Hồ sơ về đơn vị người nhái cảm tử của Nhật thời Thế chiến II
Ngày 25-10-1944, ngoài khơi hòn đảo Leyte (Philippines), thủy thủ đoàn trên tàu sân bay Mỹ, USSSt. Lo, kinh hoàng dõi mắt nhìn theo chiến cơ A6M Zero của Nhật đang đơn độc gào thét lao bổ về phía họ.
Bất chấp một loạt nỗ lực phòng không như vãi đạn về chiếc máy bay địch, khoảng cách giữa nó và con tàu ngày một gần hơn cho đến khi chiếc chiến cơ đâm sầm xuống boong tàu tạo nên một vụ nổ kinh thiên động địa. 30 phút sau đó, chiến hạm St. Lo chìm xuống nước, trở thành nạn nhân đầu tiên của chiến thuật Phi đội Thần Phong gây khiếp hãi của Không quân Nhật Bản.
Kamikaze hay “Thần gió” – một cái tên bắt nguồn từ một trận siêu cuồng phong xảy ra vào năm 1274 đã cứu nguy cho nước Nhật khỏi họa xâm lăng của quân Mông Cổ - nó được đặt ra như muốn vực dậy vận may thời chiến của Nhật đang suy giảm nhanh chóng.
Những loại vũ khí kỳ lạ của chiến tranh Thần Phong
Khi mà nguồn cung nguyên liệu thô bị cạn kiệt bởi các cuộc tấn công của tàu ngầm cùng sự oanh tạc liên tục các thành phố trên đất liền, Nhật Bản đã đối mặt với sự thiếu hụt nghiêm trọng máy bay và phi công qua đào tạo để đủ sức đương đầu với những đòn tấn công sấm sét của quân Đồng Minh.
Năm 1942, chỉ trong 1 ngày duy nhất trong tháng 6 năm đó, người Nhật đã tổn thất nhiều phi công lão luyện hơn là những gì họ đã đào tạo được trước chiến tranh. Việc đào tạo nhanh đội ngũ phi công mới hoàn toàn không khả thi.
Điều này đã dẫn đến việc phái đi những phi công non kinh nghiệm lái những chiếc máy bay cũ. Và nó cũng là lý do giải thích vì sao Chiến trận biển Philippines (tháng 6-1944) lại được quân Đồng Minh đặt biệt danh là “Đại hải chiến Thổ Nhĩ Kỳ”.
Đầu năm 1944, có ý kiến đề xuất nên sử dụng các vụ tấn công cảm tử thì mới đem lại cân bằng chiến cuộc có lợi cho Nhật Bản, khi một máy bay cảm tử được nhét đầy chất nổ có thể hạ gục cả một chiến hạm hoặc tàu sân bay khổng lồ.
Từ lâu đã tồn tại một truyền thống trong cánh phi công Nhật vốn bắt nguồn cảm hứng từ võ sĩ đạo là đâm thẳng chiếc máy bay bị hỏng nặng của họ vào tàu địch, nhưng cũng phải đến giữa năm 1944 thì chiến dịch “một người – một tàu” mới biến thành học thuyết chính thức.
Lực lượng tấn công đặc biệt Thần Phong (thường gọi là Phi đội Thần Phong) đầu tiên gồm có 24 phi công được thành lập dưới quyền chỉ huy của Trung úy hải quân đế quốc Nhật Bản, Yukio Seki, và lần xung trận đầu tiên của họ là Hải chiến Vịnh Leyte vào tháng 10-1944.
Vào cuối cuộc chiến, Phi đội Thần Phong đã tiến hành gần 2.800 đợt tấn công, đánh chìm hoặc gây tổn thất nặng nề cho 70 tàu và 7.000 lính hải quân Đồng Minh phải bỏ mạng.
Nhưng khi các lực lượng Đồng Minh ngày một tiến gần hơn đến đảo quốc Nhật Bản và dường như sắp xảy ra một cuộc xâm lược thực sự thì Phi đội Thần Phong đã linh hoạt sử dụng nhiều phương tiện khác để tấn công, bao gồm Yokosuka MXY-7Ohka (Hoa Anh Đào), nó là loại máy bay nhỏ đẩy bằng tên lửa và mang theo đầu đạn nặng 1.200 kg được thiết kế để nhắm mục tiêu tấn công oanh tạc cơ cỡ lớn, hoặc đâm mạnh xuống tàu địch với tốc độ gần 650 km / giờ; ngoài ra còn có Kaiten hoặc “ngư lôi hạng nặng”, hiểu nôm na là một loại tàu ngầm 1 người lái thực hiện tấn công cảm tử, nó được tinh chỉnh từ loại ngư lôi Lớp 93; thêm nữa là Shinyo hay “địa chấn biển” – nôm na là một loại thuyền máy nổ.
Một số đơn vị tấn công đặc biệt thậm chí còn không có các phương tiện cụ thể. Chẳng hạn như Nikaku thường quấn thuốc nổ quanh người họ rồi lao xuống gầm tăng địch để tiêu diệt chúng.
Người nhái cảm tử
Trên quần đảo Nhật Bản, các học sinh thường tổ chức thành những Quân đoàn chiến đấu công dân ái quốc (PCFC) và họ được huấn luyện để tiến hành những hoạt động tấn công cảm tử bằng cách dùng lựu đạn và giáo tre.
Trong sự kiện xâm lược đảo Okinawa, hàng trăm cư dân đảo đã thực hiện tấn công cảm tử nhắm vào lính Mỹ, trong khi đó thêm hàng ngàn người khác đã thực hiện sách lược tuyên truyền rằng nếu lọt vào tay lính Mỹ thì sẽ bị hãm hiếp và tra tấn, nên dân cư địa phương thà tự vẫn bằng cách gieo mình xuống các vách núi chứ nhất quyết không đầu hàng. Nhưng có lẽ kỳ lạ nhất và ít biết nhất là những đơn vị phòng vệ cuối cùng của Nhật Bản được gọi tên là Fukuryu, tức người nhái cảm tử.
Đội quân Fukuryu được thành lập đầu tiên vào cuối năm 1944 bởi Thiếu tá Kiichi Shintani tại Trường chống hạm Căn cứ hải quân Yokosuka. Thiếu tá Shintani lo ngại kế hoạch Hải quân Nhật dùng ngư lôi và thuyền máy nổ để tấn công các tàu đổ bộ của địch là không ăn thua.
Thay vào đó Thiếu tá Shintani đề xuất ý tưởng sẽ sử dụng một toán người nhái – họ sẽ sống dưới nước nhiều tuần – để canh phòng tại các địa điểm đổ bộ và ban đêm trồi lên mặt nước để tấn công trực diện vào những tàu địch đang tới.
Kế hoạch của Thiếu tá Shintani đòi hỏi các thiết bị và chiến thuật phức tạp hơn thế. Giống với Phi đội Thần Phong, học thuyết “người nhái cảm tử” đã thu hút sự quan tâm của Bộ Tư lệnh tối cao Nhật Bản, và đến tháng 11-1944, những chương trình huấn luyện đã được thực hiện tại Yokoska và Kawatana dưới sự giám sát của Trung úy Masayuki Sasano.
Các người nhái cảm tử được trang bị một bộ đồ lặn đặc biệt được làm bằng vải bạt cao su kết nối với mũ sắt và một hệ thống trợ thở đơn giản.
Có 3,5 lít ôxy được trữ trong 2 cái bình đeo sau lưng người nhái, khí carbon dioxide từ hơi thở của họ sẽ được lọc sạch thông qua một ống đựng Natri Hydroxide.
Với 9 kg chì làm vật dẫn, bộ đồ lặn cho phép người nhái đi bộ dọc theo đáy đại dương từ 5m đến 7m trong suốt 8 tiếng, một loại dịch lỏng đồ ăn sẽ được tạo ra nhằm giúp duy trì dưỡng chất cho sự sống của họ.
Trước thời điểm tấn công địch, người nhái sẽ sống trong những căn hầm dưới nước rất đặc biệt mà từ đó họ có thể trồi lên mặt nước để tấn công tàu địch mà không bị phát giác.
Được đúc từ bê tông hoặc được xây dựng vào vỏ các tàu buôn hoang phế, những căn hầm dạng này thường nằm chìm tại những địa điểm chiến lược ở ngoài khơi biển Nhật Bản, và chúng được trang bị với một khóa khí dưới nước, ở đó có đủ giường, thức ăn và khí ôxy đủ dùng cho từ 40 đến 50 người nhái trong thời gian 10 ngày.
Một số căn hầm còn được trang bị thêm ngư lôi và thủy phi cơ để kịp thời phát hiện tàu địch đang đến, và đồng thời khiến cho việc liên lạc giữa các căn hầm trở nên thuận tiện hơn.
Ngoài ra còn có một dạng cơ cấu nhỏ hơn được gọi là “hang cáo” được cấu tạo từ những cọc thép đóng thẳng xuống đáy biển nhằm bảo vệ người nhái trước hỏa lực địch.
Lực lượng người nhái cảm tử được cho là chỉ hoạt động vào ban đêm hoặc dưới các vùng nước sâu, nhưng nếu một khi bị phát hiện thường họ dễ bị nguy hiểm thông qua cường kích hoặc oanh tạc trên không. Vũ khí chủ yếu của lực lượng người nhái là loại mìn Lớp 5, đó là một khối thuốc nổ nặng tới 15 kg được tiếp xúc với chất đốt gắn trên mũi một cọc tre cao 5m.
Trong chiến đấu, người nhái sẽ đâm quả mìn ngay dưới bụng của tàu địch đang đến và cả người họ lẫn con tàu đều nổ tung. Thực sự thì người nhái cảm tử chỉ là một trong số 4 tuyến phòng thủ, 3 tuyến còn lại là dùng mìn chống tàu địch neo đậu xa hơn, dùng mìn kích nổ bằng điện, và cuối cùng là mìn diệt lính đổ bộ trên bãi biển.
Mỗi người nhái sẽ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ một khu vực biển rộng cỡ 390m², và họ tác chiến cách nhau 60m đủ để không bị tử thương khi đồng đội bên cạnh kích nổ mìn. Mỗi người nhái được cấp một số hiệu y hệt như những con tàu tác chiến, ngụ ý sức công phá của họ không khác là mấy so với một chiến hạm.
Kỳ lạ cách thức tuyển mộ
Trong chiến đấu, người nhái cảm tử đã hủy diệt tổng cộng 30% tàu đổ bộ của địch. 4.000 người đã được tuyển mộ làm người nhái, nhưng chỉ một nửa trong số họ làm tình nguyện viên, nửa còn lại làm lính nghĩa vụ.
Để được trúng tuyển, những người nhái buộc phải trả lời một bảng câu hỏi có nội dung nghe qua khá đơn giản. Và họ chỉ phải làm là khoanh tròn những tuyên bố mà họ cảm thấy ưng ý nhất.
Chỉ huy lực lượng này muốn đào tạo ít nhất 2.000 quân nhân trên con số ban đầu là 4.000 người vào tháng 10-1945. Họ được tổ chức thành 3 đơn vị chính: Đơn vị Arashi số 71 đặt căn cứ ở Yokosuka, Đơn vị Arashi số 81 đặt căn cứ ở Kure, và Đơn vị Kawatana đặt ở Sasebo, cả 3 đơn vị đặt dưới quyền chỉ huy của Thiếu tá Shintani.
Ít nhất 3 cái hộp chứa thuốc nổ đã được đặt chìm dưới vịnh Tokyo, và hộp thuốc nổ bổ sung khác được đặt ở Kujukurihama và Kajimagaura. Song ngay thời điểm dự án đi vào hoạt động đã xảy ra trục trặc.
Do tình hình sản xuất thời chiến ở Nhật Bản trong năm 1944 mà nhiều bộ hỗ trợ thở đã bị lỗi dẫn đến việc nhiều thực tập sinh chết do đuối nước, độc tính ôxy.
Đến ngày 30-7-1945, 1.200 tân binh đã tốt nghiệp từ các trường huấn luyện, song chỉ có đúng 600 bộ đồ lặn. Tuy nhiên, cuối cùng Nhật Bản đã đầu hàng trước khi lực lượng người nhái cảm tử được tung ra.
Ngay sau khi Nhật Bản đầu hàng, hải quân Mỹ đã tiến hành một cuộc điều tra kỹ lưỡng nhắm vào đơn vị người nhái cảm tử nhằm đánh giá thiết bị và hiệu quả tiềm năng của hình thức chiến đấu này.
Trong khi Thiếu tá Shintani và Trung úy Sasano khăng khăng phát biểu trong cuộc thẩm vấn rằng họ không biết chút gì mà những cái hộp thuốc nổ dưới nước thì các thẩm vấn viên cho rằng những sĩ quan này đã được cấp trên lệnh không được hé môi bất kỳ thông tin quan trọng nào.
Tháng 12-1945 và tháng 1-1946, có 2 tàu hải quân Mỹ đã thực hiện những chuyến khảo sát sonar tại vịnh Tokyo và phát hiện ra 4 điểm tiếp xúc có đặt các hộp thuốc nổ, nhưng vì độ sâu và những điều kiện nguy hiểm của đại dương mà người Mỹ quyết định không cử thợ lặn xuống điều tra, mà thay vào đó, các địa điểm được canh phòng để đề phòng người Nhật giở trò.