Hỗ trợ nạn nhân mua bán người: Các chính sách được triển khai hiệu quả

'Với mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động và phát triển cùng khuyến nghị 'không để ai bị bỏ lại phía sau', thời gian qua Việt Nam đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhóm người yếu thế như người nghèo, người già người khuyết tật, người cần trợ giúp khẩn cấp trong đó có người bị mua bán trở về'.

Hỗ trợ toàn diện cho nạn nhân bị mua bán trở về

Theo Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, nạn nhân bị mua bán thường gặp nhiều vấn đề về tâm lý, sức khỏe và quan hệ xã hội. Trong đó về tâm lý, nạn nhân thường bị trầm cảm, tự kỷ, sợ hãi, hoang tưởng, mất niềm tin với những người xung quanh. Đối với sức khỏe, nạn nhân thường mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, nghiện chất kích thích/ ma túy, mang thai… Trong quan hệ xã hội nạn nhân dễ bị kỳ thi/ tự kỳ thị cũng như thiếu kiến thức/ kỹ năng hòa nhập cộng đồng.

Sau khi được giải cứu, nạn nhân có các nhu cầu như: Nhu cầu thiết yếu (ăn, ở, mặc), được đảm bảo an toàn, ổn định cuộc sống; được chăm sóc sức khỏe phục hồi tâm lý; được học nghề, giới thiệu việc làm; được trang bị các kỹ năng sống để ứng phó với những khó khăn trong cuộc sống. Các nạn nhân cũng có nhu cầu thông tin về việc đi làm ăn xa an toàn và kiến thức về phòng chống ma túy, mua bán người, tránh bị tái mua bán trở lại.

Trước diễn biến phức tạp của tội phạm mua bán người, nhu cầu thực tế của nạn nhân bị mua bán, Việt Nam đã triển khai Đề án “Tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán giai đoạn 2016-2020”. Theo đó quy trình hỗ trợ nạn nhân được triển khai toàn diện, liên tục với sự tham gia của các cấp, các ngành trừ Trung ương đến địa phương và sự tham gia tích cực của nạn nhân.

Quy trình hỗ trợ nạn nhân được chia thành 3 giai đoạn. Gian đoạn 1 tiếp nhận và hỗ trợ ban đầu (dưới một tuần). Giai đoạn này việc hỗ trợ được tiến hành ngay lập tức và cấp bách. Nạn nhân sau khi được giải cứu được tiếp nhận và đưa về nơi tạm trú, nơi ở an toàn, được hỗ trợ ban đầu các nhu cầu thiết yếu như: Ăn, uống, mặc, được tham vấn khủng hoảng, tư vấn tâm lý, y tế và pháp lý. Đồng thời được đánh giá nhu cầu và tư vấn vào cơ sở hỗ trợ hoặc trở về nơi cư trú.

Giai đoạn 2: Lưu trú tạm thời ở cơ sở hỗ trợ nạn nhân (không quá 60 ngày), hỗ trợ trung hạn với trọng tâm là phục hồi và hỗ trợ trở về cộng đồng. Ở giai đoạn này các cơ quan liên quan sẽ tiến hành bàn giao hồ sơ, con người, trợ giúp giấy tờ, đánh giá nhu cầu, khả năng tái hòa nhập và lập kế hoạch tái hòa nhập cho nạn nhân. Cùng với đó cung cấp các dịch vụ ngắn hạn về sức khỏe, tâm lý, pháp lý, xã hội; định hướng học nghề, việc làm và hỗ trợ trở về cộng đồng.

Giai đoạn 3: Hòa nhập gia đình, cộng đồng (có thể kéo dài từ vài tuần đến dưới một năm hoặc lâu hơn). Trong giai đoạn này, nạn nhân được cung cấp các dịch vụ toàn diện và lâu dài, được đánh giá nhu cầu, rà soát kế hoạch tái hòa nhập, được giám sát tài hòa nhập và tiếp tục hỗ trợ.

“Việt Nam là một trong những quốc gia của khu vực Đông Nam Á, châu Á cũng như các nước trên thế giới đã có hệ thống chính sách pháp luật, chính sách hỗ trợ nạn nhân mua bán người tương đối tốt”, Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội Nguyễn Xuân Lập nói.

Theo ông Nguyễn Xuân Lập, Bộ LĐ-TB&XH, điều này được thể hiện qua những cải thiện rõ rệt trong việc thực hiện các công ước của quốc tế về quyền con người thông qua các chính sách cụ thể của Việt Nam thời gian qua. Cũng như những cải thiện trong việc hỗ trợ tư vấn tạo điều kiện để nạn nhân trở về gia đình, trở về cộng đồng có cuộc sống ngày càng tốt hơn.

Các thống kê cho thấy, 100% nạn nhân sau khi được giải cứu đã được các lực lượng chức năng tổ chức gặp gỡ, tư vấn, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng theo quy trình, quy định và chế độ chính sách. Theo nhu cầu, nguyện vọng của nạn nhân, sau khi tiếp nhận được hỗ trợ các dịch vụ liên quan như trợ cấp khó khăn, học nghề, tạo việc làm, tạo điều kiện cho nạn nhân vay vốn với lãi suất thấp, ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

“Thực tế các mô hình hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về đã và đang triển khai tại cộng đồng cho thấy nhiều hình thức hỗ trợ rất phù hợp. Việc xây dựng các mô hình hỗ trợ, nhất là mô hình nhóm tự lực đã đem lại hiệu quả cho nạn nhân và cần được tăng cường trong thời gian tới”, Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội Nguyễn Xuân Lập thông tin.

“Việt Nam đã có sự vào cuộc của các cấp từ Trung ương đến địa phương, có sự tham gia của các tổ chức xã hội, kể cả tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế để hỗ trợ trực tiếp cho những nạn nhân bị mua bán trở về”. Ảnh: T.Hải

“Việt Nam đã có sự vào cuộc của các cấp từ Trung ương đến địa phương, có sự tham gia của các tổ chức xã hội, kể cả tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế để hỗ trợ trực tiếp cho những nạn nhân bị mua bán trở về”. Ảnh: T.Hải

Hoàn thiện chính sách, hỗ trợ tốt hơn cho nạn nhân bị mua bán

Bên cạnh những kết quả đạt được, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội cũng nhìn nhận công tác hỗ trợ nạn nhân vẫn còn những khó khăn, vướng mắc. Số đối tượng được xác minh là nạn nhân còn thấp so với thực tế. Nguyên nhân là do công tác xác minh, xác định nạn nhân còn nhiều bất cập, thủ tục phức tạp, đặc biệt là đối với những trường hợp tự trở về. Pháp luật hiện hành mới chỉ quy định nạn nhân bị mua bán được hỗ trợ về tâm lý và y tế trong thời gian lưu trú tại cơ sở bảo trợ xã hội, hỗ trợ nạn nhân. Vì vậy những nạn nhân không vào các cơ sở trên thì không được nhận hỗ trợ về tâm lý và y tế.

Tại hầu hết các địa phương, đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về còn thiếu. Chủ yếu làm kiêm nhiệm hoặc có sự thay đổi nhân sự liên tục nên việc nắm bắt thông tin và cập nhật số liệu về nạn nhân bị mua bán trở về và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho họ còn chưa kịp thời. Công tác tư vấn tâm lý ban đầu, đánh giá nhu cầu, tìm hiểu rõ hoàn cảnh, nhân thân của nạn nhân trong các cơ sở tiếp nhận ban đầu và cơ sở hỗ trợ nạn nhân còn hạn chế. Vì vậy, việc hỗ trợ hòa nhập cộng đồng của nận nhân chưa thật sự bền vững.

Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc kể trên cũng như để phát huy hơn nữa những kết quả đạt được, các ý kiến của đại diện các Bộ, ban ngành liên quan đã khuyến nghị tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông trên cả bình diện phòng ngừa và bảo vệ. Các ý kiến cũng nhấn mạnh rằng, cần cải thiện công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán thông qua đẩy mạnh chất lượng dịch vụ hỗ trợ và xây dựng mạng lưới tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân tại cấp cơ sở. Đi cùng với đó là đề xuất sửa đổi các văn bản pháp lý tạo nền tảng cho việc hỗ trợ nạn nhân trên cơ sở quyền, giúp nạn nhân tiếp cận dịch vụ hỗ trợ thuận lợi hơn.

Trên cơ sở những cập nhật đa chiều về tình hình mua bán người cũng như những khuyến nghị của đại diện các Bộ, ban ngành và các tổ chức quốc tế, Việt Nam sẽ đánh giá tình hình hoạt động, đặc biệt là những vướng mắc trong xây dựng cũng như triển khai các chính sách cần được tháo gỡ và hoạch định công tác triển khai đề án trong năm 2019-2020.

Thanh Hải

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ho-tro-nan-nhan-mua-ban-nguoi-cac-chinh-sach-duoc-trien-khai-hieu-qua-163790.html