Hình hài sách giáo khoa mới của TP HCM ra sao?

TP HCM đã chính thức bắt tay vào biên soạn bộ sách giáo khoa mang hình hài, hơi thở riêng của TP, trên cơ sở đáp ứng khung chương trình giáo dục theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT).

Sách giáo khoa mới sẽ giảm tải. Đây là khẳng định của lãnh đạo Sở GD-ĐT TP HCM về bộ SGK riêng của TP. Theo đó, sách giáo khoa riêng của TP HCM theo hướng tăng tự học, giảm thuộc lòng, không gây quá tải cho học sinh.

Ông Phạm Ngọc Tiến, Phó Phòng Trung học Sở GD-ĐT TP HCM - người tham gia biên soạn bộ sách SGK của TP HCM, cho biết trước đây nhóm biên soạn dựa theo dự thảo chương trình phổ thông tổng thể do Bộ GD-ĐT công bố để hình thành, dự kiến cấu trúc từng môn học. Vì vậy, ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố chương trình khung chi tiết chính thức vào ngày 27-12, lập tức TP bắt tay vào biên soạn sách.

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó GĐ Sở GD-ĐT TP HCM, SGK riêng của TP HCM không đặt nặng việc học thuộc lòng. Yêu cầu chung là chú trọng dạy để học sinh hiểu và làm; kết hợp giữa dạy chữ và dạy người, rèn luyện khả năng tự học và vận dụng kiến thức vào giải quyết những vấn đề của cuộc sống.

Trên cơ sở đó, SGK mới chỉ chọn lọc các kiến thức cần thiết, thực tiễn và hiện đại, tăng cường rèn luyện phương pháp học, phương pháp tự học, hoạt động nhóm, tăng cường rèn luyện các trải nghiệm thực tế gắn với việc tập luyện giải quyết các vấn đề thực tế của cuộc sống và xã hội ngay từ nhà trường.

Một số cuốn tài liệu dạy học lâu nay mà TP HCM biên soạn được đánh giá là giảm tải

Một số cuốn tài liệu dạy học lâu nay mà TP HCM biên soạn được đánh giá là giảm tải

Ngoài ra, để đáp ứng yêu cầu giảng dạy tích hợp, liên môn, trong bộ SGK mới, nội dung chương trình chi tiết được sắp xếp theo các chủ đề, chủ điểm, có tính đến sự tích hợp nội môn và liên môn. Từ đó, số lượng bài học giảm, nội dung chương trình cũng giảm tải, nhẹ nhàng. Việc biên soạn SGK mới theo hướng không quy định cụ thể từng tiết mà phân bố thành từng chủ đề thực hiện trong một số tiết còn giúp GV chủ động hơn trong giảng dạy để phù hợp với thực tiễn lớp học, sự phát triển công nghệ thông tin và khả năng tiếp cận kiến thức của học sinh.

Lộ trình biên soạn thế nào? Cho đến nay, theo ông Phạm Ngọc Tiến, việc biên soạn vẫn có sự tham gia từ NXB Giáo dục Việt Nam, Bộ GD-ĐT vẫn thẩm định theo quy trình và khi bộ sách hoàn thành, cũng không bắt buộc các trường sử dụng. Ngoài ra, các địa phương cũng có thể sử dụng hoặc không.

Hỏi về tiến độ khi nào có cuốn sách đầu tiên, ông Tiến cho biết còn tùy thuộc lộ trình của bộ quy định. Trong khi đó, một chuyên viên môn ngữ văn của Sở GD-ĐT TP, cùng tham gia biên soạn SGK thông tin đến thời điểm này, SGK môn ngữ văn bậc trung học vẫn chưa có. Nhóm biên soạn vẫn chia thành các tổ nhỏ để thảo luận, sau đó đại diện các tổ họp lại để đưa ra quyết định cuối cùng. Thành viên nhóm biên soạn có cả giáo viên (GV) phổ thông, giảng viên đại học.

HS TP HCM trong hội thi khoa học kỹ thuật cấp TP

HS TP HCM trong hội thi khoa học kỹ thuật cấp TP

Về sự chuẩn bị của TP HCM cho bộ SGK riêng có lệch nhiều so với chương trình khung chi tiết mà Bộ GD-ĐT vừa công bố, một thành viên tổ biên soạn cho hay TP dựa vào dự thảo chương trình khung trước đó để xây dựng và chuẩn bị nên không lệch nhiều. Tuy nhiên cho đến nay, vẫn còn đang phải thảo luận do nhóm biên soạn chia thành hai hướng, vì những thầy cô đến từ các trường đại học có cách nhìn khác so với GV phổ thông. Đơn cử, vẫn có tác giả muốn đưa thật nhiều tác phẩm vào chương trình môn ngữ văn, trong khi GV đến từ các trường phổ thông lại cho rằng điều đó không cần thiết, gây nặng nề, quá tải cho học sinh (HS).

Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP khẳng định quan điểm của sở là dù có sách riêng cũng không bắt buộc các trường sử dụng và tôn trọng quyền lựa chọn của GV.

Đặng Trinh

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/hinh-hai-sach-giao-khoa-moi-cua-tp-hcm-ra-sao-20190202101425374.htm