Hòa Bình gặp khó khi đưa tin học đến các trường vùng cao

Học sinh tiếp cận với công nghệ thông tin giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số là yêu cầu đặt ra với ngành giáo dục. Tuy nhiên, đây cũng là nhiệm vụ không dễ đối với vùng khó khăn, đặc biệt là ở các tỉnh miền núi.

Nằm cách trung tâm huyện Mai Châu chừng 10 km, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Mai Hịch được trang bị và tài trợ một phòng máy tính nhưng cũng đã xuống cấp, nhiều máy bị hỏng không còn sử dụng được. Hiện trường chỉ có một giáo viên dạy môn tin học nên điều kiện tiếp cận về công nghệ thông tin của các em học sinh còn gặp nhiều khó khăn.

Em Trần Tiến Minh học sinh lớp, 4 Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Mai Hịch, cho hay, ở nhà chưa có máy tính, ở trường thì 2 -3 bạn phải học chung một máy: "Một tuần, cháu được học một buổi. Phòng tin có 13 máy tính. Học máy tính, cháu được cô hướng dẫn dùng bàn phím bằng 10 ngón tay. Cháu mới học thấy môn tin rất vui".

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Cô giáo Vì Thị Tuyết, giáo viên tin học Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Mai Hịch, huyện Mai Châu, trăn trở, các em học sinh vùng miền núi điều kiện tiếp cận với máy tính khó khăn lắm. Mấy năm gần đây nhờ một số nhà hảo tâm tài trợ máy tính, các em mới bước đầu dần tiếp cận với môn tin học.

"Học trực tuyến học sinh học ở nhà cơ sở vật chất không có. Phụ huynh thì làm ăn xa, các em ở với ông bà, máy tính điện thoại thông minh không có, nên việc học trực tuyến của các em hoàn toàn khó khăn", cô Tuyết nói.

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Phúc Sạn nằm cách trung tâm huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình chừng 20 cây số, ngoài trường chính thì còn có 5 chi điểm phụ, nằm cách xa từ 5 đến 9 km. Em Hà Văn Sơn ở xóm Sạn Sộp, xã Sơn Thủy, huyện Mai Châu là học sinh lớp 8, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Phúc Sạn, cho hay gia đình còn khó khăn thiếu thốn. Mỗi năm mẹ chỉ mua cho 2 bộ quần áo mới, không có tiền mua máy tính để học: "Cháu được làm quen và học từ lớp 6 đến giờ những nội dung trong đó rất đa dạng có lợi ích, rất hay giúp cháu học được các chương trình sáng tạo trên Website".

Hằng ngày, dù trời nắng hay trời mưa, cứ chi điểm trường nào có tiết tin học là thầy giáo Hà Công Quang, giáo viên tin học Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Phúc Sạn lại khăn gói chở theo máy tính để đến với các em học sinh. Theo thầy Hà Công Quang cho hay. mỗi điểm trường có 4 đến 5 em học sinh tiểu học, nhiều nơi còn không phủ sóng điện thoại: "Môn tin học cũng là môn mới đối với các điểm trường. các em học sinh được tiếp cận tin học từ năm 2021 đến giờ. Ban đầu các cháu rất bỡ ngỡ, giờ đã mạnh dạn rất vui. Tuy nhiên, do kinh tế yếu điều kiện nhà trường khó khăn nên các cháu chưa được tiếp cận hết. Rất thương các cháu vùng xa, có điểm trường còn không có sóng".

Là một trường nằm trong vùng khó khăn, ở huyện Mai Châu, trong những năm qua thầy và trò Trường Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Phúc Sạn đã cùng nhau vượt khó, từng bước giúp các em học sinh tiếp cận với môn tin học. Thầy Đoàn Văn Viện, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Phúc Sạn, cho biết: Năm 2021 nhà trường được Vinaphon tặng 4 máy tính. Năm học này, nhà trường các nhà hảo tâm tặng 22 máy tính cho các em học sinh.

"Nhiều hộ gia đình gặp khó khăn nên việc mua máy tính cũng như sóng điện thoại để đảm bảo cho các em tiếp cận kỹ thuật số rất khó khăn, nhà trường cũng rất trăn trở. Đến thời điểm hiện tại việc tiếp cận công nghệ cho các em còn hạn chế", thầy Viện nói.

Hiện nay, trang thiết bị dạy học môn tin học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở tỉnh Hòa Bình còn rất thiếu, giáo dục tiểu học mới đáp ứng được hơn 42%, giáo dục THCS mới đáp ứng được 55 % và THPT đáp ứng được hơn 87 % nhu cầu. Tổng số máy tính hiện nay cho các trường còn thiếu cần khoảng 12.000 bộ, đòi hỏi một nguồn kinh phí rất lớn.

Mạnh Phương/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/hoa-binh-gap-kho-khi-dua-tin-hoc-den-cac-truong-vung-cao-post1050695.vov