Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp
Thời gian qua, vấn đề khởi nghiệp của học sinh, sinh viên ngày càng phát triển, sinh viên khởi nghiệp không chỉ góp phần tạo ra việc làm cho bản thân mà còn tạo nhiều việc làm cho người khác, tạo cảm hứng cho thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước vững tin trên con đường hội nhập.
Ảnh có tính chất minh họa. Ảnh: Đ.Hòa
Tạo điều kiện để học sinh, sinh viên khởi nghiệp
Nhận thức sâu sắc trách nhiệm của tỉnh trong việc hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp, tỉnh Bình Thuận đã có nhiều chương trình hỗ trợ học sinh, sinh viên phát hiện khả năng, năng khiếu của bản thân để định hướng học tập, phát triển chuyên môn, nghề nghiệp, việc làm phù hợp với năng lực, sở thích, sở trường, sức khỏe của bản thân và nhu cầu nhân lực của thị trường lao động trên địa bàn tỉnh. Giúp học sinh, sinh viên tích lũy kiến thức, kỹ năng để thúc đẩy tư duy đổi mới, sáng tạo hình thành các ý tưởng, giải pháp mới tạo giá trị cho bản thân, gia đình và cộng đồng và xã hội. Đồng thời, nâng cao kiến thức, kỹ năng, phương pháp tư vấn đối với cán bộ quản lý và đội ngũ giáo viên được bố trí kiêm nhiệm thực hiện công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh trong các cơ sở giáo dục. Bên cạnh đó tỉnh còn chú trọng đến công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả, phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh. Hình thành đội ngũ cán bộ làm công tác tư vấn, hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp tại các trường cao đẳng, trung cấp và tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ đối với đội ngũ cán bộ này. Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn các kiến thức cơ bản về khởi nghiệp cho đội ngũ cán bộ, giáo viên hướng nghiệp tại các trường phổ thông và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Tham gia các khóa đào tạo, học tập, giao lưu, tọa đàm trao đổi kinh nghiệm cho học sinh, sinh viên và đội ngũ cán bộ tư vấn hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp trong các nhà trường. Tỉnh còn khuyến khích các trường cao đẳng và trung cấp xây dựng các chuyên đề về khởi nghiệp và đưa vào chương trình đào tạo theo hướng bắt buộc hoặc tự chọn phù hợp với thực tiễn. Tăng cường tổ chức các hoạt động thực tập, trải nghiệm tại doanh nghiệp tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên được tiếp xúc với các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Hình thành trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp từ bộ phận hoặc trung tâm hướng nghiệp, tư vấn việc làm, hỗ trợ học sinh, sinh viên của các trường cao đẳng và trường trung cấp. Thành lập câu lạc bộ khởi nghiệp tại các trường cao đẳng và trường trung cấp theo các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau như: Khởi sự kinh doanh, khởi sự doanh nghiệp, đổi mới sáng tạo, các câu lạc bộ khoa học kỹ thuật về vật liệu, tự động hóa. Tăng cường liên kết hoạt động của tổ chức Đoàn thanh niên, Hội Liên hiệp Thanh niên, Hiệp hội Doanh nhân trẻ, cựu sinh viên để thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp của học sinh, sinh viên trong các trường cao đẳng và trường trung cấp. Xây dựng nội dung, chương trình phát triển sàn giao dịch ý tưởng, dự án khởi nghiệp trực tuyến giữa các cơ sở đào tạo, các học sinh, sinh viên và các doanh nghiệp. Đồng thời các trường cao đẳng và trường trung cấp bố trí kinh phí từ các nguồn thu hợp pháp của nhà trường để hỗ trợ các hoạt động, các ý tưởng, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên trong trường. Xây dựng quỹ hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp tại các nhà trường từ nguồn kinh phí xã hội hóa. Hỗ trợ tìm kiếm nguồn kinh phí, kết nối, thu hút đầu tư từ các cá nhân, tổ chức đối với các dự án được hình thành từ các ý tưởng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó còn hướng dẫn các cơ chế, chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp, có cơ chế, chính sách hỗ trợ giảng viên, giáo viên, người làm công tác hướng nghiệp hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp tại các nhà trường. Hướng dẫn quy trình thẩm định, xét duyệt, triển khai và cơ chế đầu tư, theo dõi, quản lý, giám sát các dự án, mô hình kinh doanh được hình thành từ ý tưởng của học sinh, sinh viên. Hướng dẫn các cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, các nhà tài trợ, nhà đầu tư tham gia đầu tư, góp vốn vào các ý tưởng, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên.
Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên
Đề án Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025 của tỉnh đã đề ra mục tiêu thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên và trang bị các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên trong thời gian học tập tại các nhà trường. Để đạt được các mục tiêu của tỉnh đề ra và các hoạt động khởi nghiệp có sự đột phá, thực sự trở thành phong trào rộng khắp trên tất cả các lĩnh vực, ở tất cả các địa phương thì cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, hỗ trợ của người dân, doanh nghiệp, nhưng quan trọng nhất chính là tinh thần quyết tâm, khát vọng của học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó các ngành, địa phương cần tiếp tục tạo môi trường, điều kiện, cơ sở pháp lý thuận lợi để thanh niên khởi nghiệp. Các ngành, địa phương cần phải hỗ trợ triển khai khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và đẩy mạnh thương mại hóa các sản phẩm của thanh niên. Trong đó, triển khai hiệu quả Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, Chương trình Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và Đề án Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp. Cùng với đó, khuyến khích và bảo vệ những người dám khởi nghiệp, dám đổi mới sáng tạo, tư vấn, hỗ trợ, bảo vệ thanh niên dám nghĩ, dám làm, dám chấp nhận, dám khởi nghiệp, dám đổi mới sáng tạo trước các rủi ro về hiệu quả đầu tư… Các trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp trong ngành giáo dục, đào tạo. Nhà trường là nền tảng, các thầy cô giáo là động lực, học sinh, sinh viên là trung tâm, chủ thể của khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Chú trọng phát hiện, khuyến khích, ươm mầm, phát triển các ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp để phục vụ thiết thực cho bản thân, cộng đồng và xã hội. Tăng cường kết nối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong nhà trường, đẩy mạnh thương mại hóa và bảo hộ các sản phẩm nghiên cứu khoa học. Huy động nguồn lực xã hội cho các hoạt động nghiên cứu, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Đoàn thanh niên các cấp tiếp tục tạo động lực, truyền cảm hứng, lan tỏa khát vọng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong thanh niên, tạo phong trào, sân chơi, môi trường, tôn vinh, góp phần làm bệ đỡ nuôi dưỡng, ươm mầm cho các ý tưởng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của thanh niên, nhất là học sinh, sinh viên…
Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/ho-tro-hoc-sinh-sinh-vien-khoi-nghiep-109123.html