Họa sĩ Đặng Ái Việt và 'Cuộc hành trình nét thời gian'

“Năm 1994, khi Nhà nước ra quyết định phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng cũng là lúc tôi và chồng mình - NSND Phạm Khắc nảy sinh ý nghĩ vẽ ký họa chân dung về các mẹ. Thế nhưng, sau đó chồng tôi qua đời, nên mãi đến năm 2010, tôi mới thực hiện được dự định của mình” - đó là chia sẻ của nữ họa sĩ Đặng Ái Việt khi kể về cơ duyên cho hành trình thực hiện những chuyến đi xuyên suốt 63 tỉnh, thành để vẽ chân dung các Mẹ Việt Nam Anh hùng, qua đó thể hiện sự tri ân sâu sắc với đồng đội, Tổ quốc.

Họa sĩ Đặng Ái Việt với niềm hạnh phúc bên Mẹ Việt Nam Anh hùng

Họa sĩ Đặng Ái Việt với niềm hạnh phúc bên Mẹ Việt Nam Anh hùng

Vẽ theo tiếng gọi trái tim

Nhỏ nhắn, nhanh nhẹn và có phần mạnh mẽ, dứt khoát... đó là ấn tượng của không ít người khi lần đầu gặp nữ họa sĩ Đặng Ái Việt.

Là người con của miền sông nước Tiền Giang, cuộc đời họa sĩ Đặng Ái Việt gắn bó với cuộc chiến tranh chống Mỹ rất khốc liệt. Bà tham gia chiến đấu ở quê hương Mỹ Tho khi mới 15 tuổi.

Trong nhiều cuộc chiến đấu, nữ chiến sĩ Đặng Thị Bông (tên khai sinh của họa sĩ) đã cầm súng đánh giặc càn và tiêu diệt lính Mỹ. Có những trận, bà cùng đồng đội đánh tan cả đoàn xe tăng địch.

Ở tuổi 18, Đặng Thị Bông được phong danh hiệu "Dũng sĩ diệt Mỹ" và "Dũng sĩ diệt xe cơ giới". Quả là điều bất ngờ trong bản lý lịch đầy sắc màu lãng mạn của nữ họa sĩ này, bởi sau đó, Đặng Thị Bông được điều về Đoàn văn công Giải phóng và trở thành ca sĩ. Bà có giọng hát hay và cùng biểu diễn với Tô Lan Phương một thời rực lửa.

Nhưng bước ngoặt lớn trong đời khi Đoàn Thị Bông bất ngờ tham gia lớp học hội họa được tổ chức tại chiến khu R (1964). Từ đó, những bức ký họa chiến tranh bắt đầu mang tên Đặng Ái Việt.

Kể về hành trình hơn 10 năm rong ruổi khắp nơi để vẽ Mẹ Việt Nam Anh hùng của mình, họa sĩ Đặng Ái Việt chia sẻ: "Năm 1994, Nhà nước có chủ trương tổ chức tri ân các Mẹ Việt Nam Anh hùng. Cục Người có công (Bộ LĐTB&XH) cho biết trên cả nước có khoảng 50.000 Mẹ Việt Nam Anh hùng. Điều này đã thôi thúc tôi cùng chồng mình là NSND Phạm Khắc ấp ủ thực hiện dự án sáng tác chân dung thuộc đề tài nhân chứng lịch sử”.

Mọi công việc bắt tay vào thực hiện dự án đã được nữ họa sĩ chuẩn bị chu đáo. Thế nhưng, năm 2007, chồng bà là đạo diễn, NSND Phạm Khắc - cha đẻ của bộ phim Mê Kông ký sự qua đời. Với bà, sự ra đi của chồng là nỗi mất mát quá lớn. Phải mất vài năm sau, nỗi đau riêng dần nguôi, bà mới quyết tâm thực hiện ước mơ và đây cũng là thực hiện một lời hứa với người chồng, người đồng đội của bà.

Cứ thế, họa sĩ Đặng Ái Việt đi tới mọi miền quê với đồng lương hưu và không nhận bất cứ một sự đóng góp, ủng hộ nào. Theo thời gian, những bức tranh Mẹ Việt Nam Anh hùng của họa sĩ Đặng Ái Việt được hoàn thành đã chạm đến cảm xúc sâu lắng của các mẹ. Từng nếp nhăn được chau chuốt kỹ lưỡng với ánh mắt đau đáu đã để lại dấu ấn mạnh mẽ với người xem. Điều kỳ diệu ẩn sâu trong mỗi bức tranh chân dung mỗi bà mẹ là những câu chuyện riêng biệt...

Chia sẻ về thủ pháp ký họa của mình, học sĩ Đặng Ái Việt cho biết: “Cái tôi vẽ không phải là gương mặt của các mẹ mà là linh hồn của họ. Nếu con của các mẹ là anh hùng thì họ lại mang số phận bi hùng. Trong lòng họ có sự hiên ngang nhưng cũng có sự đau đớn bởi đã mất đi đứa con do mình rứt ruột đẻ ra. Nỗi đau đó được ghi khắc trên từng nét mặt, gò má qua thời gian. Công việc của tôi là thể hiện chúng qua từng lớp vẽ chồng lấp lên nhau trên trang giấy và truyền lại cho thế hệ mai sau”.

Hành trình trên quê hương Vĩnh Phúc

“Tính đến thời điểm trước tháng 7/2022, tôi đã vẽ được hơn 2 nghìn bức chân dung Mẹ Việt Nam Anh hùng. Tại Vĩnh Phúc, tôi đã tới đây 1 lần cách đây hơn 10 năm, trong chuyến đi ấy, tôi chỉ kịp vẽ chân dung của 6 Mẹ Việt Nam Anh hùng. Đó là động lực thôi thúc tôi quyết tâm thực hiện cho hành trình trở về lần này.

May mắn cho tôi là cả chuyến đi khắp 9 địa phương trong tỉnh với sự giúp đỡ nhiệt tình của lãnh đạo các cấp, Sở LĐ-TB&XH, 20 bức tranh về 20 Mẹ Việt Nam Anh hùng đã được hoàn thành trong khoảng thời gian hơn nửa tháng.

Khi được hỏi người Mẹ Việt Nam Anh hùng nào đáng nhớ nhất trong cuộc hành trình tại Vĩnh Phúc lần này của bà, họa sĩ Đặng Ái Việt đã không thể trả lời. Bà cho rằng, bất cứ người mẹ nào cũng đau xót khi mất con, nên mọi so sánh đưa ra đều khập khiễng. “Nếu bạn muốn biết Mẹ Việt Nam Anh hùng nào mất nhiều con nhất hay mẹ tên gì, ở đâu… tôi có thể trả lời, nhưng với tôi, mỗi người mẹ đều có một câu chuyện và họ đều là những người hùng của đất nước” - họa sĩ cho biết.

Đưa tôi xem chân dung các Mẹ Việt Nam Anh hùng vừa vẽ tại Vĩnh Phúc, những khuôn mặt nhăn nheo, có mẹ đôi mắt đã mờ vì khóc thương nhớ con nhưng qua bút lực của bà, những bức chân dung như có linh hồn, phảng phất nỗi buồn nơi mà trong mỗi trái tim của các mẹ hiện hữu hình ảnh những đứa con đã ra đi mãi mãi không về.

Trong câu chuyện của mình, họa sĩ Đặng Ái Việt chia sẻ, bà đã không hối hận khi chọn công việc này, bởi gia tài để lại cho đời là nguồn tư liệu quý. Niềm hạnh phúc của bà là được thay mặt các chiến sĩ đã hy sinh đến tận nơi ôm các mẹ vào lòng.

Tác phẩm bà vẽ cũng vì thế không đơn giản chỉ là đặc tả khuôn mặt các mẹ, mà còn gửi gắm vào ánh mắt, nụ cười, linh hồn của các mẹ. Không ai chỉ đạo, cũng chẳng ai phân công, trên hết là tinh thần tự nguyện, sự mách bảo của con tim nên bà quyết liệt, dù hạn chế về sức khỏe, nhưng niềm tin của bà vẫn luôn cháy bỏng.

Công việc vẽ hàng nghìn chân dung các Mẹ Việt Nam Anh hùng của họa sĩ Đặng Ái Việt được dư luận đánh giá cao. Đó là sự tiếp nối cuộc trường chinh vạn dặm của người chiến sĩ năm xưa. Họa sĩ đã đi qua 63 tỉnh, thành với những chuyến đi gian khổ. Nhiều cuộc triển lãm đã trưng bày chân dung các mẹ do bà thực hiện vào những dịp kỷ niệm quan trọng.

Hiện nay, Bảo tàng Quân khu 7 và Bảo tàng Hội LHPN Việt Nam lưu giữ hàng trăm tác phẩm của họa sĩ Đặng Ái Việt. Đồng thời, gần đây đã có một Website "Chân dung Mẹ Việt Nam Anh hùng" công bố 2.000 bức tranh do chính bà tuyển chọn.

"Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi trong chuyến đi này là hoàn thành bức tranh thứ 2.500 về các Mẹ Việt Nam Anh hùng khi vẽ mẹ Hoàng Thị Hiên, sinh năm 1922 ở thị trấn Đạo Đức, huyện Bình Xuyên. Nhưng cũng rất áy náy khi không thể gặp và vẽ lại chân dung của mẹ Lê Thị Bôi, sinh năm 1932 ở xã Lũng Hòa, huyện Vĩnh Tường vì mẹ đang điều trị ở bệnh viện. Tôi tự hứa với lòng mình sẵn sàng quay lại Vĩnh Phúc bất cứ lúc nào để hoàn thành tâm nguyện ấy" - họa sĩ Đặng Ái Việt chia sẻ.

Sự lao động đầy miệt mài và chan chứa tình nhân ái mà họa sĩ Đặng Ái Việt thực hiện quả là hiếm có. Mới đây, bà là 1 trong 5 gương mặt nữ được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng lao động" và bà là nữ họa sĩ đầu tiên được phong danh hiệu cao quý này.

Dù đã hơn 70 tuổi, nhưng hành trình của nữ họa sĩ Đặng Ái Việt vẫn chưa dừng lại trên những nẻo đường xa xôi, bởi ở mọi miền quê, các Mẹ Việt Nam Anh hùng đang chờ bà tới...

Những “nét vẽ thời gian” của họa sĩ Đặng Ái Việt trong hành trình vẽ chân dung các Mẹ Việt Nam Anh hùng tại Vĩnh Phúc

Bài, ảnh: Thiệu Vũ

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/phong-su-ghi-chep/81363/hoa-si-dang-ai-viet-va-%E2%80%9Ccuoc-hanh-trinh-net-thoi-gian%E2%80%9D.html