Hỗ trợ miễn phí 500 bài giảng, 10.000 bài tập để các trường dạy qua internet
Với 500 video bài giảng và 10.000 bài tập tương tác, giáo viên và học sinh ở mọi cấp học đều có thể dễ dàng sử dụng kho học liệu miễn phí do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội xây dựng.
Nhằm hỗ trợ nguồn học liệu cho các địa phương tổ chức, tăng cường việc dạy học qua internet trong thời gian học sinh nghỉ học phòng, chống Covid-19, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã hỗ trợ miễn phí nội dung học liệu thông qua trang web https://olm.vn, dạy và học trực tuyến cho học sinh từ mẫu giáo đến lớp 12.
Đây là sản phẩm chuyển giao công nghệ giáo dục, đưa ra phương thức học tập mới là dạy học trực tuyến hoặc dạy học kết hợp giữa trực tuyến và truyền thống.
PGS TS Phạm Thọ Hoàn, Giám đốc Trung tâm Khoa học tính toán của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, kho học liệu về giáo dục số do Trung tâm Khoa học tính toán – Trường ĐH Sư phạm Hà Nội bắt đầu được xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 2011. Đến nay, kho học liệu bao phủ nội dung môn Toán, môn Tiếng Việt – Ngữ văn ở bậc phổ thông, đang tiếp tục mở rộng ra các môn khác.
“Hiện nay, nhiều trường đang tổ chức cho học sinh học trực tuyến trên trang web này dưới sự quản lý và giám sát của giáo viên, ban giám hiệu và phụ huynh như Trường PTLC Vinschool (khối THCS); Trường Tiểu học, THCS và THPT Victory, Buôn Ma Thuật; Trường THPT Lương Văn Can, Hà Nội; Trường Australian International School; Trường UNIS Hanoi; Trường International School of Ho Chi Minh City; Trường THPT Thủ Đức, TP HCM;…”.
Theo PGS.TS Phạm Thọ Hoàn, tính đến thời điểm hiện tại, hệ thống học liệu đã thu hút gần 3 triệu thành viên. Với 500 video bài giảng và 10.000 bài tập tương tác, tất cả học sinh ở mọi cấp học, giáo viên, nhà trường và cả phụ huynh học sinh đều có thể sử dụng dễ dàng kho học liệu này.
Học sinh có thể tự học ở nhà thông qua việc tương tác với nội dung, tương tác với thầy cô, bạn bè trên trang web.
Giáo viên cũng có thể sử dụng các chức năng quản lý trường, lớp, giao bài, thống kê, báo cáo,… Ngoài các nội dung các môn Toán, Tiếng Việt - Ngữ Văn, tiếng Anh sẵn có, các thầy cô có thể tự tạo học liệu của mình hay học liệu cho các môn học khác, sau đó giao bài cho học sinh.
“Học liệu có thể là bài tập trắc nghiệm và tự luận, đề kiểm tra, video, pdf. Nếu giao bài tập trắc nghiệm hoặc đề kiểm tra trắc nghiệm, máy tính sẽ chấm điểm tự động. Phụ huynh sẽ dễ dàng kiểm tra việc học tập của con và giữ liên lạc với giáo viên, nhà trường qua kho học liệu này”, PGS.TS Hoàn cho biết.
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội hỗ trợ miễn phí 500 bài giảng, 10.000 bài tập để các trường dạy qua internet
Ngoài ra, theo PGS.TS Hoàn, điểm nổi bật của kho học liệu là toàn bộ hệ thống video bài giảng và bài tập tương tác đều bám sát chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng.
“Nội dung kiến thức của mỗi bài giảng được chính các giảng viên/ giáo viên của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội thẩm định. Mỗi bài học đều có hệ thống các câu hỏi ở 4 mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao”.
Bên cạnh việc giao bài và quản lý lớp học, việc giảng dạy livestream cũng là một công việc cần thiết khi dạy học trực tuyến. Trang web đã tích hợp phần mềm Zoom vào hệ thống, giúp giáo viên và học sinh tiết kiệm các thao tác thừa và có thể thực hiện việc dạy và học chỉ trên kênh này.
“Chỉ cần có thiết bị kết nối mạng Internet là có thể truy cập kho học liệu. Người học sử dụng tương tác với các học liệu này thông qua các kịch bản dạy học của giáo viên. Học sinh xem video bài giảng có thể dừng nghỉ hay tua đi, tua lại tùy ý.
Video có thể được chèn các câu hỏi để học sinh trả lời, nếu trả lời đúng thì mới được xem tiếp, đảm bảo bài giảng không bị trôi đi hay học sinh chỉ xem một cách chống đối như những video thông thường”.
Với học liệu ở phần bài tập, olm.vn được thiết kế đến 16 loại câu hỏi. Trong trường hợp học sinh trả lời sai, hệ thống bài tập cũng được tự động lặp lại để học sinh ghi nhớ hơn và khắc phục ngay lập tức.
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng ngân hàng học liệu này để bao phủ tất cả các môn học ở bậc học phổ thông cũng như đa dạng hóa hình thức bài giảng. Đặc biệt, chúng tôi sẽ hoàn thiện các công cụ về e-Learning như tạo ra các tương tác đa chiều cho người học; đồng thời, phát triển các thuật toán thông minh hơn để cá nhân hóa nội dung theo năng lực người học, đưa các nội dung phù hợp đến vời từng học sinh dựa trên lịch sử làm bài của họ”, PGS.TS Hoàn nói.