Hóa giải tức giận theo nguyên tắc chữ Nhẫn của nhà Phật
Nhẫn theo giáo lí nhà Phật là cách tu để hóa giải sự tức giận từ đó thoát khỏi những đau khổ, khó chịu để đạt được sự an lạc, tự tại. 'Nhẫn nhục' là tiêu diệt tức giận; là một liệu pháp điều tiết, cân bằng trạng thái tâm lí. Khi đạt đến mức độ cao nhất thì 'Nhẫn vô khả nhẫn', tức là đang nhẫn nhục mà an lạc, tự tại như không phải 'Nhẫn'.
Những điều không mong muốn đôi khi chúng ta không thể đoán trước, không do mình quyết định được và cũng khó thay đổi. Cái có thể thay đổi được chính là bản thân mình, tâm hồn của mình, là cái mình biết rõ nhất. Đối với những người thực sự muốn tâm hồn thanh thản, thoải mái, an lạc thì điều kiện tiên quyết trước nhất phải là sự thay đổi nhận thức một cách trí tuệ, tức phải hiểu đúng về triết lí chữ “Nhẫn”.
Thay đổi quan niệm sai lầm
Nhiều người cho rằng “tức giận” là tất nhiên, là bản năng của mỗi con người, “Nhẫn” chính là “Nhục”, là hèn nhát, sợ hãi, sự phục tùng, tự hạ mình, chấp nhận định mệnh… Thực chất đây chính là nguyên nhân sai lầm khiến người ta khó thoát khỏi sự đau khổ, buồn bực. Từ quan niệm sai lầm sẽ dẫn đến áp dụng phương pháp sai lầm là “đè nén” nên đương nhiên kết quả cũng sai lầm. Nó chỉ chuyển từ trạng thái lẽ ra được thể hiện ra ngoài nay lại được lưu giữ ở bên trong. Hệ quả là sự tức giận như một ung bướu nằm trong tâm mà không được cắt bỏ đi, nên càng làm người ta cảm thấy đau khổ hơn, khó chịu, dằn vặt dai dẳng hơn. Thế nên, dễ dàng nhận thấy nhiều người thà nổi “cơn tam bành” chứ “tội gì phải nhẫn nhịn làm gì cho thêm khổ vào người”.
Vì vậy, điều kiện tiên quyết ở đây là phải gạt bỏ quan niệm hoàn toàn sai lạc đó. Nhẫn nhục trong giáo lí nhà Phật là cách tu để hóa giải sự tức giận từ đó thoát khỏi những đau khổ, những khó chịu trong tâm hồn do nó gây ra, để đạt được sự an lạc, tự tại. “Nhẫn nhục” là tiêu diệt tức giận; là một liệu pháp điều tiết, cân bằng trạng thái tâm lí chứ không phải sự đè nén, trốn tránh hay giải tỏa năng lượng của nó. Khi đạt đến mức độ cao nhất thì “Nhẫn vô khả nhẫn”, tức là “nhẫn” mà không phải “Nhẫn”. Vì lúc ấy người ta đã gạt bỏ được hết những yếu tố tiêu cực ra ngoài rồi, nên chẳng có gì để phải nhẫn cả. Bất kể môi trường bên ngoài thế nào đi nữa trong tâm hồn cũng đều nhẹ nhàng, yên định.
Do đó, đối với người thường, cần phải luôn luôn tâm niệm rằng: “tức giận”, đối với bản thân là cái không được chấp nhận vì nó gây ra “nhân duyên ác”. Gây đau khổ, buồn phiền đôi khi là hậu quả khó lường hối hận cũng không kịp. Còn “Nhẫn nhục” thực chất là đang làm lợi cho mình và những người xung quanh, tạo “nhân duyên tốt” cho tâm hồn thanh thản, vui vẻ.
Coi sự “tức giận” của người khác hoặc nghịch cảnh xảy đến đối với mình là yếu tố giúp mình thực hiện chữ “Nhẫn”, hoàn thiện bản thân, tích thêm phúc đức thiện căn cho dày lên, để cải thiện vận mệnh…từ đó đối mặt với nghịch cảnh ấy. Chỉ khi nào thực sự có những thay đổi về mặt quan niệm như trên mới có thể quyết tâm thực hiện theo những phương pháp, thủ thuật dưới đây. Tuy vậy, nói thì dễ làm thì khó nên phải thường xuyên tôi luyện, không nên nóng vội vì nó không thể một sớm một chiều mà đạt được.
Phương pháp hóa giải tức giận
Tập trung vào mặt tích cực: Mỗi sự vật hiện tượng tồn tại trong thực tế đều có cái lí của nó, đều có hai mặt tốt và xấu. Khi bạn nhìn thấy thứ mà mình không thích, nên bình tĩnh quan sát mặt tốt của nó để xóa đi cảm giác ghét bỏ nó. Nếu trong lòng đang có cảm xúc phức tạp, tức nửa thích, nửa không thích thì nên phân tách riêng biệt hai cảm xúc này để đánh giá một cách công bằng, sau đó mới quyết định từ bỏ hay chấp nhận.
Dùng con mắt khách quan để nhìn nhận đúng đắn. Khi gặp một người có điểm nào đó khiến ta không thích, thông thường người ta sẽ có tâm lí phủ nhận hoàn toàn anh ta. Thực ra, con người dù xấu đến đâu đi nữa thì vẫn có những mặt tốt, không thể hoàn toàn xấu 100%. Nếu chỉ thông qua những hiện tượng bên ngoài mà phủ định hoàn toàn người đó là một suy nghĩ sai lầm.
Khi bạn nghĩ như vậy bạn sẽ có sức mạnh để tiêu diệt sự tức giận. Bài học ở đây là chúng ta nên nhìn nhận một cách khách quan, hai chiều, tập trung vào hướng tích cực sẽ nhanh chóng cân bằng được trạng thái tâm lí. Sự tức giận sẽ nhanh chóng tiêu tan. Nếu không ý thức được điều này, có thể từ ý nghĩ bạn sẽ xuất ra thành lời nói công kích người đó. Khi đối phương biết được, họ cũng làm điều tương tự với mình. Cuối cùng thì tức giận sẽ làm bạn càng tức giận thêm, bởi lúc đó mối quan hệ giữa hai người đã phát triển lên mức mâu thuẫn, xung đột.
Hãy tự phản chiếu: Khi có ý nghĩ tiêu cực dẫn đến tức giận, ta chỉ cần cảm giác nó là được. Ví dụ, một ai đó nói một câu khó chịu, khiến ngọn lửa nóng bốc lên trong người. Trước hết, ta cần nhận thức cái gì thực sự đang đến với mình, hãy quan sát nó đồng thời tự đánh dấu nó bằng lời nói: “Tức giận, tức giận đang đến”. Thực chất, bạn tức giận vì một câu nói là do bạn đang tự nghi ngờ về câu nói của người đó. Tiếp đó bạn suy diễn, anh ta đang muốn gây bất lợi cho mình, tiếp theo bạn đưa ra phán đoán về hành động của anh ta rồi đưa ra phản ứng để bảo vệ mình. Thực chất đều là những suy diễn có thể là sai lầm. Bạn không tức giận về câu nói mà đang tức giận về vô vàn những điều đang suy diễn đằng sau câu nói đó.
Khi tức giận dâng lên, tim sẽ đập nhanh hơn, hơi thở gấp hơn, bạn quan sát nó xem trạng thái tiếp tục sẽ ra sao, nó kéo dài trong bao lâu. Sau một thời gian nhất định xem nó chuyển biến mạnh lên hay dịu đi. Sau đó bạn tiếp tục cảm nhận nó, không nên cố gắng gạt bỏ nó, cũng không kích thích nó tăng lên hay giảm đi. Bạn dễ dàng nhận thấy, cuối cùng thì nó cũng giảm dần rồi biến mất. Cho dù bạn có muốn nó giữ nguyên không thay đổi thì cũng rất khó, nó sẽ tự dừng lại và tự biến mất. Nếu bạn muốn một ngày 24 tiếng đồng hồ đều ở trong trạng thái tức giận thì cũng hoàn toàn không thể thực hiện được, cũng không có người nào ở trạng thái như vậy mãi được.
Nếu bạn muốn tiếp tục tức giận, một lần nữa bạn lại phải nghĩ đến nguyên nhân gây ra sự tức giận cho bạn. Khi bạn nghĩ đến thì tức giận cũng lập tức dâng lên, nhưng sau đó lại giảm đi. Muốn tiếp tục tức giận bạn lại phải nghĩ thêm một lần nữa. Vì vậy, có thể thấy, tức giận tự nó có thể mất đi, nhưng do bạn tự suy luận, nghĩ đến điều mình không muốn nên tức giận mới tiếp tục dâng lên vì vậy mà luôn luôn ở trong trạng thái tức giận. Bạn luôn nghĩ điều tiêu cực khiến nó ràng buộc tâm hồn bạn.
Khi bạn đã biết được điều này, lần sau, khi tức giận bạn nên cảm giác, theo dõi nó. Chỉ cần bạn không tiếp tục nghĩ đến nữa thì nó cũng nhanh chóng hạ nhiệt. Bạn sẽ thấy, thực ra nóng giận rất dễ xử lí. Cái khó chính là kiểm soát sự suy diễn của mình. Bạn phải tự hỏi mình tiếp tục suy diễn theo chiều hướng tiêu cực, nghĩ xấu về người khác để làm gì, như vậy chẳng có ích lợi gì, chỉ tự đem đến sự tức giận, gây đau khổ cho bản thân. Khi bạn không suy nghĩ nữa, tức giận sẽ tự biến mất. Nếu bạn vẫn chưa thể thoát ra được với những suy nghĩ, bạn hãy thay gương mặt đáng ghét của người bạn không thích bằng một khuôn mặt lúc anh ta hài hước nhất.
Nhưng cũng có lúc năng lượng của sự tức giận quá lớn khiến bạn khó lòng tĩnh tâm. Vậy bạn nên áp dụng cả hai phương pháp trên cùng một lúc để đối trị. Muốn giải quyết nó, bạn nên đợi cho cơn nóng giận của đối phương qua đi, sau đó tiếp cận một cách nhẹ nhàng trên tinh thần xây dựng. Chủ động tạo cơ hội để người khác hiểu mình, tức phải tự gạt bỏ được cái “tôi” của mình. Trong bất kì mối quan hệ nào cũng đều phải như vậy, bạn phải tự đặt ra một nguyên tắc: Nếu bạn đúng thì bạn không cần phải tức giận vì chỉ cần một lời giải thích nhẹ nhàng là có thể giải quyết vấn đề. Nếu bạn sai thì bạn không có quyền được tức giận, vì tức giận sẽ làm bạn lún sâu hơn vào guồng quay sai lầm.
Chuyển hướng thái độ, nuôi dưỡng lòng nhân từ
Chuyển hướng trực tiếp, là phương pháp được khuyến khích sử dụng bởi nó hướng tới lòng nhân từ của bản thân. Khi bạn tức giận, hãy lập tức chuyển hướng sang suy nghĩ đến những việc có ý nghĩa, vui vẻ trước đây trong cuộc sống. Hoặc nghĩ về người thân, người mà bạn thương yêu nhất. Làm được điều này bạn sẽ nhanh chóng nhận ra cảm giác tức giận giảm xuống nhanh chóng. Bạn sẽ không còn suy nghĩ tiêu cực nữa, cũng giống như khi tham gia giao thông, bạn nghĩ về người thân thì bạn có thể “Nhẫn”, không vượt đèn đỏ, không phóng nhanh, không lạng lách, mức độ tập trung cao hơn. Có thể nói như vậy vì sự vui vẻ của bạn cũng chính là niềm vui của những người bạn yêu thương. Bạn nên suy nghĩ, mình đang tức giận, nếu người thân biết được chắc hẳn họ cũng sẽ không vui vẻ gì.
Ngoài ra, khi gặp nghịch cảnh hay những điều không mong muốn, bạn phải lập tức nghĩ rằng: Tình cảnh hiện tại của mình vẫn chẳng thấm tháp vào đâu so với người khác. Tức là, hiện tại mình vẫn là người may mắn hạnh phúc hơn rất nhiều người, vì vậy, chẳng có lí do gì để mình không hài lòng và phải tức giận vì nghịch cảnh hiện tại, để tự tạo thêm đau khổ. Trên đây là một số cách để nuôi dưỡng lòng nhân từ của bạn, dùng năng lượng của lòng nhân từ xóa bỏ sự tức giận, làm nó tiêu tán đi.
Khi năng lượng này dâng lên nó sẽ khiến bạn có cảm giác nhẹ nhàng thoải mái, tinh thần vui vẻ và hoàn toàn dễ chịu. Nếu ý nghĩ ấy lại được thể hiện ra hành động bằng những việc làm từ thiện, đối với những người thường xuyên nóng giận sẽ phát hiện ra rằng, tần suất những cơn tức giận sẽ giảm đi rõ rệt.
Chuyển hướng gián tiếp: Khi một người mắng mỏ hay xúc phạm đến bạn, bạn nên quan sát ưu điểm của người đó để nuôi dưỡng lòng nhân từ. Trong trường hợp không thể tìm ra được ưu điểm của người đó thì bạn nên tin rằng, tất cả những lời nói, hành động và ý nghĩ của anh ta đều đang tạo ra nhân duyên ác. Sẽ rơi vào con đường ác đạo chịu nhiều bi thảm, bị luật nhân quả báo ứng trong tương lai. Hoặc cũng có thể nghĩ, bản tính của anh ta là người hay tức giận nên mình chẳng giận làm gì, không cần thiết phải tức giận vì vốn dĩ bản tính của anh ta đã là như vậy. Nếu bình thường, một người có bản chất rất hiền lành, nhưng hôm nay gặp duyên, anh ta tức giận với bạn thì cũng không cần phải tức giận lại làm gì, không cần thiết vì bản chất anh ta là lương thiện. Chẳng qua hôm nay có nhiều cái khiến anh ta không ổn định, bản chất anh ta vẫn là lương thiện.
Suy nghĩ tích cực: Quan niệm nhà Phật cho rằng, cuộc sống vốn dĩ đã đầy đau khổ. Sự đau khổ buồn phiền có mặt ở khắp nơi, bạn đi đến đâu cũng đều không thể thoát khỏi nó. Bạn muốn tìm một người mãi mãi không thay đổi, vĩnh viễn yêu thương, phục tùng, không phản bội, không làm bạn buồn quả thực rất khó. Nếu không tìm được thì được coi là không trọn vẹn. Nhưng đau khổ trong giáo lí nhà Phật lại hết sức quan trọng với cuộc sống, bởi vì chính nó mới là tác nhân giúp chúng ta rèn luyện và trưởng thành hơn.
Khi dũng cảm đối mặt với những nghịch cảnh sẽ khiến sau này chúng ta càng trở lên kiên cường. Trong quan niệm nhà Phật không cho phép người ta trốn tránh đau khổ, cũng không chấp nhận người ta oán thán. Tức thái độ đối mặt với đau khổ, với nghịch cảnh là quan trọng nhất. Nếu bạn luôn nghĩ nghịch cảnh không khó khăn như mình nghĩ, thậm chí cho nó là chẳng tồn tại thì bạn sẽ dễ vượt qua. Khi bạn oán thán thì bạn càng trở lên đau khổ vì sẽ không bao giờ có suy nghĩ dẫn đến hành động để vươn lên. Vì vậy, bạn lại tiếp tục rơi vào tức giận và đau khổ là đương nhiên.
Nhà Phật cho rằng, nghịch cảnh chính là liều thuốc tốt, trong nghịch cảnh, hoạn nạn luôn luôn tồn tại sự giải thoát nên chẳng có gì phải tức giận. Nếu con người thực sự có thể trưởng thành trong nghịch cảnh, coi nghịch cảnh là nguyên liệu không thể thiếu cho sự trưởng thành thì mọi chỗ mọi nơi đều là thuận lợi. Nếu bạn luôn nghĩ tất cả mọi cái đều phải tốt đẹp, tất cả mọi người đều phải yêu thương mình, không có ai phản bội mình thì bạn sẽ luôn luôn vấp phải những rào cản, những thất vọng không lường trước được. Giống như câu dân gian vẫn nói: “Ghét của nào trời trao của ấy”. Khi đó bạn không có tâm lí để đối phó với nó thì mức độ tức giận và đau khổ càng nhân lên bội phần. Bạn đã có chuẩn bị từ trước nên khi nghịch cảnh đến bạn sẽ thấy nhẹ nhàng hơn, sẽ tĩnh tâm để giải quyết đúng hướng.
Tự thay đổi bản thân: Khi bạn và một ai đó xảy ra xung đột, trước hết cần phải suy nghĩ nguyên nhân bắt đầu từ đâu. Nếu ta đổ toàn bộ trách nhiệm lên đầu người khác, bạn muốn người ta phải thay đổi, nhưng trên thực tế điều này rất khó thực hiện. Vì bạn không thể quản lí được tâm hồn người khác muốn gì, nghĩ gì. Muốn thay đổi thì chỉ có thể thay đổi chính mình. Khi bạn tìm ra nguyên nhân từ phía mình, bạn tự thay đổi mình, như vậy sẽ có thể cải thiện mối quan hệ giữa bạn và người đó. Nếu bạn chỉ hi vọng người khác thay đổi thì cũng có thể bạn sẽ vĩnh viễn ở trong trạng thái chờ đợi, vĩnh viễn bị bó buộc trong sự tức giận và đau khổ.
Chuyển hướng chú ý những sai lầm của đối phương sang sửa đổi suy nghĩ hành vi của mình. Tức có thể thoát khỏi sự tức giận lại vừa cải thiện mình trong nghịch cảnh. Giáo lí nhà Phật luôn có tính xây dựng như vậy, khuyên chúng ta không nên đắm chìm trong cảm xúc mà phải xem xét xem ta có thể làm được những gì, liệu có thể thay đổi được bản thân hay không. Vì vậy, Phật dạy rằng “không nhắc đến lỗi lầm của người khác mà chỉ tự quan sát những điều mình đã làm hoặc chưa làm được mà thôi”.