sự so sánh giữa Ấn Độ và Trung Quốc trong bức hình của tạp chí Der Spiegel đặc biệt khiến một số nhà phê bình lo ngại, khi căng thẳng giữa hai nước láng giềng ở biên giới ngày càng gia tăng.

“Der Spiegel vẽ biếm họa Ấn Độ theo cách này không giống với thực tế”, và mục đích là khiến “Ấn Độ bị coi thường”, ông Gupta viết trên Twitter.

Song New Delhi cũng đang nỗ lực nâng cấp hệ thống tàu hỏa, đường sá và sân bay để bắt kịp nước láng giềng.

Thủ tướng Narendra Modi cam kết chi 1.000 tỷ USD để tạo việc làm cho hàng trăm nghìn thanh niên Ấn Độ và thúc đẩy nền kinh tế, đồng thời có kế hoạch sớm khánh thành cây cầu đường sắt cao nhất thế giới ở độ cao lên tới 359 m, theo Aljazeera.

"Bình luận vô hại"

Trong khi đó, ông E.P. Unny, họa sĩ vẽ tranh biếm họa cho tờ Indian Express, chia sẻ: “Vấn đề của tôi với (hình ảnh này) là nó thể hiện tính báo chí tồi và không thực tế chút nào. Đây là hình vẽ hoạt hình lười biếng thể hiện một câu chuyện sáo rỗng đã cũ về Ấn Độ”.

Dẫu vậy, đây không phải lần đầu tiên một hình ảnh minh họa gây tranh cãi chính trị ở Ấn Độ.

Vào năm 2014, New York Times từng gây tranh cãi với hình minh họa một nông dân Ấn Độ cùng một con bò đang gõ cửa “Câu lạc bộ không gian ưu tú”, sau khi tàu vũ trụ Mars Orbiter Mission của nước này thành công đi vào quỹ đạo Sao Hỏa.

Hình ảnh kéo theo sự phản đối kịch liệt vì mang âm hưởng phân biệt chủng tộc, khiến tờ báo này phải lên tiếng xin lỗi.

 Một đoàn tàu ở Ấn Độ. Ảnh: Reuters.

Một đoàn tàu ở Ấn Độ. Ảnh: Reuters.

Về vấn đề này, ông Manjul, một họa sĩ truyện tranh độc lập làm việc cho các tờ báo hàng đầu của Ấn Độ trong hơn ba thập kỷ, cho biết định kiến “là một vấn đề phổ biến” ảnh hưởng đến nhiều cá nhân và quốc gia.

“Phương Tây có thế giới quan của riêng họ và có thể không phải lúc nào họ cũng chính xác. Tương tự, nhiều người Ấn Độ cũng có thành kiến với phương Tây. Ấn Độ đã tiến bộ và thay đổi đáng kể trong 75 năm qua”, ông nói.

Song ông thừa nhận hiếm khi các hình minh họa đi quá giới hạn, thay vào đó việc giải thích hình ảnh là tùy thuộc vào người đọc.

Nói về hình minh họa của tờ Der Spiegel, ông Manjul lưu ý rằng một số người có thể coi bức vẽ thể hiện Ấn Độ vượt qua Trung Quốc, trong khi những người khác coi đây là cách “mô tả Ấn Độ dưới góc nhìn tiêu cực”.

“Tuy nhiên, theo tôi họ đang bỏ lỡ một điểm. Hình biếm họa chỉ đơn giản nhấn mạnh rằng việc Ấn Độ vượt qua Trung Quốc về tốc độ tăng dân số không hoàn toàn là một điều tốt”, họa sĩ Manjul nói.

“Hoạt hình là một hình thức bình luận vô hại. Đó là một nghệ thuật nên được khuyến khích và ủng hộ, bất chấp những mặt tiêu cực”, ông kết luận.

Hải Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hinh-anh-khoi-lai-vet-thuong-cu-o-quoc-gia-dong-dan-nhat-the-gioi-post1428393.html