Họa sỹ Trần Khánh Chương - Người nặng lòng với mỹ thuật các địa phương

Tôi biết ông đã lâu. Từ những năm 90, khi ông lên Tuyên Quang, tôi đã được đưa ông đi ngắm sông Lô, uống cà phê thành cổ. Trong câu chuyện tâm tình ông thường nói về sự thiệt thòi của các họa sỹ địa phương, những họa sỹ sau khi ra trường thường chỉ quanh quẩn với những công việc sự vụ như kẻ vẽ pano, dạy học... mà mai một dần chuyên môn của hàng chục năm học tập. Nhiều tài năng về địa phương bị thui chột do thiếu nơi giao lưu học hỏi, cọ xát chuyên môn.

Thời kỳ đó rất hiếm việc các địa phương tổ chức được triển lãm mỹ thuật. Giới mỹ thuật cả nước chỉ trông chờ vào Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc 5 năm tổ chức một lần. Có tranh lọt vào triển lãm là điều cực khó, tác phẩm phải vượt qua sự cạnh tranh của họa sỹ cả nước, trong đó có các trung tâm nghệ thuật lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Thông thường sau vài lần “trượt” như thế, thời gian cũng đã mất cả chục năm, các họa sỹ thường buông bút, không còn đeo đuổi con đường nghệ thuật nữa.

Triển lãm mỹ thuật khu vực hàng năm do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức ra đời có sự đóng góp không nhỏ của ông. Triển lãm đã đáp ứng được mong mỏi của các họa sỹ địa phương, nhất là các tỉnh miền núi. Cơ hội được mở ra nhiều hơn cho các họa sỹ địa phương, hàng năm họ đã có một sân chơi với tính chuyên nghiệp cao, có điều kiện để trao đổi học tập.

Họa sỹ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam chúc mừng triển lãmMỹ thuật Tuyên Quang tại Hà Nội, tháng 5 năm 2009.

Qua 24 năm tổ chức triển lãm Mỹ thuật, nhiều tài năng nghệ thuật đã được phát hiện, bồi dưỡng trở thành các tác giả có uy tín. Giờ đây, gần như quanh năm ông cùng với Hội Mỹ thuật Việt Nam rong ruổi khắp ba miền đất nước để tổ chức chấm giải, khai mạc các triển lãm mỹ thuật của 8 khu vực. Triển lãm mỹ thuật khu vực đã tạo ra không khí sôi động của giới mỹ thuật trong cả nước, góp phần đem mỹ thuật đến gần hơn với nhân dân nhất là các tỉnh miền núi xa xôi.

Với Tuyên Quang, được sự giúp đỡ của ông và Hội Mỹ thuật Việt Nam đã tổ chức thành công Triển lãm mỹ thuật khu vực lần thứ 16, tạo ra một bước tiến mạnh mẽ cho mỹ thuật tỉnh nhà.

Lần nào lên Tuyên Quang dù là đi công tác hay giúp đỡ Hội VHNT tỉnh tổ chức trại sáng tác, ông đều đến từng nhà các họa sỹ để tìm hiểu điều kiện sáng tác, cách thức làm việc của anh em để động viên, giúp đỡ. Trong một lần lên Tuyên Quang, ông đến thăm họa sỹ Văn Làn tại nhà riêng. Trò chuyện, ông biết họa sỹ Văn Làn lúc đó tuổi đã cao, nhưng hàng ngày vẫn cùng vợ trồng hoa để trang trải thêm cuộc sống. Trước lúc ra về ông đã chọn một bức tranh nhỏ của họa sỹ Văn Làn, đề nghị được mua. Họa sỹ Văn Làn vô cùng bối rối. Ông không quen với việc bán tranh và ngỏ ý muốn tặng bức tranh đó. Họa sỹ Trần Khánh Chương xin được mua tác phẩm và trân trọng trao cho họa sỹ Văn Làn mấy tờ đô la. Mọi người vô cùng xúc động. Họa sỹ Văn Làn run run thốt lên: Chưa bao giờ được cầm đồng đô la, chưa biết tiền tây như thế nào.

Đây là cách họa sỹ Trần Khánh Chương thường làm để giúp đỡ các họa sỹ ở địa phương. Sau lần đó, họa sỹ Văn Làn như được tiếp thêm sức, như trẻ lại, giúp ông sáng tác thêm nhiều tác phẩm đẹp.

Lần cuối tôi gặp ông là trong Đại hội Hội Mỹ thuật Việt Nam tháng 12 năm ngoái. Lúc đó ông đã bị bệnh nặng. Khi gặp ông ở hành lang Đại hội, tôi thấy ông vẫn mặc nguyên quần áo bệnh viện. Ông bảo vừa ở viện về. Nhìn ông người gầy, xanh do vừa mổ, chưa cắt chỉ đã trốn viện về lo chỉ đạo điều hành đại hội; ai cũng lo lắng, ái ngại cho sức khỏe của ông.

Chỉ cần hình ảnh ấy thôi, chỉ như thế thôi, đã thấy hết tấm lòng và trách nhiệm của họa sỹ Trần Khánh Chương với công việc.

Họa sỹ Trần Khánh Chương vừa chia tay cõi tạm trong niềm tiếc thương vô hạn của văn nghệ sỹ cả nước và mọi người luôn nhớ đến ông với những cống hiến trọn đời cho Mỹ thuật Việt Nam.

Mai Hùng(Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh)

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/van-hoa/hoa-sy-tran-khanh-chuong-nguoi-nang-long-voi-my-thuat-cac-dia-phuong-131547.html