Hoãn cưới đi chống dịch
'Ba tuần nữa em làm cô dâu, chưa chuẩn bị được gì ngoài tâm thế sẵn sàng cùng đồng nghiệp chiến đấu đến cùng với COVID-19. Mặt đầy mụn nước quanh cằm vì đeo khẩu trang cả ngày, chân sưng nứt nẻ vì đi bộ ngày hơn 8km, tay bong da vì rửa cồn quá nhiều...'.
Đó là dòng nhật ký của bác sĩ Trần Thị Quỳnh Trang, Phó Bí thư Đoàn cơ sở Sở Y tế Bình Dương, đang làm nhiệm vụ trong khu cách ly ở tỉnh Bình Dương.
Cán bộ Ðoàn càng cần đi đầu
Bác sĩ Trần Thị Quỳnh Trang (SN 1992) công tác phòng Kế hoạch Nghiệp vụ, Sở Y tế Bình Dương. Từ những ngày đầu xuất hiện dịch COVID-19, Trang đã xung phong tham gia điều chế nước sát khuẩn, làm mũ chống giọt bắn tặng người dân. Dịch ập đến đầu tháng Ba, Trang quyết định hoãn tổ chức đám cưới để xung phong nhận nhiệm vụ tại khu cách ly của tỉnh. Quyết định của Trang được chồng sắp cưới - anh Nguyễn Đình Năm làm cùng ngành y thấu hiểu, đồng tình.
Trang có chuyên môn sâu về y tế dự phòng. Từ nhiều năm nay mỗi khi có dịch bệnh xuất hiện, Trang luôn sẵn sàng lên đường nhận nhiệm vụ. “Khi dịch COVID-19 bùng phát, tôi không phải làm công tác tư tưởng với anh và gia đình mà ngược lại còn được động viên rất nhiều. Kế hoạch tổ chức đám cưới đã được hai bên bàn bạc thống nhất ngày 20/3 âm lịch (tức ngày 12/4 dương lịch- pv), được bàn từ trước Tết Nguyên đán đành hoãn lại. Chúng tôi đã đặt vé máy bay về Nghệ An và đặt lịch chụp ảnh cưới đều phải hủy. Điều rất mừng là chồng sắp cưới của tôi luôn ủng hộ và động viên”, chị Trang chia sẻ.
Chia sẻ về quyết định xung phong tham gia chống dịch, Trang quả quyết: “Tôi còn trẻ, còn khỏe lại là cán bộ Đoàn nên càng cần đi đầu”. Và trong những dòng thư gửi đến người chồng tương lai từ khu cách ly, cô viết: “Còn tuổi trẻ nên mình còn chia sẻ. Bỏ lại bên niềm hạnh phúc của chúng mình. Anh và em tuổi còn đang trẻ. Hết dịch mình đoàn tụ nhé... anh yêu! Cám ơn anh đã không “dỗi” vì công việc của em mà chuyện chúng mình phải bàn lại nhiều lần. Hoàn thành nhiệm vụ em sẽ về, sớm thôi!”.
Kiên cường nơi cách ly
Đến nay đã hơn một tháng, bác sĩ Trần Thị Quỳnh Trang gắn bó với khu cách ly tại Trường Quân sự tỉnh Bình Dương. Mỗi ngày ở khu cách ly, Trang bắt đầu từ 6h30 và chỉ thực sự được nghỉ khi mọi người đã đi ngủ. Nếu điện thoại trực đổ chuông hay có người mới đến thì bất kể ngày hay đêm Trang đều phải có mặt xử lý.
Trang cũng đã quen với những ngày nắng như đổ lửa, nung người trong bộ đồ bảo hộ kín mít với đủ các loại kính, mũ, khẩu trang... đi đến các phòng đo thân nhiệt, kiểm tra sức khỏe của những người cách ly. Cả ngày đeo khẩu trang khiến mặt chị chi chít lằn, thậm chí mọc mụn nước. Tay chân chị sưng rộp, da khô ráp vì thường xuyên tiếp xúc với dung dịch sát khuẩn, cồn.
Lúc cao điểm có cả trăm người cách ly, Trang và đồng nghiệp nhiều lúc quên cả khát, đói để hỗ trợ kịp thời mọi người. “Khi làm ở khu cách ly, tôi và đồng nghiệp đều phải dùng rất hạn chế, tiết kiệm các vật dụng bảo hộ. Mỗi lần tháo ra là phải bỏ luôn nên có khát nước, hay nóng mướt mồ hôi cũng phải ráng chịu đợi đến khi xong việc”, Trang chia sẻ.
Trang không sợ vất vả. Điều giúp Trang và các đồng nghiệp vượt qua được khó khăn chính là tinh thần tương thân tương ái, đùm bọc nhau của những người bị cách ly, của người dân Việt Nam. “Trong hoạn nạn mới biết lòng nhau. Thực hiện nhiệm vụ lần này đã cho tôi một trải nghiệm quý giá về tình người trong khu cách ly”, Trang chia sẻ thêm.
Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/gioi-tre/hoan-cuoi-di-chong-dich-1643357.tpo