Hình thái sương mù, gió mạnh trên biển sẽ được bổ sung vào Luật Phòng, chống thiên tai
Ngày 12/6, Tổng cục Phòng, chống thiên tai phối hợp với Quỹ nhi đồng liên Hiệp Quốc (UNICEF) tổ chức Hội thảo tham vấn lấy ý kiến về 'Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều'.
Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Đê điều và các văn bản hướng dẫn cùng với các luật khác có liên quan được ban hành đã góp phần hoàn thiện đáng kể hành lang pháp lý trong công tác phòng, chống thiên tai, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước và từng địa phương trong thời gian qua.
Tuy nhiên, trong quá trình thi hành luật đã phát sinh một số bất cập hạn chế lớn, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình hiện nay trong điều kiện thiên tai ngày càng phức tạp khó lường dưới tác động của biến đổi khí hậu.
Về một số nội dung sửa đổi cần tham vấn ý kiến, ông Nguyễn Viết Tiến - Vụ trưởng Vụ Pháp chế Thanh tra (Tổng cục Phòng, chống thiên tai) cho biết: Dự thảo sửa đổi sẽ quy định bổ sung một số loại hình thiên tai gồm: Sương mù, gió mạnh trên biển, là những hiện tượng tự nhiên có thể gây thiệt hại lớn về người, tài sản, môi trường và sự phát triển kinh tế xã hội cần được quy định cụ thể trong luật.
Trước đó, Luật Phòng, chống thiên tai và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đã xác định 21 loại hình thiên tai gồm: Bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, rét hại, mưa đá, sương muối, động đất, sóng thần.
Dự thảo cũng sẽ bổ sung công trình giám sát thiên tai vào công trình phòng, chống thiên tai; chính sách ưu tiên cho các hoạt động điều tra cơ bản, quy hoạch, khoa học công nghệ, đào tạo, nâng cao năng lực cho người làm công tác phòng, chống thiên tai; đào tạo, huấn luyện, cung cấp phương tiện, trang thiết bị và có chính sách hỗ trợ cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai; xác định lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai với nòng cốt là lực lượng dân quân tự vệ và các tổ chức, đoàn thể khác tại địa phương và người làm công tác phòng, chống thiên tai là một trong các nguồn nhân lực cho phòng, chống thiên tai.
Tại hội thảo, các đại biểu đã có những tham luận, chia sẻ về vấn đề những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện luật, những ý kiến góp ý về quỹ phòng chống thiên tai, lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai, nguồn tài chính, kiểm soát an toàn thiên tai,… cần phải được quy định cụ thể làm cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện trong thực tiễn.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Vũ Xuân Thành cho biết, theo chương trình xây dựng luật, dự thảo luật sẽ được tổng hợp, tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, địa phương để báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội khóa XIV thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp sắp tới.
Ông Thành đánh giá cao những ý kiến góp ý của các đại biểu đến từ các bộ, ngành, địa phương và các đại biểu khách mời đối với dự thảo luật, những ý kiến góp ý đã chỉ ra các khoảng trống về pháp lý, những bất cập vướng mắc trong thực tiễn triển khai các dự án, cần phải tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi trong dự án luật. Vì vậy, với vai trò cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật, Tổng cục Phòng, chống thiên tai sẽ tổng hợp tiếp thu các ý kiến, nghiên cứu sửa đổi để tiếp tục hoàn thiện dự thảo.