Hoa Kỳ là nhà mua nông lâm thủy sản nhiều nhất của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2024
2 tháng đầu năm 2024, cơ cấu thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản có sự thay đổi khi Hoa Kỳ chiếm tỉ trọng lớn nhất, thị trường Trung Quốc xuống thứ hai.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 9,84 tỉ USD, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước. Xuất siêu 2,68 tỉ USD, tăng gần 2,9 lần.
Kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh nhờ các nhóm hàng xuất khẩu đều tăng. Trong đó, đóng góp vào kết quả này có nông sản 5,18 tỉ USD, lâm sản 2,9 tỉ USD (hai nhóm hàng này tăng gần 60%), thủy sản 1,37 triệu USD (tăng 29%).
Hầu hết các mặt hàng chủ lực đều đạt giá trị xuất khẩu cao hơn năm trước như: sản phẩm gỗ 1,68 tỉ USD (tăng 59%), cà phê 1,38 tỉ USD (tăng 85%), rau quả 970 triệu USD (tăng 73%), gạo 708 triệu USD (tăng 50%), hạt điều 595 triệu USD (tăng 68%), tôm 403 triệu USD (tăng 20%). Riêng cá tra 224 triệu USD (giảm gần 1%).
Giá xuất khẩu bình quân một số nông sản cũng tăng cao như giá gạo xuất khẩu bình quân 699 USD/tấn, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước. Giá cà phê 3.153 USD/tấn (tăng 45%), cao su 1.429 USD/tấn (tăng 3,4%), hạt tiêu 4.041 USD/tấn (tăng 29%),...
2 tháng đầu năm 2024, cơ cấu thị trường xuất khẩu có sự thay đổi khi Hoa Kỳ chiếm tỉ trọng lớn nhất (2,1 tỉ USD); thị trường Trung Quốc xuống thứ hai (2,065 tỉ USD). Tiếp đến là thị trường Nhật Bản và Philippines, còn Hàn Quốc rơi xuống thứ năm. Thị trường châu Âu chiếm 42%.
Ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – đánh giá, từ cơ cấu thị trường để thấy rằng chất lượng nông sản của chúng ta đáp ứng được các thị trường cao cấp. Ví dụ, Hoa Kỳ, châu Âu chúng ta đã có khởi động rất tốt, điều này cho thấy sự phục hồi của các thị trường cũng như việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã gắn với thị trường chặt chẽ hơn.
Ngoài các thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU..., thời gian tới Bộ Nông nghiệp sẽ tập trung xuất khẩu các sản phẩm nông lâm thủy sản đi các thị trường Halal, Trung Đông, châu Phi...
Cũng theo ông Phùng Đức Tiến, hiện Bộ đang chỉ đạo Tập đoàn De Hues tập trung cho xuất khẩu thịt gà vào thị trường Halal. Dự kiến tháng 5 tới, tập đoàn sẽ ký kết hợp tác với hai quốc gia đầu tiên để xuất khẩu. Ngoài ra, bộ cũng đã chỉ đạo ngành thủy sản tập trung xúc tiến, mở cửa thị trường Halal.
“Mặc dù đã xuất khẩu đi nhiều thị trường và xúc tiến thương mại đã có hiệu quả nhưng chúng ta phải bước chân vào những thị trường khó tính, mang tính đặc thù đặc biệt để các sản phẩm nông sản của Việt Nam đi được nhiều phân khúc, nhiều thị trường để doanh thu xuất khẩu được nhiều hơn" - ông Phùng Đức Tiến nói thêm.