Hình ảnh người mẹ trong thơ ca chống Mỹ

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ gian khổ, ác liệt nhưng rất đỗi hào hùng của dân tộc, hình ảnh những người mẹ với tấm lòng nhân hậu cao cả, nặng tình yêu quê hương, đất nước... được các nhà thơ, nhà văn khắc họa rõ nét, thành công trong nhiều tác phẩm thơ ca. Người mẹ trong bài thơ 'Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ' của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm và 'Đất quê ta mênh mông' của nhà thơ Bùi Minh Quốc chính là hình ảnh biểu tượng của những người mẹ Việt Nam anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang, lặng thầm cống hiến, hy sinh quên mình vì độc lập, tự do cho Tổ quốc.

“Em Cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi/ Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ/ Mẹ giã gạo mẹ nuôi bộ đội/ Nhịp chày nghiêng, giấc ngủ em nghiêng/ Mồ hôi mẹ rơi má em nóng hổi/ Vai mẹ gầy nhấp nhô làm gối/ Lưng đưa nôi và tim hát thành lời/ Ngủ ngoan a kay ơi, ngủ ngoan a kay hỡi/ Mẹ thương a kay, mẹ thương bộ đội/ Con mơ cho mẹ hạt gạo trắng ngần/ Mai sau con lớn vung chày lún sân…” - Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm

Tranh minh họa.

Tranh minh họa.

Những câu thơ mở đầu chứa đựng tình yêu thương ngọt ngào, đằm thắm của người mẹ dành cho đứa con thân yêu của mình. Vừa địu con trên lưng mẹ vừa cần mẫn, miệt mài với công việc giã gạo để nuôi bộ đội. Công việc vất vả, nhọc nhằn nhưng trong trái tim mẹ lại tràn ngập tình yêu thương và niềm hy vọng. Bằng những từ ngữ giản dị, gần gũi mà sâu sắc, lắng đọng, tác giả đã thể hiện được tình thương con vô bờ bến gắn liền với tình yêu thương bộ đội, tình yêu quê hương, đất nước của một người mẹ vùng cao trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Mẹ không trực tiếp cầm súng chiến đấu, nhưng mẹ lặng lẽ, cần mẫn, miệt mài trong lao động sản xuất để có lương thực nuôi quân. Tấm lòng của mẹ, tình cảm của mẹ bình dị mà cao quý biết bao.

“Em Cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi/ Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ/ Mẹ đang chuyển lán, mẹ đi đạp rừng/ Thằng Mỹ đuổi ta phải rời con suối/ Anh trai cầm súng, chị gái cầm chông/ Mẹ địu em đi để dành trận cuối/ Từ trên lưng mẹ em đến chiến trường/ Từ trong đói khổ em vào Trường Sơn/ Ngủ ngoan a kay ơi, ngủ ngoan a kay hỡi/ Mẹ thương a kay, mẹ thương đất nước/ Con mơ cho mẹ được thấy Bác Hồ/ Mai sau con lớn làm người tự do”.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ ngày càng ác liệt; cả làng, cả nước cùng quyết tâm đánh giặc. “Anh trai cầm súng, chị gái cầm chông”, con còn nhỏ nhưng biết ngủ ngoan trên lưng cùng mẹ băng suối, đạp rừng tới những chiến trường ác liệt. Tình thương dành cho con, tình yêu dành cho bản làng, quê hương, đất nước... chính là động lực giúp mẹ vượt qua mọi khó khăn gian khổ, góp phần công sức bé nhỏ đánh đuổi kẻ thù xâm lược. Trong muôn vàn gian khó, trái tim người mẹ lúc nào cũng tràn ngập niềm tin và hy vọng vào chiến thắng chính nghĩa của cả dân tộc. Luôn vững niềm tin và mong ước vào tương lai tươi đẹp, khi con lớn lên sẽ được sống trong hòa bình, độc lập, sẽ được “làm người tự do”.

Qua bài thơ "Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ", nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã khắc họa thành công hình ảnh người mẹ với tấm lòng nhân hậu, yêu thương con gắn với tình yêu to lớn hơn - yêu thương bộ đội, yêu quê hương, đất nước. Lặng thầm vượt qua bao nỗi vất vả, khó khăn, gian khổ, mẹ trở thành biểu tượng của người mẹ Việt Nam đảm đang, trung hậu và anh hùng.

“Mẹ đào hầm từ thuở tóc còn xanh/ Nay mẹ đã phơ phơ bạc đầu/ Mẹ vẫn đào hầm dưới tầm đại bác/ Bao đêm rồi tiếng cuốc vọng năm canh/ Đất nước mình hai mươi năm chiến tranh/ Tiếng cuốc năm canh nặng tình đất nước/ Hầm mẹ giăng như lũy như thành/ Che chở mỗi bước chân con bước”. - "Đất quê ta mênh mông", nhà thơ Bùi Minh Quốc.

Hình ảnh người mẹ đào hầm để nuôi dấu những đoàn quân từ khi tóc còn xanh tới lúc “phơ phơ bạc đầu” trong bài thơ "Đất quê ta mênh mông" của nhà thơ Bùi Minh Quốc lại thể hiện được sự kiên trì, bền bỉ và nỗ lực không mệt mỏi vì quê hương, đất nước của người mẹ trong suốt “hai mươi năm chiến tranh”. Để che mắt quân thù, mẹ âm thầm, lặng lẽ đào hầm không ngơi nghỉ suốt “năm canh”. Việc làm của mẹ, tình cảm mẹ dành cho những người lính, dành cho kháng chiến cao cả và trân quý biết bao.

“Đất quê ta mênh mông/ Quân thù không xăm hết được/ Lòng mẹ rộng vô cùng/ Mẹ giấu cả sư đoàn dưới đất/ Nơi hầm tối lại là nơi sáng nhất/ Nơi con nhìn ra sức mạnh Việt Nam/ Trên nắp hầm/ Bầy giặc Mỹ xúm vào đánh mẹ/ Nửa lời không hé/ Mẹ lặng thinh trước những trận đòn thù/ Trên mình mẹ mang nhiều thương tật/ Tóc mẹ bạc rồi lại bạc thêm/ Nhưng đêm đêm/ Từng nhát cuốc vẫn xoáy vào ruột đất/ Có những đoàn quân từ lòng đất xông lên/ Quân thù bạt vía/ Xung quanh chúng đều là trận địa/ Đất quê ta mênh mông/ Lòng mẹ rộng vô cùng”.

Từng câu thơ đem đến cho người đọc niềm xúc động cùng sự cảm phục sâu sắc trước việc làm, tinh thần, ý chí và lòng quả cảm của người mẹ Việt Nam anh hùng. Không quản nhọc nhằn, gian khổ, hiểm nguy bao năm mẹ miệt mài, cần mẫn từng nhát cuốc “xoáy vào ruột đất”. Trước đòn roi, tra tấn dã man của quân thù, mẹ chỉ “lặng thinh”. Dù trên mình mang nhiều thương tật, nhưng đêm đêm mẹ vẫn kiên trì với công việc đào hầm để nuôi dấu những đoàn quân. Để rồi một ngày, những đoàn quân từ lòng đất xông lên, oai hùng “Như Thạch Sanh của thế kỷ hai mươi” (thơ Tố Hữu) khiến quân thù bạt vía, khiếp sợ. “Đất quê ta mênh mông/ Lòng mẹ rộng vô cùng” - tấm lòng mẹ rộng như biển cả bao la, chứa bao yêu thương, sự hy sinh lặng thầm vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Hai bài thơ trên đều đã được phổ nhạc thành những bài hát được nhiều người biết, thuộc và yêu thích. Hình ảnh người mẹ Việt Nam giàu tình yêu thương và đức hy sinh, giàu tình yêu quê hương, đất nước trong các tác phẩm thơ ca nói chung, trong hai bài thơ “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm và “Đất quê ta mênh mông” của nhà thơ Bùi Minh Quốc nói riêng sẽ mãi là biểu tượng cao quý, đầy tự hào của người phụ nữ Việt Nam để các thế hệ tiếp nối học tập và noi theo.

Phạm Hiền

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/van-hoa/van-hoc-nghe-thuat/hinh-anh-nguoi-me-trong-tho-ca-chong-my-139719.html