Hình ảnh tác động tàn khốc của môi trường đối với con người
Sách ảnh Fragile Planet với hơn 200 bức ảnh đã cho thấy những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và môi trường tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Tính trung bình, Philippines mỗi năm hứng chịu sự tàn phá của 20 trận bão. Vào tháng 9-2009, bão Ketsana với sức gió 144 km/h kèm mưa lớn đã càn quét quốc gia này, gây ra tình trạng ngập lụt nghiêm trọng tại Manila và Marikina, tác động đến đời sống của hàng triệu người dân và khiến hàng trăm người thiệt mạng. Ảnh: Newscom/Alamy
Tháng 10-2019, Hagibis, một trong những cơn bão lớn nhất trong nhiều thập kỷ, đã tấn công Nhật Bản. Với sức gió lên đến 225 km/h, bão khiến mực nước nhiều dòng sông dâng cao, gây lụt nặng nề tại các khu vực dân cư. Ngày 12-10, bão tràn vào bán đảo Izu, khiến khoảng nửa triệu ngôi nhà bị mất điện. Ảnh: Newscom/Alamy
Ngày 22-5-2011, cơn lốc xoáy xảy ra tại thành phố Joplin thuộc bang Missouri (Mỹ) đã phá hủy gần như mọi thứ trong phạm vi ảnh hưởng. Với tốc độ gió lên đến 320 km/h, cơn lốc được đánh giá là chết chóc nhất kể từ năm 1950 đã cướp đi sinh mạng của 158 người và khiến hơn 1.000 người khác bị thương. Ảnh: Charlie Riedel/AP
Do phần lớn lãnh thổ thấp hơn mực nước biển nên Hà Lan đối diện với nguy cơ đặc biệt nghiêm trọng trước tình trạng nước biển dâng cao do tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu. Vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước, Hà Lan quyết định tiến hành xây dựng kè Maeslant để tăng cường ứng phó với lũ lụt, nhằm ngăn chặn nguy cơ ngập lụt trên diện rộng có thể khiến nhiều khu vực bị nhấn chìm hoàn toàn dưới nước. Ảnh: Frans Lemmens/Alamy
Nội Mông là tỉnh lớn thứ ba của Trung Quốc và phần lớn khu vực tự trị này nằm trong sa mạc Gobi. Do tác động của quá trình sa mạc hóa, diện tích Gobi đang gia tăng nhanh chóng, xâm lấn đất nông nghiệp và gây ra những trận bão cát lớn, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Ảnh: Global Warming Images/Alamy
Giữa tháng 6-2016, đám cháy Lava Mountain đã phá hủy 50 km2 diện tích rừng quốc gia Shoshone ở bang Wyoming (Mỹ). Nguyên nhân đám cháy do sét đánh, cùng tác động của nhiệt độ cao và gió lớn khiến lửa nhanh chóng lan rộng. Ảnh: Kristen Honig/USFS
Chất lượng không khí tại nhiều thành phố ở Nam Mỹ thuộc diện nguy hại nhất thế giới. Số liệu ước tính năm 2019 cho thấy, 690 trên tổng số 100.000 trẻ em tại Lima (Peru) mắc bệnh về hô hấp, chủ yếu là hen suyễn, do khí thải độc hại từ các phương tiện giao thông. Ảnh: Izel Photography/Alamy