Hỗ trợ sức khỏe tâm thần cho sinh viên muốn bỏ học

Khủng hoảng về chi phí học tập, sinh hoạt và sức khỏe tinh thần khiến sinh viên Mỹ cân nhắc rời khỏi trường học.

Các vấn đề về tinh thần và áp lực tài chính khiến nhiều sinh viên Mỹ bỏ học.

Các vấn đề về tinh thần và áp lực tài chính khiến nhiều sinh viên Mỹ bỏ học.

Khảo sát mới đây do Gallup, đơn vị chuyên nghiên cứu về các cuộc thăm dò dư luận, và tổ chức giáo dục tư nhân The Lumina Foundation phối hợp thực hiện, cho thấy ngày càng nhiều sinh viên Mỹ bỏ học do các yếu tố như căng thẳng tinh thần, chi phí sinh hoạt cao, lạm phát...

Ông Nate Bryant, Phó Chủ tịch phụ trách sinh viên tại Đại học Bang Salem, nhận định, gánh nặng tài chính của sinh viên không chỉ đến từ tiền học mà còn từ chi phí sinh hoạt.

Theo sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng Mỹ tham gia khảo sát, 41% cân nhắc bỏ học vào năm 2022, tăng nhẹ so với mức 38% của năm 2021. Tại bang Massachusetts, tỷ lệ học sinh trung học đăng ký đại học đã giảm từ 72% xuống dưới 63% vào năm 2022.

Để giải quyết vấn đề trên, trong thời gian gần đây, bang Salem đã trao nhiều suất học bổng cho những sinh viên có nguy cơ bỏ học. Ngoài ra, trường cũng tổ chức nhiều chương trình hỗ trợ tài chính như khoản vay sinh viên, bữa ăn giảm giá, nhà trọ giá rẻ... Mục tiêu là góp phần giúp sinh viên học đại học dễ dàng hơn.

Một nguyên nhân phổ biến khác là vấn đề về cảm xúc và tinh thần. Khoảng 55% sinh viên tham gia khảo sát cho biết họ đang cân nhắc nghỉ học vì cảm thấy căng thẳng. Nguyên nhân của cảm xúc này xuất phát từ lo lắng học phí, sức khỏe và chương trình học.

Nhiều chuyên gia sức khỏe nhấn mạnh sinh viên nên ưu tiên các nhu cầu cá nhân. Nhà tâm lý học Marcus Hotaling, làm việc Đại học Union, cho rằng không có gì xấu hổ khi sinh viên muốn dành thời gian cho bản thân và nghỉ ngơi.

“Các em có thể tạm nghỉ một kỳ hoặc một năm học để điều trị sức khỏe và quay trở lại khi bản thân đã mạnh mẽ để học tập, tập trung tốt hơn. Quan trọng nhất là các em cảm thấy khỏe mạnh hơn”, ông Marcus cho hay.

Bên cạnh đó, các giảng viên đại học nên được đào tạo để nhận ra sự thay đổi trong sức khỏe tâm thần của sinh viên và hỗ trợ các em. “Họ cần hiểu rằng sinh viên có thể đối mặt với nhiều khó khăn về sức khỏe tâm thần. Nếu được đào tạo và có kỹ năng, chính giảng viên sẽ là người hướng dẫn, hỗ trợ cho sinh viên”, ông Marcus lưu ý.

Tuy nhiên, kết quả cuộc khảo sát cho thấy nhu cầu học đại học tại Mỹ vẫn cao. 47% người không học đại học cho biết họ có cân nhắc đăng kí vào các chương trình cử nhân, cao đẳng. Con số này cao hơn so với 44% của năm 2021 và nhiều sinh viên vẫn nhận thức được tầm quan trọng của tấm bằng đại học.

Theo WBUR, NBC

Tú Hạnh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ho-tro-suc-khoe-tam-than-cho-sinh-vien-muon-bo-hoc-post638996.html