Hỗ trợ nguồn vốn để bà con dân tộc thiểu số thoát nghèo bền vững

Những năm qua các chương trình hỗ trợ về cây giống, con giống, phân bón và kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi cho bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn Kon Tum đã góp phần thiết thực, tạo điều kiện giúp họ vươn lên xóa đói giảm nghèo.

Nguồn vốn từ các Ngân hàng Chính sách Xã hội, và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đóng vai trò tích cực.Ông A Hring, người Sê Đăng ở làng Đắk Manh, xã Đắk Rơ Nga, huyện Đăk Tô (Kon Tum) cho rằng, gia đình ông cũng như 120 hộ trong làng có cuộc sống ổn định, khá giả như hiện nay là nhờ sự giúp đỡ tích cực của cán bộ khuyến nông của huyện về việc hướng dẫn, chọn các loại cây giống phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Chuyển đổi cây trông mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Chuyển đổi cây trông mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đời sống khá lên, một phần nhờ vào sự hỗ trợ tích cực của nguồn vốn ưu đãi của ngân hàng. Tuy nhiên để mang lại hiệu quả kinh tế, sau khi vay được vốn, phải sử dụng hợp lý từ làm đất, chọn cây giống, phân bón, công chăm sóc phải được cất nhắc chi tiết. Một số gia đình trong làng có đất, vay được vốn để đầu tư, nhưng làm ăn không có hiệu quả vì sử dụng tiền vay chưa đúng trọng tâm. Gia đình ông thì khác, biết hoạch toán để chi các khoản tiền đúng thời điểm, mới phát huy tốt hiệu quả. Những ngày này, khi mới bắt tay vào thu hoạch cà phê, nhưng ông A Hring đã dành hơn 100 triệu đồng, tập kết về 50 tấn phân chuồng, phân vi sinh để kịp thời bón cho vườn cây ngay sau thu hoạch.

"Tôi vay ngân hàng Agribank huyện Đăk Tô hơn 1 tỷ đồng, đầu tư mua giống cây cao su, phân bón, mua giống cây mắc-ca (hồi đó giá 55 nghìn đồng 1 giống cây). Hiện nay tôi đã có hơn 7 ha cây cao su, 4 ha cây mắc-ca... Trong năm nay tôi sẽ hoàn trả số tiền vay bên ngân hàng, tiếp tục sản xuất phát triển kinh tế’’.

Cũng ở làng Đắk Manh, gia đình ông A Chăc có đến 10 ha cao su, 6 ha cà phê, mắc ca. Riêng vụ thu bói vừa qua, trong 4 ha mắc ca trồng xen trong vườn cà phê đã thu 5 tấn quả. Với giá bán quả mắc ca tươi mỗi tấn ngay tại vườn là 32 triệu đồng, gia đình đã thu trên 150 triệu đồng. Ông A Chắc đã xây được nhà khang trang, mua ô tô đắt tiền và đầu tư cho con cái đi học đầy đủ.

“Nhờ được vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp huyện Đăk Tô tôi đã đầu tư trồng cây mắc-ca, cà phê, sầu riêng và các giống cây trồng khác, mua phân bón, thuốc trừ sâu... Do đầu tư đúng hướng nên bà con ở đây thu nhập tương đối ổn định, đặc biệt, do biết đầu tư trồng cây cà phê nên bà con có khả năng trả đầy đủ số tiền của ngân hàng. Nhìn chung, so với 10 năm trước thì cuộc sống của bà con đã phát triển hơn nhiều’’- ông A Chắc nói.

Ông A Như, thôn trưởng Pleilay , xã Ya Chim, thành phổ Kon Tum cho biết: Pleilay có 296 hộ, với 960 khẩu, chủ yếu là người Jơ rai. Hầu hết bà con trong làng đều vay vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội và Ngân hàng Agribank để đầu tư phát triển sản xuất. Ông A Dit, một hộ ở Pleilay, vừa xây dựng ngôi nhà trị giá gần 150 triệu đồng, nói: "

"Mình là người Jarai, cám ơn Ngân hàng đã cho vay tiền hỗ trợ lãi suất với số tiền 50 triệu đồng. Tôi đầu tư đào đào ao cá, chăm sóc cây cà phê,tiêu, gia đình chúng tôi cũng đỡ hơn trước. Thu hoạch và bán tiêu cũng có tiền nên rất vui. Tôi rất cám ơn Ngân hàng đã giúp bà con nghèo có vốn vay sản xuất".

Chị Y Cô Viên, ở làng Kep Ram, xã Hòa Bình, T.P Kon Tum có vườn cao su rộng 2,5 ha, đàn dê 13 con, 1 ha sắn, 8 sào lúa 2 vụ. Từ vườn cao su, rẫy sắn, đàn dê, năm 2022 chị đã tích lũy được trên 80 triệu đồng. Chị Y Cô Viên cho biết, hiện đang làm thủ tục vay ngân hàng 150 triệu đồng để xây nhà kho và làm cửa hàng tạp hóa.

"Tôi đầu tư vào trồng cao su, nuôi bò và dê. Lấy tiền mua cỏ cho bò ăn, chăm sóc đàn bò, dê của gia đình. Hai nữa em dùng số tiền vay xây nhà kinh doanh phân bón. Nhận phân bón từ công ty đưa về, kinh doanh và tạo điều kiện bà con đến mua vận chuyển gần tiện lợi hơn và giá ưu đãi để bà con có phân bón chăm sóc cây trồng. Ba nữa đầu tư xây nơi để bán tạp hóa để có đồng ra đồng vào"- chị Y Cô Viên nói.

Ông Nguyễn Công Thành Phương, Phó Giám đốc Ngân hàng Agribank chi nhánh Kon Tum cho biết, dư nợ của vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại Agribank chi nhánh Kon Tum là gần 650 tỷ đồng , với hơn 4 ngàn khách hàng. Hầu hết bà con đều đầu tư nguồn vốn đúng mục đích nên phát huy tốt hiệu quả xóa đói giảm nghèo.

“Đa phần nhóm khách hàng này vay vốn phục vụ cho chăn nuôi, trồng trọt. Bên cạnh việc thực hiện chương trình chính sách tín dụng ưu đãi, Agribannk chi nhánh Kon Tum chủ động kết hợp tuyên truyền phổ biến chủ trương đường lối, chính sách của Đảng nhà nước, giới thiệu những mô hình hay, cách làm mới góp phần nâng cao dân trí của người đồng bào dân tộc thiểu số”- ông Phương nói.

Lê Xuân Lãm/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/ho-tro-nguon-von-de-ba-con-dan-toc-thieu-so-thoat-ngheo-ben-vung-post1058022.vov