Hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Sẵn sàng chia sẻ với khách hàng và cộng đồng trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, thời gian qua, cùng với các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh, ngành Ngân hàng đã chủ động, quyết liệt triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp...

Ngành Ngân hàng linh hoạt trong chính sách cho vay, góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

(baophutho.vn) - Sẵn sàng chia sẻ với khách hàng và cộng đồng trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, thời gian qua, cùng với các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh, ngành Ngân hàng đã chủ động, quyết liệt triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp (DN) tháo gỡ khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD), góp phần thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.

Tạo đòn bẩy cho hoạt động SXKD

Kể từ khi bùng phát dịch COVID-19, bám sát các Nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, NHNN Chi nhánh tỉnh đã chủ động, linh hoạt điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng (NH), theo dõi sát tình hình dịch bệnh, chỉ đạo các NH, tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch đi đôi với triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo đòn bẩy cho hoạt động SXKD, hỗ trợ ổn định thị trường.

Đặc biệt, thực hiện các thông tư của Thống đốc NHNN Việt Nam về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch; NHNN Chi nhánh tỉnh đã yêu cầu các NH, TCTD trên địa bàn chủ động rà soát, đánh giá, phân loại khách hàng đang có quan hệ tín dụng, đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch để xây dựng chương trình, kịch bản hành động phù hợp; đồng thời làm việc trực tiếp với khách hàng, nhất là khách hàng DN để có giải pháp hỗ trợ, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong SXKD và khả năng trả nợ đối với trường hợp đáp ứng đủ điều kiện được hỗ trợ theo quy định; xem xét, đơn giản hóa quy trình, thủ tục giải quyết hồ sơ đề nghị cơ cấu lại nợ, vay vốn của khách hàng; tăng cường kiểm tra, kiểm soát để ngăn ngừa các rủi ro, sai phạm phát sinh.

Từ đầu năm đến nay, các NH, TCTD trên địa bàn đã thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, giảm 1-1,9%/năm so với cuối năm 2020; hiện nay lãi suất cho vay đối tượng ưu tiên từ 3,5-4,5%/năm, lãi suất cho vay đối tượng SXKD phổ biến từ 7-10,5%/năm. Hầu hết các DN, cá nhân có quan hệ tín dụng đều được rà soát, đánh giá, tổng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch toàn địa bàn hơn 15.000 tỉ đồng, chiếm 19,1%/tổng dư nợ cho vay trên địa bàn; trong đó dư nợ cá nhân hơn 4.000 tỉ đồng, dư nợ DN hơn 11.000 tỉ đồng. Lũy kế đến nay, tổng giá trị nợ được các NH, TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ gần 3.400 tỉ đồng, với gần 2.000 khách hàng; số tiền lãi đã được miễn, giảm 7,5 tỉ đồng. Đồng thời, các NH, TCTD triển khai cho vay mới theo các chương trình, gói sản phẩm tín dụng ưu đãi lãi suất cho gần 11.900 khách hàng, dư nợ trên 16.600 tỉ đồng.

Qua thực tế cho thấy, trong thời gian diễn ra dịch bệnh, nhiều NH, TCTD đã tích cực sát cánh cùng khách hàng vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động ổn định. Việc đồng hành và chia sẻ khó khăn này không chỉ thể hiện sự gắn bó trước - sau giữa NH và khách hàng mà còn giúp ngành xây dựng thêm niềm tin, khẳng định trách nhiệm vì sự phát triển, hợp tác bền vững.

Bà Đinh Thị Mai Hương-Giám đốc BIDV Phú Thọ chia sẻ: Từ đầu năm đến nay, BIDV Phú Thọ liên tục triển khai các chương trình/gói tín dụng với lãi suất phù hợp để hỗ trợ khách hàng gặp khó do ảnh hưởng của dịch. Với những gói tín dụng phù hợp, kịp thời, BIDV được khách hàng quan tâm, ủng hộ và nhanh chóng kết nối thực hiện giải ngân. Khi giảm lãi suất cho vay, lợi nhuận của ngân hàng sẽ khó có thể đạt được mục tiêu đặt ra, nhưng đây là lúc ngân hàng thể hiện sự đóng góp của mình với nền kinh tế, đồng hành cùng khách hàng.

Được biết, trong chín tháng đầu năm, BIDV Phú Thọ đã thực hiện miễn giảm lãi suất cho vay 140 khách hàng với tổng dư nợ giảm lãi 650 tỉ đồng, số lãi đã giảm gần 550 triệu đồng. Có những khách hàng không đủ điều kiện được cơ cấu nợ, giãn nợ, đơn vị đã tiến hành xem xét giảm lãi suất cho vay, có 350 khách hàng được giảm với dư nợ 2.700 tỉ đồng. Theo tính toán dự kiến tổng thu nhập cả năm từ tín dụng của chi nhánh giảm khoảng 4,8 tỉ đồng.

Do chú trọng hoạt động bán lẻ, mở rộng địa bàn đến tận vùng sâu vùng xa, khu vực sản xuất nông nghiệp, nông thôn nên đối tượng khách hàng của LienVietPostBank Phú Thọ chủ yếu là nông dân. Đại diện của LienVietPostBank Phú Thọ thông tin, để giúp nông dân yên tâm sản xuất, đơn vị đã thực hiện giảm lãi suất cho vay từ 0,5%-1% so với trước đại dịch. Từ đầu năm đến nay đã giảm trực tiếp lãi suất cho vay 92 khách hàng, số tiền lãi thực giảm đến thời điểm này là 150 triệu đồng. Dự kiến số tiền lãi giảm lũy kế đến hết năm khoảng 300 triệu đồng.

Bên cạnh chương trình tín dụng, các NH, TCTD còn thực hiện nhiều chương trình dịch vụ với chiến lược chuyển đổi số, góp phần giúp khách hàng quản lý tốt tài chính, giảm chi phí và gia tăng hiệu quả SXKD trong mùa dịch.

Từ sự chung tay, đồng hành của hệ thống ngân hàng, các doanh nghiệp có thêm nguồn lực thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch an toàn, vừa ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tăng nguồn lực, tiếp tục đồng hành cùng khách hàng

Đến nay, tổng nguồn vốn huy động của toàn ngành Ngân hàng đạt trên 67.500 tỉ đồng, có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2020 song vẫn thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước đó cho thấy huy động vốn trên địa bàn gặp nhiều khó khăn do tích lũy của nền kinh tế còn thấp. Tuy nhiên, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn lại tăng, trên 79.000 tỉ đồng, tăng 9,8% so với cuối năm 2020 và đạt 98% kế hoạch năm, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn cao hơn mức tăng chung của cả nước. Đây là tín hiệu tốt, khẳng định các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế của ngành NH thực sự hiệu quả.

Hiện dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và kinh tế - xã hội. Với quan điểm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế, thời gian tới, ngành Ngân hàng tiếp tục có những giải pháp căn cơ, chiến lược nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, kịp thời hỗ trợ người dân và DN khắc phục khó khăn, giảm bớt thiệt hại do dịch bệnh.

Ông Phạm Trường Giang- Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh nhìn nhận: Mặc dù dịch bệnh trên địa bàn tỉnh không nặng nề so với các địa phương khác trong cả nước, song trong bối cảnh chung hiện nay, hoạt động SXKD của tỉnh đều chịu ảnh hưởng của dịch. Một trong những nhu cầu lớn nhất của khách hàng, nhất là DN hiện nay là giảm lãi suất cho vay. Do vậy, NHNN tiếp tục chỉ đạo các cam kết về lãi suất, góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN nhưng vẫn bảo đảm an toàn cho hệ thống ngân hàng cũng là an toàn cho cả nền kinh tế, tùy theo tiềm lực, mỗi NH chủ động thu xếp nguồn vốn để giảm lãi suất cho vay. Đây là cách hỗ trợ thực chất, ý nghĩa với người vay vốn trong lúc SXKD gặp khó khăn và thu nhập giảm sút.

Bên cạnh đó, các NH, TCTD tiếp tục đẩy mạnh huy động tiền gửi có kỳ hạn từ dân cư để cân đối nguồn vốn, cải thiện khả năng thanh khoản và thực hiện tốt các giải pháp đảm bảo vốn cho nền kinh tế; tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; đa dạng các hình thức tổ chức kết nối NH - DN để kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc phát sinh cho DN, người dân trong tiếp cận tín dụng, dịch vụ ngân hàng, góp phần thúc đẩy, phục hồi và phát triển kinh tế. Cùng với giảm lãi suất, cấp tín dụng mới linh hoạt, các NH, TCTD tiếp tục cải tiến, tối ưu tiện ích của ngân hàng số nhằm thu hút khách hàng mở mới tài khoản và sử dụng dịch vụ ngân hàng; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh.

Phương Thảo

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202110/ho-tro-nguoi-dan-va-doanh-nghiep-thuc-day-tang-truong-kinh-te-180395