Hỗ trợ người dân sớm phục hồi sản xuất

Bão số 3 và mưa lũ sau bão đã gây thiệt hại, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp hỗ trợ người dân con giống, thức ăn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp hỗ trợ người dân con giống, thức ăn.

Chăn nuôi, thủy sản bị ảnh hưởng nặng nề

Siêu bão Yagi (bão số 3) có phạm vi ảnh hưởng trên diện rộng đã gây thảm họa về sạt lở, lũ ống, lũ quét kinh hoàng, hậu quả rất nghiêm trọng về người và tài sản, tác hại đến sản xuất, kinh doanh, sinh kế và đặc biệt là tâm lý của người dân.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến thời điểm này đã có 353 người chết, mất tích, khoảng 1.900 người bị thương và tác động sang chấn tâm lý nặng nề cho nhiều người dân tại khu vực thiên tai, nhất là trẻ em, người cao tuổi, đối tượng dễ bị tổn thương.

Các trang trại, hộ trồng lúa, hoa màu, hộ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tại hầu hết các địa bàn bị ảnh hưởng bởi bão số 3, cả ở khu vực ven biển, đô thị, nông thôn, miền núi.

Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, bão số 3 và mưa lũ sau bão đã gây thiệt hại, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Đây cũng là hai lĩnh vực có tăng trưởng cao nhất trong các lĩnh vực của ngành nông nghiệp.

Tính toán sơ bộ bước đầu, thủy sản thiệt hại khoảng 2.500 tỷ đồng, chăn nuôi cũng khoảng 2.000 tỷ đồng. Tính chung cả ngành nông nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự tính suy giảm nông nghiệp sẽ khoảng 0,33%.

Nhìn đàn gà còn sót lại, ông Hoàng Ngọc Đoàn ở huyện Đông Anh (Hà Nội) đau lòng cho biết, ông chèo thuyền đến kiệt sức nhưng chỉ giải cứu được gần 10.000 con trong tổng số đàn gà khoảng 80.000 con, ước tính thiệt hại khoảng 14 tỷ đồng.

Sau khi khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra, gia đình Đoàn có nguyện vọng được tiếp tục chăn nuôi để thu hồi vốn và có nguồn trả nợ ngân hàng. Ông Hoàng Ngọc Đoàn mong chính quyền hỗ trợ tạo điều kiện cho gia đình ổn định để tái sản xuất và mong các ngân hàng có chính sách hỗ trợ lãi suất, giãn nợ để gia đình có thời gian tái sản xuất và có nguồn trả nợ.

Bà Trần Thị Vinh - Giám đốc Dự án nông nghiệp Hòa Bình Minh ở xã Tuy Lập (TP Yên Bái) khóc nghẹn khi nói về đợt mưa lũ gần như xóa sổ trang trại lợn của mình. Khu trang trại chăn nuôi với quy mô 5.000 con lợn, nay vỏn vẹn 50 con còn sống. Phần lớn số lợn còn lại đã trôi theo dòng nước lũ hoặc nằm chết ở trong chuồng.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ninh, bão số 3 gây thiệt hại về nông nghiệp: Hơn 2.600 cơ sở nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, 41 tàu bị chìm; hơn 7.400ha hoa màu, lúa bị ngập úng; hơn 2.000 gia súc và hơn 345.000 gia cầm bị chết, cuốn trôi; gần 90.000ha rừng trồng bị gẫy đổ. Huyện Vân Đồn – nơi quy mô nuôi trồng thủy sản trên biển lớn nhất tỉnh Quảng Ninh với tổng số thiệt hại là hơn 3.693 tỉ đồng, trong đó riêng thiệt hại về nuôi trồng thủy sản trên biển là trên 2.200 tỉ đồng.

Nhanh chóng phục hồi sản xuất

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, đầu tư cho chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản rất lớn, đặc biệt là nuôi biển, nhiều hộ gia đình đã phải vay vốn rất lớn. Đợt lũ vừa qua nhiều hộ gia đình bị thiệt hại lên tới vài chục tỷ đến hàng trăm tỷ đồng.

Ông Phùng Đức Tiến cho biết, để nhanh chóng khôi phục sản xuất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất Chính phủ hoãn, giãn nợ và có những hỗ trợ nhất định đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình và đặc biệt phải tiếp tục giải quyết vấn đề về bảo hiểm, tái bảo hiểm để phát triển thủy sản, chăn nuôi cũng như các lĩnh vực khác một cách bền vững hơn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có văn bản kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo ngân hàng thương mại trên cơ sở xác nhận của các địa phương để đình hoãn, giãn nợ, khoanh nợ, giảm lãi suất, thậm chí có những hỗ trợ để sớm phục hồi sản xuất chăn nuôi và thủy sản trong thời gian ngắn nhất.

Để giải quyết nguồn cung thực phẩm từ nay đến cuối năm, đặc biệt vào dịp Tết Nguyên đán, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cùng vào cuộc để hỗ trợ người dân con giống, thức ăn, vật tư sớm phục hồi sản xuất và đáp ứng tối đa được nhu cầu thực phẩm.

Ông Phùng Đức Tiến chia sẻ, một số đối tượng sẽ sớm phục hồi như chăn nuôi với gà công nghiệp chỉ cần hơn 1 tháng, gà lông màu trên 3 tháng; vịt ngan chỉ có 45-50 ngày là có sản lượng. Từ nay đến Tết, ngành nông nghiệp có thể hoàn toàn phục hồi được với chu kỳ sản xuất tùy theo đối tượng.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tin tưởng sẽ sớm phục hồi sản xuất, đặc biệt trong lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản để đảm bảo nguồn cung cho trong nước và xuất khẩu.

Hồng Hạnh

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/ho-tro-nguoi-dan-som-phuc-hoi-san-xuat-155667.html