Hỗ trợ nông dân gỡ khó khi giá phân bón tăng cao

Hiện tại, nông dân trên địa bàn tỉnh đang vào vụ gieo cấy lúa xuân. Vụ lúa xuân năm nay, với giá phân bón tăng cao, gánh nặng về chi phí đầu vào trước vụ sản xuất mới khiến nhiều nông dân lo lắng. Mua phân bón trả chậm do tổ chức Hội nông dân tín chấp; thay đổi phương thức canh tác, giảm dần phân bón vô cơ là giải pháp được nhiều nông dân tính đến, áp dụng vào sản xuất.

Mô hình chủ yếu sử dụng phân hữu cơ của hội viên nông dân xã Hiệp Cường (Kim Động)

Từ năm 2021 đến nay, phân bón tăng giá chóng mặt, có những loại tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3. Khảo sát tại một số cửa hàng bán vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh cho thấy, đạm Ure Hà Bắc năm 2020 có giá 350 nghìn đồng nay đã tăng lên 870 nghìn đồng/bao 50 kg; phân Đầu Trâu TE-01 tăng từ 570 nghìn đồng lên 820 nghìn đồng/bao 50kg; phân NPK 16.16.8 + TE tăng từ 450 nghìn đồng lên hơn 670 nghìn đồng/bao 50 kg… Theo tìm hiểu tại một số doanh nghiệp được biết do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá nguyên liệu, nhiên liệu và chi phí sản xuất đầu vào, vận chuyển đều tăng mạnh… là những nguyên nhân chính đẩy giá phân bón "leo thang".

Giá phân bón tăng cao khiến nông dân gặp nhiều khó khăn. Bà Nguyễn Thị Hường ở xã Đình Cao (Phù Cừ) cho biết: Nhà tôi có 1 mẫu ruộng cấy lúa. Mọi năm, tổng chi phí mua phân bón cho mỗi vụ hết khoảng 1,2 triệu đồng. Nhưng nay, giá phân bón tăng cao khiến chi phí đội lên gần gấp đôi, ước tính khoảng 2,2 triệu đồng mỗi vụ. Làm nông nghiệp vốn bấp bênh, thu nhập thấp, nay giá phân bón tăng cao nên không có lãi, nhiều nông dân đã tính đến chuyện bỏ ruộng để đi làm công nhân tại công ty.

Câu chuyện của bà Hường cũng là nỗi lo, trăn trở của nhiều nông dân trong vụ lúa xuân 2022. Để hỗ trợ hội viên nông dân sản xuất, Hội Nông dân tỉnh đã ký hợp đồng với Công ty cổ phần phân lân Ninh Bình, Công ty cổ phần phân lân nung chảy Văn Điển cung ứng phân bón theo hình thức trả chậm. Để tạo điều kiện giúp người dân kịp vào vụ sản xuất, ngay từ tháng 11.2021, các cấp Hội đã chủ động nắm bắt nhu cầu thực tế, thông báo bảng giá từng loại phân bón, tổng hợp nhu cầu đăng ký của hội viên. Sau đó, Hội nông dân cấp xã tiến hành nhận phân bón từ công ty cung ứng và giao đến tận tay nông dân để kịp thời phục vụ sản xuất. Đồng chí Vũ Văn Kiên, Phó Chủ tịch phụ trách Hội Nông dân tỉnh cho biết: Khi sử dụng phân bón trả chậm do Hội tín chấp, hội viên nông dân được mua phân bón bảo đảm chất lượng, không lo hàng giả, hàng nhái với giá thấp hơn trung bình từ 800 đến 1000 đồng/kg so với giá thị trường. Thời gian trả tiền phân bón cho doanh nghiệp trong vòng 6 tháng, sau khi nông dân thu hoạch và bán sản phẩm. Hội cũng kêu gọi các doanh nghiệp cùng phối hợp góp phần thực hiện bình ổn giá phân bón; tăng cường tuyên truyền cho người dân hiểu rõ, nắm bắt thông tin về giá phân bón trong giai đoạn hiện nay; tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón đúng cách, tiết kiệm. Từ đầu năm đến nay, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã cung ứng được hơn 700 tấn phân bón các loại cho hội viên nông dân sử dụng cho cây lúa, cây ăn quả, cây rau màu.

Tại nhiều địa phương, tổ chức Hội đã phối hợp với các ngành chức năng xây dựng mô hình phân loại rác thải tại hộ gia đình, giúp hội viên tận dụng rác thải hữu cơ sử dụng làm phân bón cho cây trồng. Mỗi gia đình hội viên tham gia mô hình được cấp miễn phí một thùng chứa rác thải hữu cơ, trấu và chế phẩm để xử lý rác thải hữu cơ. Trong quá trình triển khai thực hiện, các cấp Hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn các hộ gia đình phân loại rác thải. Bà Hoàng Thị Mùi, xã Yên Phú (Yên Mỹ) cho biết: Được Hội Nông dân tuyên truyền, gia đình tôi đã phân loại rác hữu cơ cho vào thùng và xử lý theo hướng dẫn để phân hủy thành phân hữu cơ bón cho cây trồng, đặc biệt là cây rau màu, khoai tây, tiết kiệm đáng kể chi phí trong thời điểm giá các loại phân bón tăng cao. Sử dụng phân bón hữu cơ giảm được khoảng 30 - 40% lượng phân bón hóa học, cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt.

Trong thời điểm giá phân bón tăng cao như hiện nay, sự chủ động, sáng tạo của người dân cũng như các giải pháp hỗ trợ của tổ chức Hội Nông dân đã từng bước giúp người nông dân gỡ khó, dần thích ứng để sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao.

Hồng Ngọc

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/kinh-te/202202/ho-tro-nong-dan-go-kho-khi-gia-phan-bon-tang-cao-5055379/