Hoa mai – bạch mai, hoàng mai!?
Đã thành tập quán, người miền Bắc đón xuân bằng hoa đào, người miền Nam đón xuân bằng hoa mai. Mỗi gia đình Nam bộ, xuân đến thường phải có một chậu hoa mai vàng mới ưng ý, mới sang trọng, mới phúc lộc. Phải chăng, đã từ lâu, màu vàng tươi quý phái của hoa được vua chúa chọn làm biểu trưng cho sắc màu hoàng tộc!
Cả hai loài hoa đào, mai đều rất đẹp, đều xứng danh “đệ nhất đại danh hoa”. Nhưng tại sao miền Bắc không mượn hoa mai làm biểu trưng cho mùa xuân và ngược lại? Câu trả lời đơn giản nhất là do khí hậu. Hoa mai ưa ấm áp, với thời tiết miền Nam thì hoa rất đẹp, cây dễ trồng, dễ chăm. Cây đào ưa lạnh, nếu gặp lúc nắng ráo, nhiệt độ cao thì hoa nở. Cây đào “khó tính” như cái nóng lạnh thất thường ở miền Bắc. Hoa mai “dễ tính” hơn, phóng túng, cởi mở như đất đai, khí hậu và con người Nam bộ.
Thực tế thì không đơn giản như câu trả lời trên.
Bởi nếu vậy thì hoa mai chỉ có ở miền Nam mà không có ở miền Bắc. Vì miền Bắc, như ta biết, càng trở về trước nhiệt độ càng thấp, theo logic ấy thì hoa mai càng vắng. Nhưng trong văn chương thì hoa mai lại xuất hiện rất nhiều.
Trong ca dao, theo một nghiên cứu tin cậy thì hoa mai, với tư cách một biểu tượng văn hóa, xuất hiện tới 30,5% so với các biểu tượng thực vật khác. Đáng chú ý là “mai” thường đi với “trúc” làm cặp biểu trưng cho sự sum họp, kết đôi: “Hôm qua sum họp trúc mai/ Tình chung một khắc nghĩa dài trăm năm”. Các cụ nhà Nho cũng lấy “mai”, cùng với “tùng”, “cúc”, “trúc” làm biểu tượng cho người quân tử. Như vậy rõ ràng cây mai, hoa mai đã quen thuộc với miền Bắc từ rất lâu.
Trong văn chương, hoa nói chung, hoa mai nói riêng là một thi liệu không thể thiếu trong thơ cổ.
Xuân về trăm hoa nở. “Hoa” trở thành biểu trưng cho mùa xuân. Ngày Tết, trên bàn thờ tổ tiên của người Việt bao giờ cũng có hoa. Ngoài ý nghĩa đón xuân còn là biểu hiện của tấm lòng thành dâng cúng tiền nhân. Hoa trở thành một phần hồn dân tộc!
Trong thế giới muôn hoa, hoa mai là một trong những loài hoa được yêu quý nhất. Bình dị, dân dã mà lại sang trọng, vương giả, cứng cỏi mà thanh tao được các thi nhân tôn thờ. Chu thần Cao Bá Quát có câu để đời: “Nhất sinh đê thủ bái mai hoa” (Một đời chỉ cúi lạy hoa mai). “Mai” biểu trưng cho cái quân tử, cao quý, thanh khiết, trong sạch.
Câu thơ “Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/ Đình tiền tạc dạ nhất chi mai” (Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua sân trước nở nhành mai) của Mãn Giác thiền sư (thời Lý) nói về lẽ biến đổi của sự vật, cái trôi chảy của thời gian. Xuân có hết nhưng hoa vẫn còn. Thời gian cứ trôi nhưng tình người còn lại. Vạn vật biến đổi nhưng cái đẹp, cái khát khao của con người thì bất tử. Là thơ nhưng cũng là một tư tưởng triết học: con người đạt tới sự giác ngộ lẽ đạo là vượt khỏi cái vòng luân hồi của thời gian để yên vui với đời! Rất thiền mà cũng rất trần thế. Đấy là những câu thơ sống mãi!
Vua Trần Nhân Tông trong bài thơ “Mai” có hai câu: “Thiết đảm, thạch can lăng hiểu tuyết/ Tố quần, luyện thế nhạ đông phong” (Gan dạ, sắt đá vượt lên tuyết buổi sáng/ Quần lụa mộc, khăn lụa trắng đón gió đông). Theo ý tứ hai câu này thì sự “gan dạ” của hoa mai được so sánh với sắt đá vượt lên cả tuyết (tức tiết trời rất lạnh). Hoa mai cũng rất bình dị, mộc mạc như quần lụa, khăn lụa vậy. So sánh với “khăn lụa trắng” thì chắc chắn không phải mai vàng mà là mai trắng.
Tể tướng Trần Quang Khải trong bài “Lưu gia độ” có câu “Mai hoa như tuyết chiếu tình xuyên” (Hoa mai như tuyết chiếu xuống dòng sông lúc tạnh mưa). Cũng rõ ràng là hoa mai trắng.
Thơ Nguyễn Trãi nói nhiều đến yêu mai, yêu trăng, yêu tuyết. Có những câu tuyệt hay: “Quét trúc, bước qua lòng suối/ Thưởng mai, về đạp bóng trăng (Ngôn chí 2). Đi thưởng (xem) hoa mai về phải qua suối nên “quét trúc”, cầm gậy trúc quét xuống lòng suối để xem nông cạn mà bước qua. Dưới suối bóng trăng lấp lóa, bước qua suối như đạp trăng mà đi. Đây không còn là thơ của thi nhân mà của thi tiên, người trời giáng xuống trần làm thơ.
Trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, hình tượng “mai” thật phong phú nhưng có nét chung là để chỉ những gì tốt đẹp, về dáng vẻ thanh nhã mảnh mai đài các của thiếu nữ: “Nét buồn như cúc điệu gầy như mai”; một bức thư mang tin vui: “Mở xem một bức tiên mai”; sự đoàn viên hạnh phúc: “Một nhà sum họp trúc mai”; một thiếu nữ xinh đẹp mảnh mai: “Gương lờ nước thủy, mai gầy vóc sương”; tin vào sự hài hòa viên mãn của trai tài gái sắc: “Chắc rằng mai trúc lại vầy”; chỉ người con gái đương thì vừa độ: “Quả mai ba bảy đương vừa”. Câu “Thờ ơ gió trúc mưa mai”, là nói về sự thờ ơ với duyên lành, với may mắn. Cũng không thật rõ cụ Nguyễn tả mai trắng hay mai vàng, có phần thiên về mai trắng nhiều hơn, như ở ẩn dụ “mai gầy vóc sương”.
Thế thì ngày trước ở miền Bắc nước ta đã có mai vàng chưa?
Giáo sư dược học nổi tiếng Đỗ Tất Lợi trong một bài báo có tên “Cây mơ, cây mai dưới con mắt người làm công tác khoa học” (1983) khẳng định: “Người Việt mới biết đến cây mai vàng khoảng 300 năm trở lại đây”. Dựa theo ý kiến này cùng sự phân tích công phu, nhiều người khẳng định hoa mai trong văn học trung đại Việt Nam là loài mai trắng, người Bắc thường gọi là hoa mơ, người Huế gọi là bạch mai, tuyết mai, hàn mai. Theo vậy thì hoa mai là hoa mơ (tên khoa học là Prunus mume S.et Z), cánh hoa nhỏ màu trắng, quả mai chính là quả mơ (ô mai). Còn hoa mai vàng (tên khoa học là Ochna integerrima) quen thuộc với đất phương Nam xứ nóng.
Nhưng thực tế lại đánh đổ mọi suy đoán và khẳng định
Năm 2007, người ta phát hiện cả một khu rừng bạt ngàn mai vàng ở Yên Tử. Có những cây mai cao đến 15 mét, đường kính thân 60-70cm, nhiều cành tỏa ra như những cánh tay hứng sương trời. Xuân về hoa nở tuyệt đẹp. Dù là “Đại lão mai” nhưng hoa không lớn, đường kính chỉ 2 - 3cm. Hoa 5 cánh màu vàng tươi, mùi thơm rất dễ chịu. Nghiên cứu của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho thấy, mai vàng Yên Tử với mai vàng miền Nam cùng một loài!
Thế là chúng ta từng có mai vàng xứ lạnh. Hẳn nhiên người ta có kế hoạch bảo vệ và nhân giống. Các nhà khoa học khẳng định giống mai vàng này đã có cách đây khoảng 800 năm.
Đấy là kiến thức khoa học. Nhìn vào lịch sử cũng thấy Hà Nội có quận Hoàng Mai, ngày xưa vốn là thái ấp của Thượng tướng quân Trần Khát Chân (đời Trần). “Hoàng Mai” là mai vàng. Phải chăng, từ đời Trần, Trần Khát Chân đã cho người đem mai từ Yên Tử về trồng ở đất Thăng Long!?
Thế là đã rõ, mai vàng đã có từ lâu, đủ để trở thành thi liệu trong thơ trung đại. Ta hiểu thêm vì sao hoa mai là nguồn thi hứng của nhiều thiền sư - thi sĩ thời Lý Trần. Ngoài gợi về hồn dân tộc, mai cũng mang sắc màu nhà Phật. Phải vậy chăng mà đầu xuân lên Yên Tử chiêm bái Phật hoàng Trần Nhân Tông sẽ thấy hình như mai vàng ở đây thanh khiết hơn mọi nơi khác.
Có một dấu nối tuyệt đẹp giữa Mãn Giác thiền sư - Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh, chỉ xét riêng ở hình tượng mai mà thôi. Cùng một đối tượng thẩm mỹ nhưng là ba miền ý nghĩa ở ba khoảng không thời gian: thơ Mãn Giác đậm sắc thiền, thơ Nguyễn Trãi vượt khỏi cái trần tục vươn tới cái cao cả, thơ Hồ Chí Minh vừa có thiền, vừa có tiên, vừa có cái khát khao đời thường về cái thái bình viên mãn.
Thơ Hồ Chí Minh có bài như thoát tục để vươn tới một thế giới “tiên”: “Hai mươi tư tháng sáu/ Lên ngọn núi này chơi/ Ngẩng đầu mặt trời đỏ/ Bên suối: một nhành mai” (Lên núi). Tháng sáu nhưng trên núi, trời lạnh, mai vẫn nở. Hiểu theo lối tiểu đối trong thơ, rất có thể ở đây là mai trắng. Có rất nhiều câu trong trẻo tinh khiết lạ thường: “Quy lai ngẫu quá sơn mai thụ/ Mỗi đóa hoàng hoa nhất điểm xuân” (Đường về chợt gặp cây mai núi/ Mỗi đóa hoa vàng một nét xuân (Tìm bạn không gặp). “Hoàng hoa” là hoa vàng, đây là hoa mai vàng. Trong nhà thơ Hồ Chí Minh có bóng dáng vị thiền sư thoát tục, có một thi nhân và có cả tâm hồn của một lão nông bình dân thuần hậu yêu bạn bè, say thiên nhiên.
Bài viết xin đưa ra một kết luận: “Từ thuở mang gươm đi mở nước”. Cha ông ta không chỉ mang gươm, với tâm hồn nghệ sỹ, mang theo cả mai vàng Yên Tử vào đất phương Nam. Theo năm tháng, hợp tình người, hợp phong thủy, mai vàng thành biểu trưng mùa xuân. Nhưng thẳm sâu trong biểu tượng ấy là nỗi lòng nhớ về đất tổ cố hương ngoài Bắc!
Chỉ là suy nghĩ cá nhân. Rất mong được bạn đọc góp bàn!
Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/hoa-mai-bach-mai-hoang-mai-583521/