Hoàn thiện hạ tầng Logistics: Yêu cầu cấp thiết để tăng sức cạnh tranh cho ngành Logistics Việt Nam

Việc đồng bộ, hoàn thiện hạ tầng logistics sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự vận hành của toàn chuỗi cung ứng, qua đó nâng cao sức cạnh tranh và phát triển bền vững của ngành Logistics Việt Nam.

Vừa qua, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp cùng Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Bà Rịa - Vũng Tàu, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tổ chức Hội thảo “Hạ tầng Logistics: Yêu cầu trong chiến lược phát triển và khung pháp lý”.

Phát triển hạ tầng logistics: Những khó khăn, thách thức

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, TS. Trần Du Lịch - Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) nhận định, trong những năm gần đây, ngành logistics Việt Nam đã có tốc độ phát triển nhanh và đạt được nhiều thành tích đáng kể.

Tuy vậy, để ngành logistics tiếp tục phát triển mạnh và bền vững, các địa phương và doanh nghiệp cần đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng logistics bởi việc cải thiện hạ tầng logistics sẽ giúp cung ứng sản phẩm nhanh, kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho sự vận hành của toàn chuỗi cung ứng.

TS. Trần Du Lịch cho rằng, hạ tầng logistics Việt Nam nói chung và Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng sở dĩ chưa thể bứt phá mạnh mẽ bởi còn vướng nhiều khó khăn từ thực thi chính sách, quy định, thu hút đầu tư gặp hạn chế...

Từ góc độ cơ quan giải quyết tranh chấp của VIAC, TS. Trần Du Lịch cũng dẫn chiếu một số rủi ro và tranh chấp phát sinh liên quan đến xây dựng, khai thác hạ tầng logistics, kinh doanh dịch vụ logistics khi hạ tầng không đảm bảo. Qua đó, TS. Trần Du Lịch cho rằng đi cùng với các chiến lược đổi mới, cải tiến hạ tầng logistics, việc có khung pháp lý vững chắc và kiểm soát pháp lý khi đầu tư, triển khai, vận hành hạ tầng logistics cũng cần được chú trọng.

TS. Trần Du Lịch, Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC). (Ảnh: VIAC)

TS. Trần Du Lịch, Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC). (Ảnh: VIAC)

Tham luận trực tuyến tại Hội thảo, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Chủ tịch danh dự Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) nhấn mạnh vấn đề hạ tầng logistics và các tác động đến chuỗi cung ứng.

Theo đó, sự chuyển dịch chuỗi cung ứng, dịch bệnh, thiên tai,..., cùng sự quan tâm về tính “xanh”, bền vững trong chính sách của nhiều quốc gia buộc các doanh nghiệp không chỉ phải đáp ứng tiêu chí xanh hóa sản xuất, mà còn phải xanh hóa toàn bộ chuỗi cung ứng, tiến đến mục tiêu “net zero”.

"Là một mắt xích quan trọng trong phát triển hệ thống logistics, yếu tố hạ tầng cần có sự đầu tư một cách đồng bộ, chuyên nghiệp", ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.

Từ thực tiễn, ông Trần Thanh Hải cho rằng hiện nay việc phát triển hạ tầng logistics gặp những khó khăn, thách thức về các vấn đề như: Chi phí cao; Thủ tục hành chính phức tạp; Thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao; Phụ thuộc nhiều vào các tuyến đường biển quốc tế; Thiếu sự liên kết giữa các cơ quan quản lý; Sự phát triển không đồng đều giữa các khu vực địa bàn.

Những giải pháp để phát triển đồng bộ, hoàn thiện hạ tầng logistics tại Việt Nam

Để giải quyết những khó khăn, thách thức trong phát triển hạ tầng logistics, ông Trần Thanh Hải kiến nghị về phía trung ương, các cơ quan ban ngành cần xây dựng các cơ chế phối hợp liên bộ, liên ngành chặt chẽ; theo đó có thể nghiên cứu thành lập Hội đồng/ Ủy ban Quốc gia về dịch vụ logistics nhằm phát triển và thúc đẩy nâng cao tỷ trọng đóng góp của logistics vào GDP, hạ chi phí logistics trong chuỗi cung ứng; Trình và bám sát thực hiện Chiến lược phát triển dịch vụ logistics. Các địa phương và khu vực cũng cần chủ động đánh giá quy hoạch hạ tầng logistics trên địa bàn một cách toàn diện, tham mưu và đề xuất chiến lược phát triển; đồng thời, khuyến khích xây dựng phát triển các hiệp hội nhằm tạo lập mạng lưới liên kết, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng...

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Chủ tịch danh dự Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) tham luận trực tuyến tại Hội thảo. (Ảnh: VIAC)

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Chủ tịch danh dự Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) tham luận trực tuyến tại Hội thảo. (Ảnh: VIAC)

Chia sẻ về thực trạng và định hướng phát triển hạ tầng logistics trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, Bà Rịa - Vũng Tàu đã là một trong ba cực tăng trưởng quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ với hệ thống cảng biển có quy mô hiện đại bậc nhất Việt Nam.

Với thế mạnh tự nhiên cùng nhiều chính sách, chủ trương khuyến khích của Nhà nước, tỉnh cũng xác định phát triển ngành logistics là một trong bốn trụ cột kinh tế của địa phương. Mặc dù vậy, trên thực tế, số lượng kho bãi logistics và số lượng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics chỉ chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn so với tổng số doanh nghiệp trên toàn tỉnh; cơ sở hạ tầng logistics còn thiếu tập trung, hệ thống kho bãi container rỗng, kho tổng hợp hàng bị thiếu...

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chia sẻ về thực trạng và định hướng phát triển hạ tầng logistics trên địa bàn. (Ảnh: VIAC)

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chia sẻ về thực trạng và định hướng phát triển hạ tầng logistics trên địa bàn. (Ảnh: VIAC)

Tuy vậy, theo ông Nguyễn Văn Đồng, cơ hội phát triển hạ tầng logistics tại địa phương tương đối khả quan. Trong thời gian tới, việc nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm được triển khai sẽ mang lại cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cơ hội mở rộng mạng lưới logistics, đẩy mạnh hoạt động vận tải đa phương thức. Do đó, Lãnh đạo Sở Công Thương Bà Rịa - Vũng Tàu cũng kiến nghị Trung ương cần sớm xem xét và xây dựng một cơ chế, chính sách riêng, phù hợp với nhiều điểm đặc thù của khu thương mại tự do tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

Cảng Cái Mép - Thị Vải, cảng biển quốc tế nằm trên địa bàn thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, có vai trò then chốt trong mạng lưới hạ tầng logistics phía Nam và cả nước nói chung.

Cảng Cái Mép - Thị Vải, cảng biển quốc tế nằm trên địa bàn thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, có vai trò then chốt trong mạng lưới hạ tầng logistics phía Nam và cả nước nói chung.

Trao đổi về vấn đề thiết lập hạ tầng logistics nhằm thích ứng với nhu cầu xanh hóa trong bối cảnh hiện nay, ThS.NCS Nguyễn Thắng Lợi - Trưởng ban Nghiên cứu và Tư vấn tại Viên Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI) cho biết, các quốc gia trên toàn cầu đã đặt cam kết giảm mức thải ròng và chuyển đổi năng lượng tái tạo nhằm bảo vệ môi trường và tiết kiệm chi phí. Điều này đặt ra yêu cầu thay đổi cho nhiều ngành kinh tế. Trong đó, đối với ngành logistics, xu hướng về logistics xanh đang trở thành yêu cầu tất yếu đối với Quốc gia, doanh nghiệp Việt Nam.

ThS.NCS Nguyễn Thắng Lợi cho biết, để phát triển logistics xanh cần chú trọng vào 4 nền tảng cơ bản: (i) Hạ tầng và công nghệ; (ii) Phát triển nguồn nhân lực; (iii) Chủ hàng; (iv) Nhà cung cấp dịch vụ Logistics, dưới sự điều chỉnh và thúc đẩy khung pháp lý chính sách về “xanh hóa”.

"Để “xanh hóa” thành công, mỗi doanh nghiệp, đặc biệt là nhân sự và ý thức của nhân sự đóng vai trò quyết định nhưng cơ sở hạ tầng lại là trợ lực đáng quan tâm, bởi lẽ, chỉ khi có kho bãi đạt tiêu chuẩn, áp dụng những tiến bộ khoa học, vận tải xanh,... quá trình “xanh hóa” mới được tối ưu nhất", ThS.NCS Nguyễn Thắng Lợi nhấn mạnh.

Riêng đối với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ThS.NCS Nguyễn Thắng Lợi đánh giá cao nhận thức của nhiều doanh nghiệp về tầm quan trọng của việc cải tiến quy trình, xanh hóa hoạt động logistics của doanh nghiệp, cùng với đó, cũng đưa ra một số giải pháp để cải thiện cơ sở hạ tầng logistics trong thường gian tới như: Cần nghiên cứu xây dựng hành lang pháp lý cho hoạt động logistics với mục tiêu phát triển bền vững; Nâng cao tính gắn kết của 3 nhà: Nhà nước - Nhà doanh nghiệp - Nhà nghiên cứu đối với một số dự án phát triển xanh; Tăng cường và cải thiện cơ sở hạ tầng Logistics (kho bãi và vận chuyển) theo hướng chuyên môn hóa các công đoạn,...

ThS.NCS Nguyễn Thắng Lợi cho rằng, cần thiết lập hạ tầng logistics nhằm thích ứng với nhu cầu xanh hóa trong bối cảnh hiện nay. (Ảnh: VIAC)

ThS.NCS Nguyễn Thắng Lợi cho rằng, cần thiết lập hạ tầng logistics nhằm thích ứng với nhu cầu xanh hóa trong bối cảnh hiện nay. (Ảnh: VIAC)

Cũng tại Hội thảo, các chuyên gia, doanh nghiệp đã thảo luận, trao đổi những vấn đề liên quan tới phát triển hạ tầng logistics như: Những yêu cầu về cơ sở hạ tầng cần thực hiện để thúc đẩy tiến trình “xanh hóa” ngành logistics; Tác động của quy định pháp luật hiện hành với sự phát triển của hạ tầng và bất động sản logistics; kiểm soát pháp lý và nhận diện một số tranh chấp trong quá trình đầu tư, xây dựng và vận hành hạ tầng logistics; giải pháp cải thiện, nâng tầm hạ tầng logistics;...

Việt Hằng

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/hoan-thien-ha-tang-logistics--yeu-cau-cap-thiet-de-tang-suc-canh-tranh-cho-nganh-logistics-viet-nam-128149.htm