Họa sĩ Lê Trang: 'Tôi đã vẽ như một đứa trẻ'

'Suốt 3 năm qua, tôi đã vẽ như một đứa trẻ, chỉ với hy vọng viết tiếp giấc mơ còn dang dở ngày thơ ấu', họa sĩ Lê Trang, đại diện duy nhất của Việt Nam tham dự triển lãm tôn vinh cộng đồng nghệ sĩ nữ thế giới, chia sẻ.

 Họa sĩ Lê Trang

Họa sĩ Lê Trang

Họa sĩ Lê Trang vừa trở về từ London (Anh), sau triển lãm quốc tế "Art Collective: From the One to the Many" (tạm dịch: Nghệ thuật tập thể, từ một đến nhiều), diễn ra tại Bảo tàng Nghệ thuật Saatchi Gallery vào trung tuần tháng 9/2024.

Cô chuẩn bị bay sang Ý khi là đại diện duy nhất của Việt Nam có tranh trưng bày trong triển lãm Let Us Hear HER VOICE (tạm dịch: Hãy để chúng tôi lắng nghe tiếng nói của cô ấy), dự kiến diễn ra tại Isolart Gallery từ ngày 5 đến 9/10.

Đây là triển lãm tôn vinh cộng đồng nghệ sĩ nữ đến từ nhiều nơi trên thế giới. Tiếp đó, cô tham gia The Ventesima Giornata del Contemporaneo - Ngày Nghệ thuật đương đại lần thứ 20 với chủ đề "INSIDE" do Isolart Gallery đồng tổ chức tại khu vực Florence (Ý) từ ngày 12 đến 18/10/2024.

Sự kiện trong khuôn khổ Ngày Nghệ thuật đương đại do Hiệp hội Bảo tàng Nghệ thuật đương đại Ý tổ chức với sự hỗ trợ của Bộ Văn hóa, Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Ý.

Tại 2 triển lãm quốc tế này, họa sĩ Lê Trang sẽ giới thiệu bức tranh Home on the Pond (tạm dịch: Tổ ấm trên ao). Lấy cảm hứng từ hành động dệt tổ của các chú chim Dòng dọc - các "kiến trúc sư" bậc thầy của tự nhiên chỉ có ở Việt Nam và một số nước nhiệt đới.

Home on the Pond là một trong những bức tranh nổi bật thuộc bộ sưu tập Home của Lê Trang, được nữ họa sĩ vẽ vào năm 2023.

Họa sĩ Lê Trang bên bức tranh “Home on the Pond”

Họa sĩ Lê Trang bên bức tranh “Home on the Pond”

Họa sĩ Lê Trang đã có những chia sẻ với báo PNVN:

"Nhà là nơi bình yên nhất"

+ Chị có thể nói về bức tranh "Home on the Pond" sẽ được trưng bày tại 2 triển lãm ở Ý trong tháng 10 tới?

Tôi không chắc mình là họa sĩ duy nhất khai thác chủ đề này nhưng quả thật, tôi xem Home - qua hình tượng những chú chim và tổ chim Dòng dọc - là một nội dung rất quan trọng trong tư duy hội họa của tôi bây giờ và kể cả về sau.

Qua bộ tranh Home, chim và tổ chim Dòng dọc châu Á trở thành một ẩn dụ cho khái niệm về Tổ ấm. Những "kiến trúc sư" của thiên nhiên này đã dệt tổ với tất cả tình yêu và sự tinh tế, tạo ra "ngôi nhà" mang trong nó ý nghĩa sâu sắc hơn nhiều so với nhu cầu của chúng về một nơi thân thuộc, một nơi để trở về.

Từ đó, định nghĩa về Home đã có bước tiến hóa. Nó vượt xa khung cảnh truyền thống của một gia đình với vợ, chồng và con cái, không còn bị ràng buộc bởi tư tưởng cổ xưa mà trở thành một hiểu biết, một khái niệm mang tính cá nhân.

Đối với tôi, Home on the Pond nói riêng, bộ sưu tập Home nói chung, không chỉ là một trải nghiệm về cách sử dụng họa sắc, mà còn đánh dấu sự trưởng thành về mặt cảm xúc.

Kỹ năng, kỹ thuật, kiến thức cần thiết để pha trộn màu sắc, hiểu logic của bố cục hay lựa chọn chủ đề đều là những yếu tố rất quan trọng trong hội họa, nhưng chúng không phải là điều làm cho một họa sĩ trở nên khác biệt.

Bản chất thực sự của hội họa nằm ở cảm xúc mà họa sĩ trải qua trong quá trình sáng tạo, trước, trong và sau khi hoàn thành bức tranh.

Tranh của Lê Trang trưng bày tại Bảo tàng nghệ thuật Saatchi Gallery

Tranh của Lê Trang trưng bày tại Bảo tàng nghệ thuật Saatchi Gallery

Vì thế, kể cả khi bức tranh đã hoàn thành, cảm xúc và trải nghiệm đó cũng không hề biến mất. Chúng vẫn còn ở trong tác phẩm, chờ đợi người xem khám phá, thấu cảm.

Hướng tới sự sáng tạo trong tự do thuần khiết

+ Nghe nói chị vốn không phải là "dân" hội họa gốc?

Đúng vậy. Tôi tốt nghiệp Thạc sĩ ngành quản trị kinh doanh của RMIT.

+ Ồ, điều gì đã đưa chị đến với hội họa vậy?

Đầu năm 2022, tôi bắt đầu cầm cọ đặt lên canvas. Từ đó, tôi đã miệt mài vẽ trong suốt 3 năm, cho dù, cuộc sống riêng - chung không thiếu những lo toan. Bây giờ nhìn lại, nhiều bạn bè và cả người thân đều thắc mắc về nguồn cảm hứng để tôi bắt đầu sự nghiệp này ở độ tuổi không còn trẻ.

Tôi nhớ về ấu thơ của tôi, về cô bé lên 5 tuổi nguệch ngoạc nét vẽ hồn nhiên trong những cuốn sổ nhỏ. Tôi nhớ về các bức tranh đã níu giữ ánh mắt rồi đọng lại rất lâu trong tâm hồn tôi của danh họa Claude Monet, người tôi xin phép được gọi là Thầy.

Tôi nhớ về những khoảnh khắc ngắm nhìn các con của mình vẽ. Chứng kiến những đứa trẻ say sưa vẽ giống như được nhìn thấy sự sáng tạo thuần khiết, không bị lọc qua bất cứ lăng kính nào.

Đôi bàn tay nhỏ bé của con di chuyển tự do, không phải chịu gánh nặng bởi sự hoàn hảo hay nỗi lo bị phê bình. Đó là một lời nhắc nhở về ý nghĩa của việc thực sự đắm mình trong khoảnh khắc sáng tạo vì niềm vui chứ không phải vì sự công nhận hay đánh giá.

Sự sáng tạo không bị ràng buộc này đã chạm vào trái tim tôi, khích lệ tôi buông bỏ những áp lực tự mình mang vác, để quay trở lại với trạng thái trẻ thơ ấy, khi vẽ. Suốt 3 năm qua, tôi đã vẽ như một đứa trẻ, chỉ với hy vọng viết tiếp giấc mơ còn dang dở ngày thơ ấu.

+ Điều gì đã khiến chị mạnh dạn mở triển lãm cá nhân đầu tiên vào đầu tháng 10 tới? Chị có thể chia sẻ rõ hơn về triển lãm của mình?

Chính lời mời đến từ các triển lãm quốc tế nêu trên đã tiếp thêm động lực để tôi giới thiệu các tác phẩm của mình với người yêu hội họa trong nước.

Triển lãm cá nhân đầu tiên của tôi với tên gọi "Trang và Tranh" sẽ diễn ra tại Park Hyatt Saigon (TPHCM) từ ngày 11 đến 13/10/2024. Bốn bộ sưu tập trưng bày tại triển lãm là MOTHERHOOD, HOME, STILL-FILE, HUE HERITAGE (tạm dịch: Làm mẹ, Tổ ấm, Tĩnh vật, Di sản Huế) đều có một màu chủ đạo.

Đó là tôn vinh những giá trị truyền thống đậm bản sắc Việt, đặc biệt, tôn vinh vẻ đẹp "mai cốt cách tuyết tinh thần" của phụ nữ Việt Nam. Ngoài trưng bày tranh nghệ thuật, triển lãm có kết hợp trải nghiệm nghệ thuật đa giác quan (Immersive Art Experience).

+ Xin cảm ơn chị!

Hương Thu (Thực hiện)

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/hoa-si-le-trang-toi-da-ve-nhu-mot-dua-tre-20241003164626331.htm