Hoa Kỳ giúp Việt Nam tăng khả năng chống buôn bán gỗ trái phép
Những hỗ trợ kỹ thuật lần này nhằm giải quyết các mối quan ngại của chính phủ Hoa Kỳ về gỗ Việt Nam.
Hoa Kỳ sẽ cùng Việt Nam “duy trì các hệ thống gỗ hợp pháp và bền vững, thông qua các sáng kiến và hỗ trợ kỹ thuật”, bà Melissa Bishop, Đại biện lâm thời của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, cho biết tại Hội thảo “Hợp tác nâng cao năng lực thực thi pháp luật chống buôn bán gỗ trái phép giữa Việt Nam và Hoa Kỳ”, diễn ra tại Hà Nội.
Phía Hoa Kỳ đánh giá cao Thỏa thuận về kiểm soát khai thác và buôn bán gỗ bất hợp pháp giữa Việt Nam và Hoa Kỳ (Thỏa thuận 301) được ký ngày 1.10.2021, Đại biện của Đại sứ quán Mỹ nói thêm.
Thỏa thuận 301 thể hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về tăng cường kiểm soát nguồn gốc và chuỗi cung ứng gỗ, mở rộng thị trường xuất khẩu, cải thiện thể chế quản lý rừng, giải quyết tình trạng khai thác và thương mại gỗ trái phép.
Bà Melissa Bishop tin rằng, thỏa thuận này sẽ thúc đẩy sản phẩm gỗ của Việt Nam tới thị trường Hoa Kỳ, nhưng nhấn mạnh “sự minh bạch, chứng nhận và thực hiện các biện pháp phòng ngừa là then chốt để thực hiện các mục tiêu trên”.
Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất của xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam. Năm 2023, xuất khẩu mặt hàng này sang Hoa Kỳ đạt 6,98 tỷ USD, chiếm 52% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Ông Bùi Chính Nghĩa, Cục trưởng Cục Kiểm lâm, cho biết đây là cơ hội để hai bên “bày tỏ quan điểm” về nâng cao năng lực phòng chống buôn bán gỗ trái pháp luật và thúc đẩy buôn bán gỗ hợp pháp, hướng tới phát triển ngành hàng gỗ bền vững trong tương lai.
Cùng với Hiệp định Đối tác tự nguyện về Thực thi lâm luật, quản trị và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) ký với EU, Thỏa thuận với Hoa Kỳ thể hiện cam kết của Việt Nam trong phát triển ngành lâm nghiệp bền vững, đảm bảo tính minh bạch trong hệ thống quản lý, đáp ứng thông lệ quốc tế, qua đó nâng cao uy tín của ngành nông nghiệp Việt Nam.
Dữ liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ghi nhận, hiện cả nước có khoảng 4,5 triệu ha diện tích rừng trồng, hiện tiếp tục mở rộng với khoảng trên 100.000 ha mỗi năm, trong đó bao gồm các diện tích đạt chứng chỉ bền vững FSC và VFCS/PEFC.