Hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho hội viên phụ nữ

Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã có những cách làm hay để kết nối, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của hội viên, giúp chị em yên tâm tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.

Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã có những cách làm hay để kết nối, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của hội viên, giúp chị em yên tâm tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.

Gian hàng kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sạch của chị Đàm Thị Mai Hương, xóm Gốc Quéo, xã Khôi Kỳ (Đại Từ), được Hội LHPN tỉnh hỗ trợ hình thành năm 2020. Sau hơn 2 năm hoạt động, gian hàng ngày càng được nhiều người biết đến, bởi nguồn hàng được cung cấp là nông sản hữu cơ do chính phụ nữ ở địa phương sản xuất.

Gian hàng kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sạch của chị Đàm Thị Mai Hương, xóm Gốc Quéo, xã Khôi Kỳ (Đại Từ).

Mùa nào thức nấy, các sản phẩm được chị Hương bày bán tại gian hàng rất đa dạng, phong phú, chủ yếu là sản phẩm nông nghiệp sạch như: Rau tầm bóp, đậu cô ve, rau cải cúc, cải ngọt, cải ngồng, bắp cải, su su, mướp, bí, su hào...

Chị Hương chia sẻ: Với mục đích kết nối tiêu thụ nông sản giúp chị em nên nguồn cung là các loại rau quả do hội viên phụ nữ địa phương làm ra. Trung bình mỗi ngày, cửa hàng tiêu thụ được trên 30kg rau củ quả.

Cũng với mục đích giới thiệu, quảng bá và tăng cường kết nối tiêu thụ sản phẩm, mới đây, Hội LHPN tỉnh phối hợp tổ chức hội chợ kết nối tiêu thụ sản phẩm cho phụ nữ vùng dân tộc thiểu số và miền núi năm 2022, với quy mô 60 gian hàng của các đơn vị đến từ Hội LHPN các cấp, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong và ngoài tỉnh.

Các sản phẩm do phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ yếu thế sản xuất, chế biến phong phú về mẫu mã, được trang trí bắt mắt; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có tem nhãn, địa chỉ rõ ràng.

Chị Lê Thị Thu, phường Quang Trung (TP. Thái Nguyên), cho biết: Hội chợ này tổ chức quy mô rộng, sản phẩm nông nghiệp đa dạng. Từ đây tôi biết thêm nhiều địa chỉ đáng tin cậy, hàng chất lượng.

Từ đầu năm đến nay, để kết nối, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, các cấp Hội Phụ nữ trong toàn tỉnh đã thành lập mới 1 hợp tác xã; duy trì 20 hợp tác xã, 17 cửa hàng giới thiệu sản phẩm an toàn, 140 nhóm sở thích liên kết sản xuất nông sản an toàn, 511 mô hình “Hỗ trợ phụ nữ tiêu thụ sản phẩm thông qua mô hình chuỗi sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn”...

Hội viên phụ nữ là lực lượng chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu lao động nông nghiệp, có vai trò quan trọng trong các khâu cung ứng và tiêu thụ sản phẩm. Để phát huy vai trò phụ nữ tham gia chuỗi nông sản, thời gian tới, các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn tỉnh sẽ tăng cường hoạt động và tạo mô hình phù hợp trong điều kiện mới, đẩy mạnh hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm an toàn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh do nữ làm chủ. Tiếp tục mở rộng mạng lưới kết nối hỗ trợ tiêu thụ nông sản thông qua các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm an toàn của phụ nữ; hỗ trợ phụ nữ sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm ứng dụng chuyển đổi số và thương mại điện tử...

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/tin-moi/202211/ho-tro-tieu-thu-nong-san-cho-hoi-vien-phu-nu-7890a87/