Hoàn thiện các tuyến giao thông đối ngoại, đẩy mạnh liên kết vùng

Phát huy ưu thế về vị trí địa lý, Vĩnh Phúc đặc biệt quan tâm đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ; chú trọng phát triển mạng lưới giao thông đối ngoại (đường liên tỉnh, đường quốc gia) nhằm thúc đẩy liên kết giữa Vĩnh Phúc với các tỉnh, thành lân cận, tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân, đẩy mạnh giao thương giữa các vùng, địa phương cũng như góp phần thay đổi diện mạo đô thị, nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Thịnh trên Quốc lộ 2C đưa vào khai thác, sử dụng góp phần thúc đẩy liên kết, thông thương, phát triển KT - XH của tỉnh và các tỉnh, thành lân cận. Ảnh: Nguyễn Lượng

Dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Thịnh trên Quốc lộ 2C đưa vào khai thác, sử dụng góp phần thúc đẩy liên kết, thông thương, phát triển KT - XH của tỉnh và các tỉnh, thành lân cận. Ảnh: Nguyễn Lượng

Nhờ huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, mạng lưới giao thông của Vĩnh Phúc có sự phát triển đồng bộ, trở thành “đòn bẩy” quan trọng cho phát triển KT - XH của tỉnh.

Trong đó có nhiều dự án trọng điểm như: Dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn qua địa phận Vĩnh Phúc có chiều dài 41 km, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, hợp tác phát triển với các tỉnh, thành trong cả nước như:

Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 2, đoạn Nội Bài - Vĩnh Yên theo hình thức BOT được đưa vào khai thác, sử dụng từ năm 2008, có vai trò quan trọng trong việc kết nối Tam giác kinh tế phía Bắc gồm thành phố Hà Nội, thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh.

Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 2C dài 48 km từ cầu Vĩnh Thịnh (Vĩnh Tường) đến xã Quang Sơn (Lập Thạch) kết nối với thủ đô Hà Nội thúc đẩy phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Dự án cải tạo, nâng cấp sửa chữa mặt đường ĐT.301 đoạn từ Đại Lải - Đèo Nhe nhằm đảm bảo ATGT cho các phương tiện lưu thông và đẩy mạnh phát triển giao thương giữa tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Thái Nguyên, thu hút nguồn cung lao động từ tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh lân cận đến làm việc tại các KCN trên địa bàn tỉnh...

Hiện nay, mạng lưới giao thông đối ngoại của tỉnh có tổng chiều dài hơn 145 km, bao gồm: 1 tuyến cao tốc (Nội Bài - Lào Cai); 3 tuyến quốc lộ (QL2, 2C, tuyến tránh thành phố Vĩnh Yên).

Những tuyến đường này có ý nghĩa, vai trò quan trọng cả về kinh tế và quốc phòng, kết nối Vĩnh Phúc với các trung tâm kinh tế lớn phía Bắc, cửa khẩu, cảng biển, cảng Hàng không quốc tế.

Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai hiện đã được đưa vào khai thác, sử dụng với quy mô 4 làn đường, phạm vi thuộc địa bàn tỉnh có điểm đầu tại Km 7+660 - Cầu Xuân Phương thuộc bờ hữu sông Cà Lồ, phương Phúc Thắng (thành phố Phúc Yên) và điểm cuối tại Km 48+880 - Cầu vượt Sông Lô thuộc địa phận xã Tứ Yên (Sông Lô).

Trên tuyến có 3 nút giao liên thông: IC3 thuộc địa phận xã Sơn Lôi (Bình Xuyên); IC4 thuộc địa phận xã Kim Long (Tam Dương); IC6 thuộc địa phận xã Văn Quán (Lập Thạch).

Hiện nay, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đang phối hợp với Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư 2 nút giao IC2 (giao đường Nguyễn Tất Thành tại Km 7+850) và IC5 (giao với QL 2C tại Km 31+440) bằng nguồn ngân sách của tỉnh.

Là tuyến giao thông huyết mạch có vị trí quan trọng đối với sự phát triển KT - XH của nhiều tỉnh Trung du, miền núi phía Tây Bắc, đến nay, Quốc lộ 2, đoạn qua địa bàn Vĩnh Phúc đã được đầu tư mới, cải tạo, nâng cấp đồng bộ với các dự án: Nội Bài - Vĩnh Yên; tuyến tránh thành phố Vĩnh Yên và cầu Việt Trì mới.

Hiện còn đoạn Vĩnh Yên - Việt Trì (từ điểm cuối tuyến đường tránh thành phố Vĩnh Yên đến đầu cầu Việt Trì mới) chưa được nâng cấp mở rộng, mặt đường nhỏ hẹp, xuống cấp, giao thông thường xuyên ách tắc, ảnh hưởng đến sự phát triển KT - XH trên địa bàn tỉnh.

Do vậy, tỉnh đã nhiều lần kiến nghị với Chính phủ, Bộ GTVT xem xét, có phương án đầu tư, mở rộng tuyến Quốc lộ 2, đoạn từ vòng xuyến phường Hội Hợp (thành phố Vĩnh Yên) đến cầu Việt Trì mới nhằm đảm bảo thực tế lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trên tuyến đường này.

Tuyến Quốc lộ 2 đoạn tránh thành phố Vĩnh Yên có chiều dài 10,5 km, điểm đầu thuộc địa phận xã Quất Lưu (Bình Xuyên), điểm cuối thuộc xã Đồng Văn (Yên Lạc), do Công ty Cổ phần BOT Vietracimex 8 đầu tư xây dựng, quản lý và đưa vào khai thác từ tháng 12/2010.

Đến nay, tuyến đường đã và đang góp phần giảm tải lưu lượng phương tiện đi qua thành phố Vĩnh Yên, tránh tình trạng ùn tắc, nhất là vào những giờ cao điểm. Đây cũng là tuyến đường có vai trò thúc đẩy thông thương, vận chuyển hàng hóa thuận lợi giữa các địa phương trong và ngoài tỉnh.

Với chiều dài gần 148 km, Quốc lộ 2C đi qua Vĩnh Phúc dài gần 40 km nối các huyện Vĩnh Tường, Tam Dương và Lập Thạch.

Đây là tuyến giao thông có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển KT - XH của các đô thị, tỉnh lỵ xung quanh Thủ đô Hà Nội.

Trên tuyến có cầu Vĩnh Thịnh, kết nối 2 trục Quốc lộ 32 và Quốc lộ 2 nhằm điều tiết giao thông, giảm lưu lượng phương tiện ra vào trung tâm thành phố Hà Nội và kết nối khu vực thị xã Sơn Tây (Hà Nội) với các huyện, thành phố của Vĩnh Phúc- nơi tập trung nhiều khu công nghệ cao, khu du lịch, cụm công nghiệp và các huyện Sơn Dương, Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.

Mặc dù vậy, sau một thời gian dài khai thác, sử dụng, đến nay chất lượng mặt đường bê tông nhựa, hệ thống biển bảng ATGT và một số công trình đã xuống cấp, cần được đầu tư, nâng cấp, cải tạo kịp thời.

Hiện nay, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành chức năng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương, các địa phương lân cận tăng cường công tác quản lý, nâng cấp, sửa chữa để nâng cao chất lượng các công trình trên những tuyến đường này nhằm khai thác tối ưu hiệu quả, phát huy vai trò liên kết vùng, tỉnh và đẩy nhanh tiến trình CNH - HĐN của các địa phương.

Chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan đẩy nhanh tiến độ xây dựng, nâng cấp và cải tạo một số dự án, công trình giao thông trọng điểm, có vai trò thúc đẩy liên kết vùng, như: Cầu Vĩnh Phú qua sông Lô kết nối Vĩnh Phúc và Phú Thọ; Quốc lộ 2C, đoạn qua huyện Lập Thạch tiếp giáp với tỉnh Tuyên Quang...

Với sự quan tâm, đầu tư của tỉnh thông qua việc ban hành, thực hiện các cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, ưu tiên triển khai các dự án giao thông trọng điểm, mạng lưới giao thông đối nội ngày càng có sự kết nối chặt chẽ với mạng lưới giao thông đối ngoại ( đường liên tỉnh, đường quốc gia), góp phần đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn, tạo tiền đề cho phát triển công nghiệp cũng như kết nối, giao lưu, thông thương phát triển KT - VH - XH của tỉnh.

Việt Sơn

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/64732/hoan-thien-cac-tuyen-giao-thong-doi-ngoai-day-manh-lien-ket-vung.html