Hỗ trợ lãi suất 'nửa vời' khó giúp doanh nghiệp phục hồi

Trước bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, đầu ra sản phẩm khó khăn, ngoài mối băn khoăn về thời hạn trả nợ vay ngân hàng thì các doanh nghiệp đang mong ngóng chính sách hỗ trợ lãi suất giai đoạn 2022 - 2023 cần hợp lý hơn thay vì 'nửa vời', không rõ nét sẽ khó giúp cho việc phục hồi sản xuất và xuất khẩu.

Bàn về các giải pháp về tín dụng - ngân hàng nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu nông sản và đầu tư vào mảng nông nghiệp trong thời gian tới, ông Lê Bá Linh, Chủ tịch HĐQT CTCP Pacific Foods, đã bày tỏ điều mong muốn là các khoản vay ngắn, trung và dài hạn cần có gói hỗ trợ lãi suất tiền vay ít nhất là 4%/năm tính trên số tiền vay và thời hạn cho vay thực tế, thời hạn hỗ trợ lãi suất tối đa là 24 tháng, kể từ tháng 8/2021.

Băn khoăn và mong ngóng

Ngoài ra, theo ông Linh, khoản đi vay của DN để trả lương cho người lao động và đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cần có chính sách hỗ trợ lãi suất 100%.

Giữa nhiều khó khăn, các DN mong ngóng chính sách hỗ trợ lãi suất cần có những quy định hợp lý và rõ nét hơn.

Giữa nhiều khó khăn, các DN mong ngóng chính sách hỗ trợ lãi suất cần có những quy định hợp lý và rõ nét hơn.

Không chỉ vậy, vị chủ tịch của DN chuyên xuất khẩu nông sản này còn đề nghị nên thực hiện khoanh nợ, giãn nợ đối với các khoản nợ mà khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và lãi theo hợp đồng, thỏa thuận cho vay, cho thuê tài chính đã ký do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19 mà không bị ảnh hưởng nhảy nhóm nợ.

Ông Linh cũng lưu ý là “các thời hạn được quy định trong Thông tư số 03/2021/TT-NHNN (cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn lãi vay do ảnh hưởng dịch Covid-19) quá ngắn so với những khó khăn của DN đã và đang gặp phải”.

Qua trao đổi với VnBusiness, nhiều DN cũng băn khoăn chuyện này và đề nghị Ngân hàng Nhà nước có văn bản mới gia hạn các điều khoản trong thông tư nêu trên ít nhất 1 năm nữa hoặc hết thời điểm Việt Nam công bố tình trạng “bình thường mới”.

Hơn thế nữa, theo ý kiến của các DN, Ngân hàng Nhà nước nên cho phép các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được chủ động xem xét quyết định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ của khách hàng. Đồng thời, các ngân hàng cần tạo điều kiện cho DN được tiếp cận khoản vay tín dụng mới để thực hiện dự án.

Bên cạnh đó, nhiều DN đang "ngóng" được hỗ trợ lãi suất 2% liên quan đến Nghị quyết 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, các DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh sẽ được hỗ trợ lãi suất 2% cho các khoản vay trong năm 2022 - 2023 với ước tính tổng gói hỗ trợ lãi suất này là 40.000 tỷ đồng.

Liên quan đến chính sách này, mới đây, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có góp ý về dự thảo Nghị định về chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh giai đoạn 2022-2023 và Thông tư hướng dẫn thi hành.

Trong đó, về nguyên tắc hỗ trợ lãi suất (Điều 3 của dự thảo), VCCI lưu ý ở Khoản 5 Điều 3 dự thảo quy định: “Việc hỗ trợ lãi suất áp dụng đối với nghĩa vụ trả nợ lãi phát sinh trong khoảng thời gian từ ngày Nghị định này có hiệu lực đến ngày 31/12/2023” có một số điểm chưa thống nhất với các quy định khác trong Nghị định.

Chờ quy định rõ nét hơn

Cụ thể, khoản 3 Điều 4 quy định: “khoản vay được hỗ trợ là khoản vay bằng đồng Việt Nam, được giải ngân trong khoảng thời gian từ ngày 11/1/2022 đến ngày 31/12/2023”.

Như vậy, theo VCCI, sẽ có trường hợp khoản vay được giải ngân trong thời gian này nhưng kỳ trả lãi lại nằm sau thời điểm 31/12/2023 vẫn được hỗ trợ theo Điều 4, tuy nhiên lại không được hỗ trợ theo Điều 3.

Mặt khác, ở khoản 5 cùng Điều 3 quy định “Ngân hàng thương mại dừng hỗ trợ lãi suất đối với các khoản giải ngân sau thời điểm 31/12/2023 hoặc khi Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính có thông báo tổng số tiền hỗ trợ đạt tối đa 40.000 tỷ đồng, tùy theo thời điểm nào đến trước”. Đây là quy định hợp lý nhưng chưa được thể hiện rõ nét trong các điều khác.

Vì thế, VCCI đề nghị cần quy định rõ và thống nhất trong tất cả các điều khoản có liên quan thời hạn hỗ trợ lãi suất là: Đến ngày 31/12/2023 hoặc khi gói 40.000 tỷ đồng được giải ngân hết.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến của các ngân hàng thương mại cũng băn khoăn về điều kiện của khách hàng vay vốn phải “có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi”. Đây là các tiêu chí định lượng khó đánh giá trên thực tế, cần được chuyển thành “có khả năng duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh” để bảo đảm tính hợp lý, khả thi của quy định.

Theo giới chuyên gia, các ngân hàng thương mại Việt Nam đang nỗ lực hoàn thành vai trò của họ trong việc thúc đẩy lưu thông vốn. Tuy nhiên, một số yếu tố khách quan của thị trường như hiện giờ đang làm cho dòng chảy vốn khó khăn hơn.

Nhất là giá xăng dầu đang ở mức cao, giá vận chuyển, giá nguyên liệu đầu vào cũng tăng, dẫn đến chi phí của DN khi phục hồi sản xuất đã không giảm còn tăng cao, giá thành sản phẩm của DN tăng theo, sản phẩm sản xuất ra khó tiêu thụ, tồn kho tăng…

Do vậy, bên cạnh khâu chính sách với những quy định về hỗ trợ lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ cần tiếp tục được cải thiện hợp lý, rõ nét hơn, đừng để “nửa vời”, thì giữa DN và ngân hàng càng phải thấu hiểu, cần chia sẻ và cần đứng ở vị trí của nhau để nhìn nhận đánh giá trong mối quan hệ giữa hai bên để cùng “vượt khó”, nếu không thì cả hai sẽ đều bị “ngã”.

Đặc biệt, việc các ngân hàng hỗ trợ lãi suất cho DN lúc này không chỉ nhằm giúp DN vượt qua cú sốc khủng hoảng mà còn giúp chính các ngân hàng bảo toàn được lợi nhuận trong tương lai của họ.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/ho-tro-lai-suat-nua-voi-kho-giup-doanh-nghiep-phuc-hoi-1084045.html