Họa sĩ Đào Anh Thơ: Tôi sốc với… chính tôi

Đào Anh Thơ sinh năm 1989 tại Hà Nội trong một gia đình có bề dày nghệ thuật. Mẹ cô là họa sĩ Bùi Mai Hiên, cha là nghệ sĩ trình diễn Đào Anh Khánh. Anh Thơ chia sẻ, 31 năm qua cô dành thời gian để học tập, làm việc trong lĩnh vực tài chính ở một số quốc gia như Mỹ, Úc, Nhật Bản... và chưa bao giờ nghĩ tới việc một ngày nào đó sẽ nối gót cha mẹ trở thành nghệ sĩ...

Không nằm trong bất kỳ trường phái nào đã được định nghĩa

- Phóng viên: Sau nửa năm chào sân hội họa với triển lãm đầu tay mang tên “MetaReverse - Tái sinh” (trưng bày 17 tranh sơn mài, 17 bức phác thảo bằng bút bi, 6 bài thơ, 6 bài hát tự sáng tác - PV), chị lại đem đến bất ngờ khi trở lại với cuộc triển lãm thứ hai “Ameriaca Now” . Lần này, ngoài 22 bức tranh bút bi thì còn có 1 tranh sơn mài kích cỡ “khủng”, nặng gần 250kg. Chị có thể chia sẻ thêm về ý tưởng này của mình không?

- Họa sĩ Đào Anh Thơ: Thật ra 22 bức tranh bút bi mà tôi giới thiệu trong cuộc triển lãm này được sáng tác từ tháng 5-2023, trong lần quay trở lại nước Mỹ. Tôi nghĩ sẽ thực hiện một series khoảng 66 tác phẩm lớn dựa trên những quan sát, cảm nhận về những vùng đất, quốc gia mà tôi từng đặt chân qua. Thực hiện một cách từ từ, chắc mất khoảng 10 năm. Thế rồi mong muốn đó của tôi bắt đầu thành hiện thực. Tôi luôn ấp ủ thực hiện những tác phẩm tranh sơn mài khổ lớn để có thể được thỏa sức sáng tạo, bay bổng. Nhưng phải thú thực là “cuộc chơi” không dễ dàng chút nào, bởi từ ý tưởng, bản vẽ phác thảo tới hiện thực, là cả một chặng đường gian khó. Trong số 22 bức phác thảo lần này, tôi chọn tác phẩm với tên gọi “Who got louder speaker?” (tạm dịch: “Loa của ai to hơn?”) để hiện thực hóa thành bức sơn mài khổ lớn 360cm x 480cm, nặng gần 250kg. Tôi sáng tác nó ở khu dân nhập cư Bushwick (New York, Mỹ), khi xung quanh diễn ra lễ hội âm nhạc rộn rã cả ngày lẫn đêm. Vốn nhạy cảm với âm nhạc, tôi thấy như có nguồn năng lượng cần được giải tỏa và cầm bút vẽ trong tâm trạng rất xúc động.

- Quá trình thực hiện bức tranh, khó khăn lớn nhất mà chị gặp phải là gì?

- Theo tôi được biết, ở Việt Nam gần như chưa có ai làm tranh sơn mài khổ lớn như vậy. Với kích thước đó, việc đặt vóc rất khó khăn. Tôi thuyết phục, đặt hàng và chờ đợi 3 tháng mới có vóc như ý muốn. Có vóc rồi, nhìn bức tranh khổ lớn như vậy, chính tôi còn hoang mang chưa biết bắt đầu từ đâu. Trong loạt tranh của series “America Now”, tôi có phần nào ảnh hưởng từ họa sĩ Jackson Pollock (họa sĩ nổi tiếng thế giới, sáng tạo ra cách ném và nhỏ trực tiếp sơn men pha loãng lên một tấm vải). Tôi cứ thực hiện từng bước, từng bước một, và hiện đã có bức tranh đầu tiên để ra mắt công chúng. Đây là bước đi đầu tiên trong giấc mơ có 22 tác phẩm khổ lớn và một không gian nghệ thuật kiến trúc kết hợp điêu khắc khác lạ để bảo tồn chúng. Dù khó khăn, nhưng tôi nghĩ, cứ đi thì sẽ đến. Tôi có niềm tin mãnh liệt vào sứ mệnh của bản thân khi làm nghệ thuật.

- Dòng tranh trừu tượng không phải ai xem cũng hiểu, cũng cảm nhận được cái hay, cái đẹp mà họa sĩ gửi gắm. Chị kỳ vọng gì khi thực hiện một tác phẩm vừa kỳ công, vừa tốn kém như vậy?

- Dòng tranh trừu tượng không phải ai xem cũng hiểu, cũng cảm nhận được cái hay, cái đẹp mà họa sĩ gửi gắm. Chị kỳ vọng gì khi thực hiện một tác phẩm vừa kỳ công, vừa tốn kém như vậy?

- Mong muốn của tôi là giới thiệu đến công chúng một tác phẩm rất đặc biệt trong một hệ thống tác phẩm đồ sộ. Tôi từng nhắc tới điều này trước đây, tôi đang dần dần biến giấc mơ thành hiện thực. Một tác phẩm hội họa thì phải ngắm nhìn trực tiếp mới cảm nhận được. Tôi muốn dành tặng công chúng, những người yêu hội họa, yêu cái đẹp thực sự. Cuộc sống của chúng ta có thể đang rất bận rộn, bộn bề, chúng ta có nhiều thứ phải lo toan. Tôi muốn tạo ra một góc nào đó, một bức tranh đẹp, một địa điểm đẹp, một câu chuyện đẹp... để mọi người có những khoảnh khắc, cảm xúc đẹp, như vậy là vui rồi. Với tôi thì đây cũng là một tác phẩm đặc biệt. Nhiều họa sĩ tên tuổi vốn là bạn của bố mẹ tôi khi xem tác phẩm cũng bày tỏ sự kinh ngạc. Trừu tượng là vô hình, vô bóng, vô nét. Nhưng tranh của tôi có câu chuyện, có nét, có hình. Series số 1 có truyện, có thơ, có nhạc. Series mới thuộc dòng tranh ý niệm, trừu tượng vì không thể cắt nghĩa, nhưng cũng không nằm trong bất kỳ trường phái nào đã được định nghĩa.

Đúng thời điểm thì mọi thứ mới nở hoa

- Cha của chị có ảnh hưởng gì đến phong cách sáng tác của chị không? Ông cảm nhận thế nào về các tác phẩm chị đã vẽ?

- Các sáng tác của tôi chắc chắn có ảnh hưởng của bố. Bố không góp ý, chỉ khen tác phẩm đẹp, và ông tự nhận là “fan” lớn của tôi (cười). Tôi thực sự cảm ơn bố vì ông ủng hộ tôi từ những nét vẽ đầu tiên, cho tôi động lực. Khi có những tác phẩm hoàn chỉnh rồi, ông vẫn không ngừng động viên con gái. Có lẽ khi sáng tác hội họa, tôi ảnh hưởng đường nét từ bố vì ông là nghệ sĩ đa năng, từ trình diễn, hội họa, kiến trúc, đến âm nhạc… đó là sự vận hành của chuyển động. Đường nét trong tranh tôi là sự chuyển động. Còn về màu sắc thì có lẽ tôi ảnh hưởng từ mẹ. Khi còn nhỏ, tôi đã ngắm mẹ vẽ tranh sơn mài và có lẽ nó đã ngấm vào máu tự khi nào. Thế giới tranh sơn mài của mẹ tôi sâu lắm, tầng tầng lớp lớp, vô biên ảo ảnh, nên tôi đã bị hút vào thế giới đó từ khi mới sinh ra.

- 32 tuổi chị mới bắt đầu bén duyên với hội họa, bố mẹ chị phản ứng ra sao?

- Bố mẹ tôi đều rất hạnh phúc khi thấy tôi theo nghề. Nhưng khi tôi biết mình mê vẽ thì người sốc nhất lại là… chính tôi (cười). Bạn thử tưởng tượng, 32 tuổi, một ngày bạn ngủ dậy và nhận thấy mình sinh ra để làm nghệ thuật, dù trước đó chẳng mảy may nghĩ đến vẽ vời, đàn hát. Bỗng chốc bạn biến thành một người khác. Ban đầu tôi sốc, nhưng sau tôi thấy đây logic của cuộc sống. Đến thời điểm đó mới đủ duyên để mọi thứ nở hoa sau khi trải qua đủ cay đắng, ngọt bùi. Cuộc sống của tôi trước đây lên lên xuống xuống như đồ thị hình sin. Có những giai đoạn nhung lụa trong ngôi trường đại học danh giá bậc nhất nước Mỹ, rồi lại có những giai đoạn đi rửa bát, lao động chân tay để lo trả tiền học phí ở Úc. Sau đó lại làm nhân viên kiểm toán cao cấp, nhận mức lương bạc tỷ cho Deloitte ở Melbourne. Ngay cả khi trở về Việt Nam, khi cùng bố làm Festival nghệ thuật “Đáo Xuân 9” và bị lỗ gần chục tỷ, tôi đã phải đi vay. Đó là quãng thời gian thật sự khó khăn. Nhìn lại, việc trải nghiệm nhiều, đi khắp nơi cho tôi chất liệu để vẽ. Tôi nghĩ đây là thời điểm tôi đón nhận được nguồn năng lượng lớn. Và mọi thứ diễn ra trong quá khứ đều là món quà, là chặng đường mà tôi phải đi qua. Tôi biết ơn những trải nghiệm dù tốt hay chưa tốt.

- Tranh của chị có giá bán không rẻ và chị cũng không có ý định giảm giá, vì sao vậy? Liệu đó có phải là một sự “chơi ngông”?

- Một dự án nghệ thuật của tôi chi phí rất lớn. Vì thế, nói thật là tôi rất cần tiền. Không phải tôi không cần bán tranh, mà tôi không muốn đặt nặng việc đó để có thể tập trung làm nghệ thuật. Việc bán tranh đến với tôi thường là duyên. Tôi chưa đặt mục tiêu phải bán bao nhiêu bức, hay phải kết nối với người này người kia. Tôi nghĩ, người bỏ tiền ra sở hữu một bức tranh là người yêu nghệ thuật thực sự. Có yêu thì họ mới mua. Và tác phẩm cũng phải được bán với mức giá xứng đáng. Tôi không muốn bán tranh của mình với giá rẻ bởi tôi quá yêu chúng. Khi chia tay bức đầu tiên, tôi khóc như một đứa trẻ. Có yêu tranh thì tôi mới sáng tác được những tác phẩm như vậy. Với tôi, tác phẩm đẹp không phải tự dưng nó đẹp, mà bởi người nghệ sĩ đã dồn hết tình yêu vào đó. Đấy là năng lượng, là sinh mệnh của họ. Có một điều may mắn là thời điểm này tôi vẫn có thể nuôi được đam mê của mình. Tôi đã bán được 4 bức trong series đầu tiên, đó là nguồn để giúp tôi duy trì. Thời gian đầu, tôi cũng được bố mẹ hỗ trợ. Sống với nghệ thuật rất đơn giản. Tôi nghĩ, gọi đó là một sự hy sinh thì đúng hơn, chứ không phải “ngông”.

- Xin cảm ơn những chia sẻ cởi mở của chị!

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/hoa-si-dao-anh-tho-toi-soc-voi-chinh-toi-post579063.antd