Hoàn thiện bức tranh tổng thể về tài chính nhà nước

Năm 2019 là năm đầu tiên Báo cáo Tài chính nhà nước (BCTCNN) được lập cho năm tài chính 2018. Đây là một nhiệm vụ khó khăn và đầy thách thức với Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước (KBNN). Tuy nhiên, vượt qua các khó khăn, BCTCNN 2018 đã được hoàn thành đúng thời hạn.

Cán bộ Kho bạc Nhà nước đang hướng dẫn khách hàng giao dịch. Ảnh: Hạnh Thảo

Cán bộ Kho bạc Nhà nước đang hướng dẫn khách hàng giao dịch. Ảnh: Hạnh Thảo

Nỗ lực đã được Chính phủ, Quốc hội ghi nhận

Tại Hội thảo “Tổng kết công tác lập BCTCNN đầu tiên và một số giải pháp nâng cao chất lượng BCTCNN những năm tiếp theo” được Bộ Tài chính tổ chức vào sáng ngày 4/12/2020, bà Đặng Thị Thủy - Phó Tổng giám đốc KBNN báo cáo những kết quả đã đạt được của việc lập BCTCNN năm 2018.

Bà Thủy cho biết, BCTCNN là bước đi quan trọng và cần thiết để phục vụ việc cải cách nền tài chính công và hướng tới các chuẩn mực, thông lệ quốc tế. Xác định đây là nhiệm vụ mới và khó khăn, phức tạp nên Bộ Tài chính đã tích cực khẩn trương, đặc biệt là hệ thống KBNN đã phối hợp với các đơn vị liên quan bắt tay vào việc thiết lập các điều kiện để triển khai thực hiện.

Theo đó, KBNN đã chủ động ra các văn bản hướng dẫn chi tiết cho toàn hệ thống để thực hiện công tác tổng hợp và lập BCTCNN 2018. Mặt khác, với các đơn vị chưa kịp sửa đổi chế độ kế toán (CĐKT) để áp dụng từ năm 2018 (căn cứ để thực hiện tổng hợp, lập BCTCNN), KBNN đã chủ động trao đổi, lấy ý kiến của các đơn vị liên quan và báo cáo Bộ Tài chính có hướng dẫn cụ thể cho các đơn vị lập và gửi cho KBNN Báo cáo cung cấp thông tin tài chính năm 2018 theo mẫu thiết kế riêng đã được thống nhất…

Song song với việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, KBNN đã khẩn trương triển khai xây dựng hệ thống thông tin Tổng Kế toán nhà nước để chính thức vận hành hệ thống từ tháng 7/2019, kịp thời hỗ trợ đắc lực cho công tác gửi báo cáo của các đơn vị cũng như công tác tổng hợp, lập BCTCNN đầu tiên năm 2018.

Một yếu tố làm nên thành công của BCTCNN 2018 được bà Thủy chỉ ra là việc cung cấp thông tin tài chính của các đơn vị cho KBNN. Bà Thủy cho biết, năm 2018 là năm đầu tiên các đơn vị hành chính sự nghiệp triển khai lập báo cáo tài chính theo CĐKT mới trên cơ sở kế toán dồn tích. Mặc dù gặp không ít khó khăn, vướng mắc về xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn các đơn vị trực thuộc, công tác tổng hợp, lập, cung cấp thông tin tài chính… còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ báo cáo. Tuy nhiên, đến giữa tháng 11/2019, cơ bản toàn bộ các đơn vị cấp tỉnh đã gửi Báo cáo cung cấp thông tin tài chính cho KBNN (chỉ còn 58/53.000 đơn vị chưa gửi báo cáo là những đơn vị nhỏ, số liệu không trọng yếu). Đến tháng 2/2020, các bộ, cơ quan trung ương đã gửi đầy đủ Báo cáo cung cấp thông tin tài chính cho KBNN… Kết quả này cho thấy sự cố gắng nỗ lực cao độ của các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai nhiệm vụ mới.

Báo cáo Tài chính nhà nước năm 2019 không có nhiều thay đổi

“Các giải pháp để nâng cao chất lượng Báo cáo Tài chính nhà nước (BCTCNN) trong thời gian tới cần nhiều thời gian để thực hiện, trong khi đến nay hầu hết các địa phương đã hoàn thành BCTCNN tỉnh năm 2019. Kho bạc Nhà nước đang trong quá trình tiếp nhận thông tin chuẩn bị lập BCTCNN toàn quốc năm 2019. Do vậy, về cơ bản, BCTCNN toàn quốc năm 2019 sẽ không có nhiều thay đổi so với BCTCNN toàn quốc năm 2018, ngoại trừ tổng hợp thêm thông tin tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và hạ tầng nước sạch của địa phương”- Phó Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước Đặng Thị Thủy

Về phía KBNN, do cũng là năm đầu tiên toàn hệ thống triển khai lập BCTCNN trong khi thông tin tài chính được thu thập trên phạm vi rộng, kỹ thuật tổng hợp tương đối phức tạp, thời gian thực hiện tương đối gấp, tiến độ gửi Báo cáo cung cấp thông tin tài chính của các đơn vị còn chậm. Để hoàn thành nhiệm vụ, toàn hệ thống KBNN đã dành nhiều nguồn lực và tập trung cao độ, khắc phục khó khăn. Đến hết tháng 12/2019, KBNN đã hoàn thành 63 bộ BCTCNN tỉnh năm 2018, trình UBND cấp tỉnh và báo cáo HĐND cấp tỉnh. Cuối tháng 3/2020, KBNN đã hoàn thành việc tổng hợp, lập BCTCNN toàn quốc năm 2018, trình Bộ Tài chính, Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để báo cáo Quốc hội cùng với báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) vào tháng 5/2020 theo đúng quy định.

Theo bà Thủy, mặc dù còn tồn tại một số thiếu sót, BCTCNN 2018 đã cơ bản cung cấp thông tin về tình hình tài sản, công nợ, nguồn vốn cũng như kết quả hoạt động tài chính năm 2018 và được UBND, HĐND một số tỉnh, thành phố và Chính phủ, Quốc hội ghi nhận.

Nâng cấp hệ thống thông tin

Tại hội thảo, các tồn tại, hạn chế của BCTCNN năm 2018 được chỉ ra. Đơn cử như, BCTCNN 2018 chưa phản ánh đầy đủ giá trị của một số tài sản bao gồm: Tài sản kết cấu hạ tầng, đất đai, di sản. Nguyên nhân là do giá trị tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ địa phương chưa được cập nhật đầy đủ vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công… Bên cạnh đó, các quy định pháp lý để xác định, quản lý, kế toán của các tài sản công khác như đất đai, di sản đang trong quá trình hoàn thiện. Hay như về số liệu nợ chính quyền địa phương tại thời điểm lập BCTCNN (tháng 6) có thể có chênh lệch so với số liệu nợ địa phương tại thời điểm HĐND thông qua quyết toán ngân sách địa phương (thời điểm tháng 11 - 12).

Theo Phó Tổng giám đốc KBNN, để nâng cao chất lượng BCTCNN trong thời gian tới, KBNN sẽ đẩy nhanh tiến độ rà soát, cập nhật số liệu tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ, nước sạch nông thôn tại các địa phương để tổng hợp vào BCTCNN năm 2019.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý của BCTCNN cũng như nâng cấp Hệ thống thông tin Tổng Kế toán nhà nước theo hướng kết nối/giao diện với hệ thống thông tin của các cơ quan, đơn vị thuộc khu vực nhà nước, kết nối với mạng lưới của chính phủ điện tử, tiến tới xây dựng hệ thống dữ liệu tài chính nhà nước tập trung để cung cấp số liệu tài chính nhà nước nhanh chóng, chính xác.

Đặc biệt, KBNN sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm tạo sự ủng hộ của các cấp lãnh đạo, quản lý cũng như sự ủng hộ của truyền thông về những khó khăn thách thức trong giai đoạn đầu triển khai lập BCTCNN. Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả nguồn nhân lực làm công tác kế toán trong khu vực nhà nước thông qua đào tạo, tập huấn nghiệp vụ, cải tổ bộ máy kế toán.

“Để cải thiện chất lượng BCTCNN từ năm 2020 trở đi, ngay từ bây giờ phải triển khai thực hiện nhiều hoạt động; trong đó, đặc biệt tập trung vào các giải pháp tháo gỡ các khó khăn, thách thức. Với sự quyết tâm của các cấp lãnh đạo, sự đồng hành của các cơ quan, đơn vị ở trung ương và địa phương, sự hỗ trợ của các nhà tài trợ, tổ chức quốc tế, chuyên gia quốc tế cùng với phương pháp và bước đi chắc chắn, phù hợp, KBNN đã và đang phối hợp chặt chẽ với các đơn vị ngành Tài chính, khẩn trương triển khai công tác lập BCTCNN. Đây có thể được xem là nền móng quan trọng, làm tiền đề cho các giai đoạn hoàn thiện tiếp theo, góp phần tiến đến một nền tài chính nhà nước ngày càng minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thông lệ quốc tế” - Phó Tổng giám đốc KBNN nhấn mạnh.

Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý của Báo cáo Tài chính nhà nước cũng như nâng cấp Hệ thống thông tin Tổng Kế toán nhà nước theo hướng kết nối/giao diện với hệ thống thông tin của các cơ quan, đơn vị thuộc khu vực nhà nước, kết nối với mạng lưới của chính phủ điện tử, tiến tới xây dựng hệ thống dữ liệu tài chính nhà nước tập trung để cung cấp số liệu tài chính nhà nước nhanh chóng, chính xác.

Vân Hà

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/nhip-song-tai-chinh/2020-12-07/hoan-thien-buc-tranh-tong-the-ve-tai-chinh-nha-nuoc-96401.aspx