Hòa Bình: Phát huy hiệu quả trong công tác giám sát, phản biện xã hội

Sáng 6/7, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hòa Bình đã tham dự Hội nghị trực tuyến Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT- UBTVQH14-CP-ĐCTUBTUMTTQVN ngày 15/6/2017 về quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà nêu rõ, giám sát phản biện xã hội là một trong những chức năng nhiệm vụ cơ bản, quan trọng hàng đầu của MTTQ Việt Nam, qua đó, góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng cũng như góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch (NQLT) số 403, công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức thành viên ngày càng đi vào chiều sâu, cụ thể hơn, chặt chẽ hơn, phát huy hiệu quả thiết thực, được cấp ủy, chính quyền ghi nhận, đánh giá cao; vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp ngày càng được khẳng định, phát huy trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội.

Các đại biểu tham dự Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Ủy ban MTTQ tỉnh Hòa Bình.

Các đại biểu tham dự Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Ủy ban MTTQ tỉnh Hòa Bình.

Theo Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hòa Bình, trong 5 năm, mặt trận các cấp đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội ban hành Kế hoạch giám sát; Chương trình thống nhất hành động thực hiện các nhiệm vụ công tác Mặt trận, trong đó chú trọng tuyên truyền các nội dung của NQLT số 403 gắn với tuyên truyền sâu rộng về các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; giám sát các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đồng thời, thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tầng lớp nhân dân thông qua Cổng thông tin điện tử tỉnh, tập san công tác Mặt trận hàng tháng, cổng thông tin điện tử các tổ chức chính trị - xã hội và trang Fanpage của hệ thống Mặt trận các cấp.

Kết quả đạt được, trong 5 năm, từ năm 2017 đến năm 2022, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hòa Bình cùng các tổ chức thành viên cấp tỉnh đã xây dựng được 2.098 kế hoạch giám sát. Tổ chức được 1.752 Đoàn giám sát với các hình thức phù hợp (giám sát trực tiếp và giám sát qua báo cáo), tổ chức được 903 hội nghị phản biện, đảm bảo theo yêu cầu kế hoạch đề ra.

Trong quá trình giám sát Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đã phát hiện một số tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện. Sau mỗi nội dung giám sát, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hòa Bình và các đoàn thể chính trị - xã hội xây dựng báo cáo giám sát gửi Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và đơn vị được giám sát; đồng thời có những kiến nghị, đề xuất về cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan đơn vị được giám sát.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã thành lập 151 Ban Thanh tra nhân dân với 1.309 thành viên và 191 Ban giám sát đầu tư cộng đồng với 1.539 thành viên được hoạt động tại 151 xã, phường ,thị trấn trong toàn tỉnh. Qua đó, đã góp phần phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, chống tham ô, lãng phí, thực hiện dân chủ ở cơ sở, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

Thời gian tới, nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện NQLT số 403 về các hình thức giám sát, phản biệt xã hội của MTTQ Việt Nam, cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, sự phối hợp của chính quyền trong hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung Quy chế, Quy định, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và trách nhiệm của mỗi cấp ủy, chính quyền, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết và thực hiện.

Hằng năm, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trên địa bàn tỉnh tiếp tục xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát và phản biện xã hội phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức mình, kịp thời bổ sung nội dung giám sát và phản biện xã hội (khi có yêu cầu); Tổ chức góp ý và tập hợp ý kiến góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quy định; phối hợp với cấp ủy đảng, chính quyền tổ chức đối thoại theo định kỳ hằng năm giữa người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền cùng cấp với nhân dân.

Đồng thời, có trách nhiệm báo cáo kịp thời kết quả giám sát và phản biện xã hội, các nội dung tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của nhân dân cho cấp ủy Đảng, chính quyền. Thường xuyên tổ chức tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ về giám sát và phản biện xã hội cho đội ngũ cán bộ Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp. Đặc biệt, có trách nhiệm theo dõi, giám sát việc tiếp thu và khắc phục, sửa chữa những hạn chế, khuyết điểm của các đơn vị sau giám sát.

THÀNH DÂN - HOÀNG SA

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/hoa-binh-phat-huy-hieu-qua-trong-cong-tac-giam-sat-phan-bien-xa-hoi-5722405.html