Hỗ trợ 'điểm nóng' ở ĐBSCL dập dịch Covid-19
Nhiều tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL đang căng mình dập dịch và rất cần sự chung tay hỗ trợ từ các địa phương khác trong cả nước
Theo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Bạc Liêu, tính đến ngày 4-11, toàn tỉnh ghi nhận khoảng 4.000 ca mắc Covid-19, 32 ca tử vong. Tính riêng trong khoảng 1 tuần qua, Bạc Liêu ghi nhận hơn 3.000 ca.
Vượt quá kịch bản phòng chống dịch
Trước việc đang bị "đỏ hóa" từ "vùng xanh" tỉnh Bạc Liêu thành lập thêm nhiều cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 đặt tại huyện Vĩnh Lợi và huyện Hòa Bình.
Nhiều địa phương, đơn vị trong nước đã cử đoàn cán bộ trực tiếp đến Bạc Liêu hỗ trợ, ủng hộ vật chất, tinh thần, trang thiết bị, nhân lực… nhằm góp phần giúp "điểm nóng" Bạc Liêu sớm ngăn chặn, đẩy lùi đại dịch. Trong đó, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) đã chi viện 10 y - bác sĩ chuyên môn, có kinh nghiệm phòng chống dịch Covid-19; hỗ trợ 35.000 liều vắc-xin AstraZeneca và 18.000 liều Pfizer.
BV Thống Nhất (TP HCM) hỗ trợ 5.000 liều AstraZeneca, 2 máy xét nghiệm PCR, phối hợp với các chuyên gia của Bệnh viện Chợ Rẫy thiết lập những trạm xét nghiệm tại Trung tâm Y tế thị xã Giá Rai và Trung tâm Y tế huyện Phước Long.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cũng vừa dẫn đầu đoàn công tác đến thăm, chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời hỗ trợ tỉnh Bạc Liêu phòng chống dịch Covid-19. Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết do tiềm lực có hạn nên tỉnh đang gặp nhiều khó khăn, nhất là thiếu trang thiết bị và kinh nghiệm xử lý trong phòng chống dịch Covid-19. Theo ông Thiều, số ca mắc mới đã vượt quá kịch bản mà Bạc Liêu xây dựng. Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã trao tặng tỉnh Bạc Liêu 3 tỉ đồng và nhiều trang thiết bị y tế để hỗ trợ Bạc Liêu phòng chống dịch Covid-19… Đoàn công tác của tỉnh Đồng Nai, do ông Cao Tiến Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh - làm trưởng đoàn cũng đã đến thăm, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ Bạc Liêu 2 tỉ đồng thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19. Ông Dũng cho biết sắp tới Đồng Nai sẽ hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ Bạc Liêu nhằm góp phần giúp tỉnh sớm ngăn chặn, đẩy lùi đại dịch Covid-19.
Ông Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang, cho biết vừa ban hành kế hoạch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho khoảng 200.000 trẻ từ 12-17 tuổi trên địa bàn. An Giang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chiến dịch bao phủ vắc-xin vì hiện tỉnh mới đạt hơn 90% mũi 1 và 20% mũi 2 cho toàn dân.
Thông tin về hoạt động chi viện nhân lực cho các tỉnh miền Tây chống dịch, BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, chiều 4-11 cho biết việc hỗ trợ các tỉnh được xem là nhiệm vụ chỉ đạo tuyến của thành phố được thực hiện từ nhiều năm nay. Liên quan đến phòng chống Covid-19, vừa qua có 3 tỉnh gồm: Sóc Trăng, Bạc Liêu và An Giang đã có 3 đội y - bác sĩ luân phiên trực tiếp hỗ trợ điều trị bệnh nhân nặng. Bên cạnh trực tiếp hỗ trợ, các bệnh viện tuyến cuối của thành phố cũng thường xuyên hội chẩn trực tuyến, chia sẻ kinh nghiệm thu dung, điều trị F0 tại nhà và tại các BV. "Đây cũng là giải pháp khi hỗ trợ các tỉnh phòng chống dịch. Điều này sẽ giảm tình trạng bệnh nặng quá sức điều trị chuyển về TP HCM" - BS Châu cho hay.
Đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc-xin
Trước tình trạng số ca mắc Covid-19 tại và ĐBSCL tăng nhanh, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng, cho rằng dù số ca mắc tại nhiều tỉnh tăng nhưng vẫn tập trung tại một số ổ dịch. Do đó, cần phong tỏa ổ dịch gọn nhất có thể.
Theo ông Trần Đắc Phu, cần đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin Covid-19 tại các địa phương này. "Theo thống kê, những người đã tiêm vắc-xin Covid-19 đều ở mức nhẹ, nguy cơ bệnh tiến triển nặng và tử vong rất thấp. Do đó, cần thực hiện cách ly tại chỗ và nâng cao hệ thống y tế cơ sở, xã, phường trong việc theo dõi, tư vấn cho người bệnh. Tuy vậy, hệ thống y tế cơ sở cũng phải sẵn sàng ôxy và các phương tiện điều trị trong trường hợp số ca bệnh phải nhập viện điều trị tăng nhanh" - ông Phu khuyến cáo. Cũng theo ông, các địa phương cần đánh giá cấp độ dịch tới tận cấp xã, tránh tình trạng chỉ vì một số ổ dịch nhỏ ở các xã, huyện trên địa bàn mà đánh giá chung cả tỉnh, thành phố. Từ đó, địa phương mới có thể đưa ra biện pháp phòng dịch phù hợp, không ảnh hưởng tới người dân trên địa bàn cũng như tỉnh, thành phố khác. Điều này cũng giúp các địa phương thực hiện mục tiêu kép - phòng chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế.
Bộ Y tế cho biết ngày 4-11, nước ta ghi nhận 6.580 ca mắc Covid-19 tại 49 tỉnh, thành phố, tăng 400 ca so với ngày trước; có 2.889 ca phát hiện ngoài cộng đồng. Cùng ngày, có 1.731 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 835.406. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.093. Bộ Y tế cho biết bộ đang rà soát, hoàn thiện dự thảo hướng dẫn y tế phòng chống dịch Covid-19 đối với chuyên gia nhập cảnh Việt Nam làm việc dưới 14 ngày. Đến nay, nước ta đã tiêm gần 85 triệu liều vắc-xin Covid-19, trong đó hơn 26 triệu người đã tiêm đủ 2 liều.
TP Vĩnh Long dừng dịch vụ ăn uống tại chỗ
Ngày 4-11, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, đã ký ban hành văn bản tạm dừng phục vụ tại chỗ đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn TP Vĩnh Long. Thời gian thực hiện từ ngày 5 đến 11-11. Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ được bán mang đi. Việc này nhằm bảo đảm công tác điều tra, truy vết và xét nghiệm sàng lọc các trường hợp nguy cơ và sớm bóc tách các ca nhiễm khỏi cộng đồng.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/ho-tro-diem-nong-o-dbscl-dap-dich-2021110423124429.htm