Họ đã yêu như thế

Bị địch tra tấn không chừa thủ đoạn tàn độc nào trong những lần bị bắt giam, cô gái đẹp nhất làng Thủy Bạn nghĩ mình không còn khả năng có con, mang lại hạnh phúc trọn vẹn trong lứa đôi nên nhất quyết từ chối lời tỏ tình của người “bạn tù”, một chiến sĩ CA vũ trang giới tuyến hoạt động tình báo giữa lòng địch bên bờ nam Bến Hải. Nhưng trở ngại tựa như núi ấy cũng tan chảy trước tình yêu mãnh liệt của chiến sĩ CA điển trai, viết nên bản tình ca, đầy khát vọng giữa chiến tranh khốc liệt. Ngày vui trăm năm của họ cũng 2 lần “hụt” vì cô dâu bị...“mất tích”, đám cưới không có dâu nhưng cái kết rất có hậu còn lung linh đến hôm nay.

Vợ chồng ông Trinh – bà Thiện.

Vợ chồng ông Trinh – bà Thiện.

Dù có nắng cháy bao nhiêu, thường đến tuần cuối tháng 7, đất trời Quảng Trị cũng trở nên dịu lại, nhường cho không khí tri ân những người con ưu tú đã cống hiến và hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, bảo vệ bình yên cho nhân dân. Trong niềm xúc động ấy, ông Lê Viết Trinh (85 tuổi, thôn Bách Lộc, xã Trung Hải, H. Gio Linh), nguyên chiến sĩ CA vũ trang giới tuyến lại lần ra dòng Bến Hải, nơi bãi đá từng đặt “hộp thư mật” năm xưa như muốn tìm lại bóng dáng đồng đội đã hy sinh. Để ông thêm bước vững, bà Trần Thị Thiện (84 tuổi, vợ ông Trinh) nắm chặt tay chồng trên lối đi quen thuộc. Bao nhiêu ân cần, tha thiết ấy cứ lay động tâm can, thôi thúc chúng tôi được trở lại năm tháng chiến đấu cùng tình yêu mãnh liệt của họ.

Những năm đất nước chia cắt, ông bà đều là những chiến sĩ cách mạng cơ sở, nhưng mỗi người một nhiệm vụ. Họ chỉ tình cờ biết nhau khi bị địch bắt tù đày vào nhà lao Quảng Trị. Năm 1959, cô gái trẻ tên Thiện là cơ sở cách mạng tại làng Thủy Bạn (xã Trung Giang, nơi cuối sông Bến Hải ở bờ nam) đã bị địch bắt. 3 năm bị giam cầm, chịu mọi tra tấn, kinh hoàng như địa ngục, cô vẫn kiên trung, gan dạ. Đến năm 1962 thì cô được thả, trở về nhà tiếp tục chiến đấu. Khoảng thời gian ở lao tù, cô nhận ra phía khu nhà giam tù nhân nam có 1 người “khả nghi”, đó là thanh niên Lê Viết Trinh - Bí thư chi bộ Xuân Mỵ - Bách Lộc bị bắt do vỡ cơ sở vào năm 1961 nhưng người này có 1 người thân làm cảnh sát ngụy. Dẫu biết nhà ông Trinh có chị gái đã hy sinh trong thời kỳ kháng Pháp, có người trai đầu hoạt động cách mạng nhưng cô vẫn thấy “có vấn đề”. Ngược lại sự hoài nghi của người con gái làng Thủy Bạn, hoa khôi cả khu giam nữ, ông Trinh bị chinh phục bởi sự kiên cường, bất khuất mà mang lòng cảm phục, thương mến. Năm 1962, ngay sau khi ra khỏi nhà lao, ông liền tìm về Thủy Bạn, để tìm hiểu về cô gái đặc biệt ấy thì hay tin cô đã hứa hôn với một người nhiều năm trước. Dù biết người đó ra Bắc chiến đấu và đã lập gia đình, cô vẫn cứ mong chờ. Trong lòng sẵn có người thương, lại mang nghi ngờ với chàng trai đến từ xã bên nên cô tìm cách từ chối. Không thể một sớm một chiều hóa giải nghi ngờ trong lòng cô gái, ông Trinh vẫn kiên trì đeo đuổi.

Thời điểm này ông Trinh chuyển qua làm hoạt động tình báo thuộc Ban 8 của CA vũ trang giới tuyến. Ông là tổ trưởng, gây dựng thêm 4 thành viên hoạt động ngay giữa lòng địch, gồm: 1 người làm trưởng ban cơ yếu quận Trung Lương (bờ nam Bến Hải), 1 người là “chân chạy bàn” cho quận trưởng, 1 người làm giáo dân có nhiệm vụ trinh sát, và 1 người là anh trai (thứ 2) của ông Trinh với vỏ bọc cảnh sát ngụy. Toàn bộ tin tức tình báo sau khi được ông đánh giá, phân tích, chuyển đến “hộp thư mật” đặt dưới hốc đá ở bờ nam, nhìn sang là bến đò thôn Tùng Luật, xã Vĩnh Giang. Nếu có tin tức khẩn, ông Trinh phải vượt sông báo với chỉ huy ở bờ Bắc kịp thời. Bao phen sinh tử, ông đều giữ bóng dáng người con gái can đảm, mong đợi một ngày được hồi đáp. Sau một thời gian, có điều kiện xác minh, trái tim Trần Thị Thiện mới “rung rinh” trước tình cảm của chiến sĩ CA vũ trang hoạt động nội tuyến ấy. Cùng lý tưởng chiến đấu và tình cảm chân thành, nhưng khi đặt chuyện về chung một nhà, Thiện lại giật thót, né tránh. Bởi cô nhớ đến những đòn tra tấn của địch, sợ không còn khả năng sinh con, không mang lại hạnh phúc trọn vẹn. “Không có con cũng được, mình vẫn sẽ bên nhau, yêu thương trọn đời”, chàng trai vừa lau giọt nước mắt lăn dài trên má người yêu, vừa nói lời thề nguyện.

Năm 1963, lễ hỏi đã xong, chuẩn bị lễ cưới thì Thiện bị địch bắt lần nữa, giam ở nhà lao Quảng Trị. Nhiều người khuyên ông từ bỏ vì lao tù như địa ngục trần gian, Thiện sống chết biết đâu mà chờ. Thế nhưng không gì làm ông lay chuyển, càng thương nhớ hôn thê chịu tù đày đau đớn. Những bức thư không bao giờ được gửi càng dày thêm niềm hy vọng. Đằng đẵng mấy năm, ông vẫn chiến đấu kiên cường đợi ngày Thiện trở về. Sau 3 năm, không thể khuất phục được cô gái dũng cảm, địch lại thả Thiện ra. Đó là năm 1966. Không muốn xa nhau thêm nữa, hai người quyết định làm đám cưới. Chiều hôm trước, nhà trai đã về nhà gái đặt lễ, chờ qua đêm tới sáng là rước dâu về, bất ngờ đêm đó, 1 tên cảnh sát ác ôn bị giết. Địch nghi Thiện dính líu nên bắt luôn. Đám cưới diễn ra không có cô dâu, song niềm tin về người vợ, về tương lai vẫn son sắt trong lòng chú rể. Qua 7 ngày, không khai thác được gì, địch đành phải thả Thiện ra.

Năm 1968, họ đón con trai đầu lòng, đặt tên là Lê Minh Hiếu, hiện là Trung tá sỹ quan biên phòng, công tác tại Đồn biên phòng Cửa Tùng. Anh Hiếu còn 4 đứa em trai, ai nấy đều có công việc ổn định. Vợ chồng ông Trinh sau giải phóng về thôn Bách Lộc sống đời lương thiện, lao động mẫu mực. Dẫu cuộc sống trải qua nhiều khó khăn, tình yêu của ông bà vẫn luôn nồng thắm, niềm hạnh phúc cứ thế lan tỏa…

Bảo Hà

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/65_210114_ho-da-yeu-nhu-the.aspx