Hỗ trợ thiệt hại sản xuất nông nghiệp do bão số 3: Tiếp tục gỡ khó, bảo đảm chính xác

Do ảnh hưởng của bão số 3, Bắc Giang có hàng chục nghìn ha cây trồng bị hư hại, nhiều vật nuôi bị chết. Bám sát Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9/01/2017 của Chính phủ (Nghị định 02) về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, các cơ quan chuyên môn, địa phương trong tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ rà soát, thiết lập hồ sơ bảo đảm chính xác, đúng đối tượng.

Tập trung thiết lập hồ sơ

Tại huyện Lục Ngạn, bão số 3 đã gây thiệt hại nặng về sản xuất nông nghiệp, nhất là các loại cây ăn quả như: Vải thiều, cam, táo và cây lâm nghiệp. UBND huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn, các xã, thị trấn phối hợp rà soát, thống kê, đánh giá mức độ thiệt hại, thiết lập hồ sơ theo quy định tại Nghị định 02 để hỗ trợ người dân. Huyện quán triệt quan điểm việc thống kê, rà soát không được để sót, không để sai, làm đến đâu gọn đến đó, đánh giá đúng mức độ, rõ đối tượng bị thiệt hại.

 Cán bộ xã Tân Mộc (Lục Ngạn) rà soát, thống kê diện tích vải thiều bị thiệt hại.

Cán bộ xã Tân Mộc (Lục Ngạn) rà soát, thống kê diện tích vải thiều bị thiệt hại.

Tìm hiểu tại xã Trù Hựu được biết, toàn xã có 15 thôn bị ảnh hưởng do bão. Địa phương đã thành lập 3 tổ công tác rà soát, thống kê, thẩm định mức độ thiệt hại, hoàn thiện hồ sơ đề nghị hỗ trợ.

Theo ông Hà Minh Khương, Phó Chủ tịch UBND xã, sau một tuần triển khai (từ ngày 26/9 đến 3/10), địa phương hoàn thiện hồ sơ đề nghị hỗ trợ đối với các hộ. Hồ sơ gồm: Đơn đề nghị của chủ hộ; biên bản rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại; biên bản thẩm định thiệt hại… Qua đó, đánh giá toàn xã có hơn 141 ha rau màu, hơn 860 ha cây ăn quả và cây lâu năm bị thiệt hại hơn 70%; gần 20 ha rau màu, hơn 556 ha cây ăn quả, cây lâu năm bị thiệt hại từ 30-70%. Ngoài ra, tại xã có hàng chục ha thủy sản bị thiệt hại từ 30-70% và hơn 70%.

Tương tự, xã Tân Mộc cử 8 tổ rà soát, kiểm tra ở các thôn. Đồng thời thành lập hội đồng thẩm định, đánh giá mức độ thiệt hại trước khi hoàn thiện hồ sơ cho các hộ để bảo đảm chính xác. Theo đại diện lãnh đạo UBND xã, qua rà soát, trong số hơn 2 nghìn ha cây lâm nghiệp, Tân Mộc có 900 ha bị thiệt hại. Cùng đó có hàng chục ha vải thiều, táo bị ngập nước… Xã đã phân loại mức độ ảnh hưởng từ 30-70% và trên 70% để thuận tiện cho việc thiết lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ.

Ông Lưu Anh Đức, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lục Ngạn cho biết, đến nay, việc rà soát, thiết lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ thiệt hại do bão số 3 trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, chăn nuôi đối với từng trường hợp đã hoàn thành. Trên cơ sở đó, huyện công khai danh sách từng trường hợp để người dân biết. Toàn huyện có hơn 4,3 nghìn ha cây lâm nghiệp bị thiệt hại hơn 70%; gần 5,8 nghìn ha cây lâm nghiệp bị thiệt hại 30-70%; gần 2,5 nghìn ha cây ăn quả thiệt hại hơn 70%; hơn 1,6 nghìn ha cây ăn quả thiệt hại 30-70%; 102 ha thủy sản bị thiệt hại hơn 70%.

Tại huyện Lục Nam, căn cứ Nghị định 02 và hướng dẫn của cấp trên về thống kê, hỗ trợ thiệt hại do bão số 3 gây ra, đến nay, huyện xác định có hơn 3,3 nghìn ha lúa, hoa màu; hơn 6,5 nghìn ha cây lâm nghiệp và một số vật nuôi bị thiệt hại. Trong đó đánh giá rõ thiệt hại trên 70% và từ 30-70%.

Ông Hoàng Văn Toán, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Nam thông tin: “Với mức độ thiệt hại như trên, bước đầu huyện đề nghị hỗ trợ tổng số hơn 39 tỷ đồng. Hiện nay, các đoàn công tác của huyện đang phối hợp, đôn đốc các xã, thị trấn hoàn thiện hồ sơ và chịu trách nhiệm về kết quả rà soát, tổng hợp. Thế nhưng huyện đang gặp một số khó khăn do nhiều đối tượng cây trồng, vật nuôi chưa có trong danh mục quy định tại Nghị định 02 như: Cây đào, cây cảnh, chim bồ câu.... Vì vậy, huyện chờ cấp có thẩm quyền hướng dẫn để lập hồ sơ, hỗ trợ theo quy định”.

Bổ sung hỗ trợ một số cây trồng, vật nuôi

Được biết, do ảnh hưởng của bão số 3, toàn tỉnh có hơn 20 nghìn ha lúa, rau màu bị ngập; hơn 37 nghìn ha cây lâm nghiệp, hàng nghìn ha cây ăn quả bị đổ gãy, chết; hàng nghìn vật nuôi bị chết, lũ cuốn trôi... Việc hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất có ý nghĩa quan trọng song cần bảo đảm chính xác, đúng mức kinh phí, đúng đối tượng. Theo quy định, mỗi hộ dân chỉ được hỗ trợ một lần, có thể bằng hiện vật hoặc tiền mặt.

 Tổ công tác của huyện Lục Nam hướng dẫn kê khai thiệt hại tại xã Tiên Nha.

Tổ công tác của huyện Lục Nam hướng dẫn kê khai thiệt hại tại xã Tiên Nha.

Quá trình triển khai đã phát sinh một số vấn đề bất cập. Có giống khoai tây cấp cho vùng sản xuất song hộ dân bị thiệt hại do lũ lại không trồng được bởi ruộng trũng. Một số trường hợp chuẩn bị giống khoai tây từ đầu năm nên khi được hỗ trợ lại không có nhu cầu, xu hướng nhiều hộ muốn nhận hỗ trợ bằng tiền mặt. Việc thống kê gặp một số khó khăn như: Mức hỗ trợ thiệt hại thấp (lúa, ngô và rau màu thiệt hại trên 70% thì hỗ trợ 2 triệu đồng/ha, tương đương khoảng 72 nghìn đồng/sào; cây ăn quả lâu năm thiệt hại trên 70% hỗ trợ 4 triệu đồng/ha, tương đương khoảng 114 nghìn đồng/sào) nên một số hộ ngại làm hồ sơ.

Có những cây trồng, vật nuôi, thủy sản chưa có định mức hỗ trợ; lúng túng trong xác định số lượng thiệt hại đối với chăn nuôi và thủy sản; công tác thống kê, thẩm định diện tích lâm nghiệp bị thiệt hại mất nhiều thời gian do địa hình rừng núi phức tạp, diện tích thiệt hại lớn... Yêu cầu đặt ra là việc rà soát, đánh giá thiệt hại cũng như hỗ trợ đòi hỏi kỹ lưỡng, chặt chẽ, đáp ứng nguyện vọng người dân.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, đến nay, các địa phương trong tỉnh cơ bản hoàn tất công tác thống kê, đang tập trung kiểm tra, rà soát lại số liệu, công khai để người dân nắm được. Cùng với bám sát, đôn đốc cơ sở, Sở tiếp tục phối hợp, giải đáp thắc mắc trong thiết lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ thiệt hại theo quy định tại Nghị định 02.

Theo ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, nhằm hạn chế phát sinh khiếu nại, khiếu kiện, Sở đề nghị các địa phương thiết lập hồ sơ chính xác; đồng thời tham mưu xây dựng dự thảo quy định về mức hỗ trợ khôi phục sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản bị thiệt hại do bão số 3 gây ra trên địa bàn tỉnh và đang chờ xin ý kiến các sở, ngành, địa phương.

Theo đó, ngoài hỗ trợ theo quy định tại Nghị định 02, Bắc Giang quy định cụ thể thêm một số đối tượng cây trồng, vật nuôi mới như: Hoa, cây cảnh các loại bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 55 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 27,5 triệu đồng/ha; cây dược liệu các loại bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 35 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 17,5 triệu đồng/ha; diện tích nuôi ba ba thương phẩm trong ao bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 250 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 175 triệu đồng/ha; chim cút hỗ trợ 5 nghìn đồng/con; chim bồ câu, hỗ trợ 35 nghìn đồng/con; ong mật, hỗ trợ 500 nghìn đồng/đàn.

Các trường hợp bị thiệt hại do bão số 3 gây ra đã được hỗ trợ bằng hiện vật (giống cây, con) thì không được hỗ trợ bằng tiền. Sau khi xin ý kiến góp ý vào dự thảo, tỉnh phê duyệt, ban hành văn bản thì sẽ tiến hành hỗ trợ cho người dân theo quy định.

Nhóm PVKT

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/ho-tro-thiet-hai-san-xuat-nong-nghiep-do-bao-so-3-tiep-tuc-go-kho-bao-dam-chinh-xac-074951.bbg