Hoàn chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô

Tại hội nghị Thường trực Thành ủy diễn ra ngày 25-2, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ đánh giá: Quy hoạch phân khu (QHPK) đô thị sông Hồng đã có bước tiến lớn sau thời gian dài lâm vào bế tắc. Còn với khu vực nội đô lịch sử, sau gần 10 năm chờ đợi sẽ có QHPK làm căn cứ để vừa bảo tồn những giá trị văn hóa, lịch sử, vừa thực hiện mục tiêu xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn đã chia sẻ với phóng viên Báo Hànôịmới về mục đích, ý nghĩa của các đồ án QHPK đô thị quan trọng này.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn.

- Xin đồng chí cho biết các đồ án QHPK nội đô lịch sử có ý nghĩa như thế nào đối với việc phát triển Thủ đô?

- Cụ thể hóa định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là QHCHN 2030) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26-7-2011, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn lập, thẩm định, trình phê duyệt các đồ án QHPK đô thị trên địa bàn thành phố, trong đó có 6 đồ án QHPK đô thị tại 4 quận nội đô lịch sử: Hoàn Kiếm H1-1 (A,B,C), Ba Đình H1-2; Đống Đa H1-3, Hai Bà Trưng H1-4.

Giai đoạn trước khi đồ án QHCHN 2030 được duyệt, việc quản lý quy hoạch xây dựng, đất đai và dự án đều được thực hiện theo quy hoạch chi tiết các quận được thành phố phê duyệt thời điểm năm 2002.

Quá trình nghiên cứu, đồ án QHCHN 2030 cơ bản đã cập nhật nội dung đồ án quy hoạch chi tiết các quận được duyệt. Tuy nhiên, đồ án QHCHN 2030 được lập trên tỷ lệ 1/10.000, do đó, ranh giới, chức năng sử dụng đất hiện trạng chưa hoàn toàn chính xác. Vì vậy, việc lập, thẩm định và phê duyệt 6 đồ án QHPK nội đô lịch sử là cần thiết, giúp UBND thành phố kiểm soát phát triển và quản lý đô thị, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương; đồng thời là cơ sở pháp lý quản lý quy hoạch, đầu tư, xây dựng, đất đai...

Về tổng thể 6 đồ án QHPK đô thị nội đô lịch sử có quy mô nghiên cứu trên 3.000ha; số dân theo quy hoạch dự kiến gần 700.000 người trên tổng số 1,2 triệu dân nội đô lịch sử. Đây là 6/8 QHPK đô thị còn lại (ngoài ra, còn có QHPK đô thị sông Hồng, sông Đuống) trên tổng số 38 QHPK. Sau gần 10 năm, mới đây, Ban Cán sự đảng UBND thành phố đã báo cáo và được Thường trực Thành ủy cơ bản thống nhất nội dung. Trước đó, đồ án cũng đã nhận được sự ủng hộ của các bộ: Xây dựng; Văn hóa, Thể thao và Du lịch...

- QHPK đô thị sông Hồng được đánh giá có một bước tiến lớn sau thời gian dài bế tắc. Đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bế tắc đó? Quy hoạch này có ý nghĩa như thế nào đối với Thủ đô Hà Nội, thưa đồng chí?

- Tương tự 6 QHPK đô thị khu vực nội đô, 2 QHPK đô thị sông Hồng, sông Đuống cũng đã được Ban Cán sự đảng UBND thành phố hoàn chỉnh; Thường trực Thành ủy đã cho ý kiến, góp ý về các nội dung nghiên cứu và cơ bản đồng thuận với định hướng, giải pháp tổ chức không gian, hạ tầng.

Theo QHCHN 2030, QHPK đô thị sông Hồng là khu vực phát triển đô thị với chức năng hành lang xanh, không gian trung tâm của đô thị trung tâm, kết nối phía Bắc và Nam sông Hồng để tạo ra các đặc thù giá trị riêng có. Đây là trục không gian đặc trưng cây xanh, mặt nước, văn hóa, lịch sử, cảnh quan; di dời hoặc cải tạo chỉnh trang các khu dân cư hiện hữu, phát triển đô thị hai bên sông Hồng...

Trước đây, QHPK đô thị sông Hồng được kỳ vọng lớn, thậm chí kỳ vọng tạo nên kỳ tích. Phạm vi nghiên cứu quy mô khoảng 40km, quỹ đất khoảng 11.000ha và số dân theo quy hoạch khoảng 170.000 người. Đây là khu vực phức tạp, tồn tại quá trình lịch sử về quản lý đất đai, xây dựng, an sinh... Đặc biệt, mục tiêu số 1 của đồ án QHPK đô thị sông Hồng, sông Đuống phải đạt được chính là giải quyết tốt việc phòng, chống lũ và bảo vệ đê điều. Khó khăn cũng chính từ nội dung này. Chúng ta phải bảo đảm không gian thoát lũ tốt với cao trình khoảng 15m đối với đê cấp đặc biệt tả ngạn, hữu ngạn của sông Hồng; và sông Đuống cũng là một nhánh phân lũ của sông Hồng...

Khác với các đồ án QHPK đô thị khác, không gian nghiên cứu đồ án QHPK đô thị sông Hồng dành cho thoát lũ ngoài đê sông Hồng, có quy mô và tính chất phức tạp với nhiều yếu tố đan xen, liên quan đến nhiều cấp, ngành; tổng hợp của nhiều tầng bậc, loại hình quy hoạch đều đang trong quá trình triển khai chưa được phê duyệt, như: Quy hoạch vùng; quy hoạch phòng, chống lũ; quy hoạch đê điều, quy hoạch giao thông...

Trải qua quá trình triển khai, đến nay, đồ án QHPK đô thị sông Hồng, sông Đuống đã cơ bản hoàn thành, bảo đảm tốt các nội dung đồng bộ hóa triển khai Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và quy hoạch phòng, chống lũ sông Hồng; đồng thời, khai thác vùng phát triển đô thị hướng ra sông Hồng, kiến tạo những giá trị không gian trung tâm, trục không gian hành lang xanh quan trọng.

- Xin đồng chí cho biết, để các quy hoạch trên sớm được phê duyệt, nhiệm vụ của thành phố trong thời gian tiếp theo là gì?

- Theo Luật Quy hoạch đô thị, 8 đồ án QHPK đô thị trên đều thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND thành phố Hà Nội. Quy trình tiếp theo, Ban Cán sự đảng UBND thành phố sẽ báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy để xin ý kiến, hoàn chỉnh đồ án. Sau khi đủ các điều kiện pháp lý, dự kiến tháng 3-2021, UBND thành phố sẽ phê duyệt 6 QHPK đô thị nội đô lịch sử.

Với QHPK đô thị sông Hồng, sông Đuống, trên cơ sở đồng thuận của Thường trực Thành ủy, Ban Cán sự đảng UBND thành phố sẽ báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thông qua các vấn đề liên quan quy hoạch phòng, chống lũ; đồng thời, báo cáo Bộ Xây dựng thông qua theo quy định để phê duyệt. Dự kiến, các đồ án này sẽ được UBND thành phố phê duyệt trong tháng 6-2021.

Như vậy, thành phố đã sắp kết thúc quá trình nghiên cứu, quy hoạch 8 QHPK còn lại đầy khó khăn, kéo dài khoảng 10 năm. Các QHPK này chưa được thông qua cũng làm ách tắc những điều kiện đầu tư phát triển, kiện toàn không gian chức năng đô thị, kể cả khu vực trung tâm cũng như khu vực mới.

Có được thành quả này là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, trách nhiệm của Thường trực Thành ủy, của cá nhân các đồng chí lãnh đạo cao nhất của thành phố. Kết quả này cũng ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của các cơ quan thành phố, tập trung hoàn thành nhiệm vụ để chúng ta hoàn chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, góp phần xây dựng, phát triển Thủ đô theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố.

- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Dạ Khánh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/992497/hoan-chinh-quy-hoach-chung-xay-dung-thu-do