Hỗ trợ Công an cấp xã thực hiện nhiệm vụ an ninh trật tự ở cơ sở

So với quy định của pháp luật hiện hành đang quy định lực lượng bảo vệ tổ dân phố, công an xã bán chuyên trách được thực hiện công tác quản lý, trực tiếp thực hiện biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở năm 2023 đã điều chỉnh thay đổi về vị trí, chức năng của các lực lượng này sau khi được kiện toàn thống nhất. Đó là chuyển từ vị trí, chức năng quản lý trực tiếp thực hiện biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự sang là lực lượng hỗ trợ Công an cấp xã thực hiện nhiệm vụ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Củng cố phong trào toàn dân bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội

Tại cuộc họp công bố Lệnh của Chủ tịch Nước về 7 luật vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu, Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Lê Quốc Hùng cho biết, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về kiện toàn, sắp xếp, tinh gọn đầu mối bên trong gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của từng tổ chức cơ sở, giảm chi ngân sách nhà nước. Đồng thời, cụ thể hóa và tạo cơ sở pháp lý bảo đảm thi hành quy định của Hiến pháp năm 2023 về quyền con người, quyền công dân, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới.

Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Lê Quốc Hùng. Ảnh: H.Ngọc

Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Lê Quốc Hùng. Ảnh: H.Ngọc

Luật tạo cơ sở pháp lý để xây dựng, củng cố phong trào toàn dân bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở do Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, các lực lượng chức năng, trong đó có Công an nhân dân làm nòng cốt thực hiện. Pháp điển hóa văn bản quy phạm pháp luật về các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để quy định trong văn bản luật, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, tương xứng hơn trong xây dựng, hoạt động, quản lý, sử dụng các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở.

Một trong những điểm mới của Luật là quy định rõ lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là một trong những lực lượng quần chúng, được bố trí ở thôn, tổ dân phố, làm nòng cốt trong hỗ trợ Công an xã, giúp UBND cùng cấp trong bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cũng cho biết, so với quy định của pháp luật hiện hành - đang quy định lực lượng bảo vệ tổ dân phố, công an xã bán chuyên trách được thực hiện công tác quản lý, trực tiếp thực hiện biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự, Luật đã điều chỉnh thay đổi về vị trí, chức năng của các lực lượng này sau khi được kiện toàn thống nhất. Theo đó, chuyển từ vị trí, chức năng quản lý trực tiếp thực hiện biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự sang vị trí, chức năng là lực lượng hỗ trợ Công an cấp xã thực hiện nhiệm vụ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Luật quy định tiêu chuẩn về lý lịch, trình độ văn hóa, sức khỏe của người được tuyển chọn tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tiễn, yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự của từng vùng, miền.

Luật cũng quy định quan hệ công tác phối hợp của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với HĐND, UBND, Công an cấp xã và quan hệ phối hợp với các cơ quan, tổ chức đóng trên địa bàn xã.

Trên cơ sở rà soát, đánh giá thực trạng hoạt động hiện nay của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Luật cũng đã điều chỉnh quy định về nhiệm vụ của các lực lượng này, bảo đảm phù hợp với trình độ, năng lực và thể hiện rõ tính chất là lực lượng tham gia hỗ trợ lực lượng Công an cấp xã trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở, không trùng lặp với nhiệm vụ của Công an cấp xã và chính quyền cơ sở với 6 nhóm nhiệm vụ được giao.

Không làm tăng chi ngân sách

Về sắp xếp, kiện toàn, bố trí lực lượng, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng nêu rõ, Luật lần này quy định kiện toàn thống nhất lực lượng bảo vệ dân phố, lực lượng Công an xã bán chuyên trách hiện đang được tiếp tục sử dụng và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng thành một lực lượng chung với tên gọi là lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và được bố trí theo mô hình Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở thôn, tổ dân phố, đơn vị dân cư tương đương.

Với việc điều chỉnh theo hướng nêu trên, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nêu rõ, sẽ bảo đảm không làm tăng số lượng người tham gia hoạt động, không làm tăng chi ngân sách và góp phần kiện toàn, tinh gọn thống nhất một đầu mối; cắt bỏ được các khoản chi hỗ trợ cho nhiều lực lượng hiện đang tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Đồng thời, bảo đảm linh hoạt, chủ động, nhanh chóng trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự và phòng cháy, chữa cháy ở địa bàn cơ sở; khắc phục những chồng chéo, mâu thuẫn trong thực hiện nhiệm vụ giữa các lực lượng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của các văn bản quy phạm pháp luật.

Về bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cho biết, “Bộ Công an đã đánh giá cụ thể về thực trạng lực lượng, nguồn lực hiện có, thực trạng chi và khả năng bảo đảm kinh phí, ngân sách của địa phương để chi trả chế độ, chính sách và bảo đảm điều kiện hoạt động đối với lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng làm cơ sở đề xuất quy định. Theo đó, Luật quy định về bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là bảo đảm cân đối trong tổng mức chi thực tế hiện nay của các địa phương đang thực hiện và bảo đảm tính khả thi khi Luật được ban hành”.

Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2024.

Anh Thảo

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/ho-tro-cong-an-cap-xa-thuc-hien-nhiem-vu-an-ninh-trat-tu-o-co-so-i357034/