Hình thức cho đủ quy trình (!?)

Đến thời điểm này các thầy cô giáo ở bậc học Tiểu học cũng không còn lạ lẫm với thông tin về sách giáo khoa (SGK) lớp 1, chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới.

Đa phần các thầy cô cũng đều nắm được chủ trương mới nhất theo dự thảo thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về việc lựa chọn SGK cho chương trình lớp 1 vào năm học 2020-2021. Trong đó, có việc giao cho các nhà trường quyền thành lập hội đồng lựa chọn SGK.

Theo như điều 4 của dự thảo, hội đồng lựa chọn SGK của trường sẽ do người đứng đầu cơ sở giáo dục đó thành lập. Số lượng thành viên hội đồng phải là số lẻ, có tối thiểu 11 người và có ít nhất 2/3 là giáo viên. Trong hội đồng cũng có cả đại diện cha mẹ học sinh… Những quy định của Bộ GD&ĐT được đánh giá là tương đối chặt chẽ. Với cách thức tổ chức đó, giáo viên trực tiếp tham gia hoạt động dạy học sẽ được quyền lựa chọn những bộ sách ở mỗi môn học phù hợp với đặc điểm kinh tế, xã hội, văn hóa của địa phương; phù hợp với từng đối tượng học sinh và hoạt động dạy học của trường.

Thế nhưng, nhìn vào đó, ai cũng dễ dàng nhẩm tính ra con số hàng nghìn hội đồng chọn SGK trên cả nước sẽ được thành lập. Và dù đến thời điểm này, chỉ mới có 32 cuốn SGK ở 8 môn học được phê duyệt (không kể môn tiếng Anh chưa công bố và một số bộ SGK chưa thông qua có thể được thẩm định lại) thì với cách thức lựa chọn độc lập ở từng môn sẽ cho ra kết quả lựa chọn lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn. Một mẫu số quá lớn để có thể tạo thuận lợi cho việc đưa SGK đến với các nhà trường và triển khai tốt chương trình GDPT mới ngay trong năm học 2020-2021.

Về lý thuyết là như vậy. Thế nhưng, hẳn các nhà quản lý giáo dục, ngành giáo dục các địa phương cũng sẽ có sự tính toán để sự lựa chọn của hội đồng các nhà trường về cơ bản được đồng nhất tạo thuận lợi cho triển khai chương trình. Bởi lẽ, nếu thực hiện tuyệt đối theo dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT sẽ tạo ra một hoạt động chưa từng có tiền lệ trong giáo dục. Nó có thể tạo ra sự không thống nhất, thậm chí lộn xộn trong lựa chọn SGK theo kiểu “đèn nhà ai nhà ấy rạng”, gây hoang mang cho học sinh, phụ huynh và xã hội khi chưa được tiếp cận, hiểu, nhận thức thật rõ về hoạt động dạy học theo chương trình GDPT mới.

Và nếu như việc tổ chức lựa chọn SGK của các địa phương, công tác định hướng của ngành giáo dục ở mỗi cấp không hài hòa hoặc bị lạm dụng lại dễ biến chủ trương của Bộ GD&ĐT thành hình thức và nảy sinh các tiêu cực khác. Khi điều đó xảy ra, hàng nghìn hội đồng lựa chọn SGK được lập chỉ có ý nghĩa để cho “đủ quy trình”. Như thế, quyền lựa chọn SGK thực sự có còn là của giáo viên? Tất nhiên, sẽ không ai muốn và không ai tin điều đó sẽ xảy ra dù xác suất là không nhỏ!

Quay lại, quyền được lựa chọn SGK của giáo viên ở mỗi hội đồng trường. Theo quy định tại dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT, việc niêm yết công khai các bản SGK được lựa chọn phải diễn ra trước khi bắt đầu năm học mới ít nhất 5 tháng. Có nghĩa là tính đến thời điểm năm học mới (tháng 9-2020) thì công tác lựa chọn SGK phải xong trước tháng 4-2020. Vậy mà đến thời điểm này (chỉ còn 4 tháng nữa) thì việc hướng dẫn lựa chọn SGK mới chỉ là “dự thảo thông tư” ở cấp bộ. Còn các địa phương mới bước đầu được tiếp nhận thông tin. Đó là chưa kể đến hàng nghìn bản mẫu SGK cần được đưa đến tay các hội đồng lựa chọn để giáo viên nghiên cứu hiện đang chỉ là con số… trên giấy.

Giáo viên mới chỉ biết đến SGK qua phương tiện thông tin đại chúng, quá ít người được “mắt thấy, tay sờ”; hội đồng lựa chọn sách cũng mới chỉ là chủ trương nằm trên dự thảo. Chỉ còn hơn 100 ngày nữa, họ sẽ phải chọn ra những cuốn SGK, công cụ để phục vụ hoạt động dạy học của mình. Ai cũng thấy, để làm cho triệt để và hiệu quả thật là không dễ!

TUỆ ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/hinh-thuc-cho-du-quy-trinh-606524