Hoàn thiện hệ thống đường lối, chủ trương của Đảng, tạo đột phá trong phát triển

Thực tế cho thấy trong quá trình phát triển, sức mạnh, trí tuệ, ý chí, giá trị và tinh thần dân tộc Việt Nam, tính ưu việt của chế độ ta, nhất là đường lối, chủ trương đúng đắn và vai trò lãnh đạo của Đảng ta luôn được khẳng định và phát huy trước những khó khăn, thách thức. Đây là khẳng định của ông Nguyễn Hữu Nghĩa- Phó Trưởng Ban Kinh tế T.Ư khi nhìn lại 5 năm thực hiện Nghị quyết của BCH T.Ư Đảng về phát triển kinh tế - xã hội.

Bức tranh phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta 5 năm qua có thể được khái quát như thế nào, thưa ông?

5 năm qua, nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng kinh tế cao (bình quân 6%/năm), quy mô nền kinh tế ước đạt 340 tỷ USD, tăng 1,4 lần, đứng thứ 4 trong ASEAN, năng suất lao động tăng cao (bình quân 5,8%/năm); kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát dưới 4%, tỷ lệ nợ công giảm (ước đạt 56,8% GDP), nợ xấu và rủi ro tài chính, tiền tệ giảm, dự trữ ngoại hối nhà nước tăng mạnh, tiến gần mốc 100 tỷ USD.

Môi trường kinh doanh cải thiện, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được hoàn thiện một bước quan trọng, nhờ đó đã giải phóng, huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả một nguồn lực lớn xã hội. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 5 năm qua đạt hơn 9,2 triệu tỷ đồng, trong đó khu vực kinh tế tư nhân gần 4 triệu tỷ đồng, chiếm 43% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài hơn 2,1 triệu tỷ đồng, chiếm gần 23%. Đáng lưu ý là vai trò khu vực kinh tế tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng quan trọng đối với phát triển kinh tế trong khi khu vực kinh tế nhà nước đóng vai trò ổn định và dẫn dắt, thúc đẩy đầu tư của hai khu vực còn lại. Nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng, vững chắc với khu vực và toàn cầu (tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2020 đạt 544 tỷ USD, thặng dư cán cân thương mại liên tục, thu hút được khoảng 168 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài); khoa học công nghệ đạt được bước tiến quan trọng, tranh thủ được thành tựu và cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao (GDP bình quân đầu người gần 3.500 USD), an sinh xã hội được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ mức 10% xuống còn dưới 3%; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Diễn đàn Kinh tế tư nhân năm 2019

Diễn đàn Kinh tế tư nhân năm 2019

Mặc dù chúng ta không còn phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp nhà nước, nhưng nhờ liên tục được cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả, khu vực doanh nghiệp nhà nước ngày càng đóng vai trò quan trọng trong ổn định và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; tập trung chủ yếu trong những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; những địa bàn quan trọng và quốc phòng, an ninh; những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư. Nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước đi tiên phong, mở đường phát triển trong những ngành kinh tế quan trọng như công nghệ, viễn thông, hàng không, tài chính, ngân hàng, khai khoáng, dầu khí…

Kinh tế tư nhân đang dần trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - hội. Đã xuất hiện nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô lớn, có thương hiệu tốt, năng lực cạnh tranh tầm khu vực trong một số lĩnh vực.

Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Hội thảo về phát triển bền vững thành phố Cần Thơ

Hội thảo về phát triển bền vững thành phố Cần Thơ

Những thành tựu trên có phần đóng góp quan trọng của kết quả thực hiện các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII) về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; cơ cấu lại, đổi mới doanh nghiệp nhà nước và phát triển kinh tế tư nhân cũng như các chủ trương khác của Đảng về kinh tế - xã hội.

Nhiều chủ trương, chính sách kinh tế - xã hội ban hành trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng XII đã đi vào cuộc sống, phát huy tác dụng ngay, ông có thể cho biết cụ thể hơn?

Đúng là nhiều chủ trương, chính sách kinh tế - xã hội ban hành trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng XII đã đi vào cuộc sống, đóng góp vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm qua và tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, như các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị về: hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế; cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả các doanh nghiệp nhà nước; chiến lược phát triển năng lượng quốc gia; nông nghiệp, nông dân, nông thôn;...

Đặc biệt nhiều chủ trương, chính sách mới gắn với xu thế của thời đại, tạo động lực mới phát triển đột phá cũng đã được Ban Kinh tế T.Ư lần đầu tiên nghiên cứu, tham mưu trình Bộ Chính trị ban hành, chẳng hạn như định hướng chính sách công nghiệp quốc gia; chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Diễn đàn cấp cao về năng lượng năm 2020

Diễn đàn cấp cao về năng lượng năm 2020

Bên cạnh đó, Ban Kinh tế T.Ư còn chủ trì tham mưu nhiều nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành phố giữ vai trò, vị trí quan trọng như Đà Nẵng, Hải Phòng, Thanh Hóa, Cần Thơ, Thừa Thiên – Huế, thành phố Buôn Ma Thuột, từ đó phát huy tiềm năng, thế mạnh, tạo bước đột phá trong phát triển của các địa phương này, tạo động lực và sức lan tỏa phát triển cho cả vùng và cả nước thông qua các kết nối, liên kết vùng.

Những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm 2016 - 2020 khẳng định đường lối, chủ trương đúng đắn và vai trò, hiệu quả lãnh đạo to lớn của Đảng, trong đó có các chủ trương, chính sách do Ban Kinh tế T.Ư tham mưu, trình BCH T.Ư, Bộ Chính trị ban hành trong thời gian qua.

Thời gian tới, theo ông, những nội dung nào cần được quan tâm để tiếp tục đưa các Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống nhanh hơn, hiệu quả hơn?

Để các Nghị quyết đi vào cuộc sống nhanh hơn và hiệu quả hơn, có thể thấy ba vấn đề cần phải làm.

 Ông Nguyễn Hữu Nghĩa- Phó Trưởng Ban Kinh tế T.Ư

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa- Phó Trưởng Ban Kinh tế T.Ư

Một là, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt nam và các tổ chức đoàn thể tiếp tục thường xuyên, phổ biến tuyên truyền các nghị quyết của Đảng, đặc biệt quan tâm đổi mới hình thức, phương thức tuyên truyền, phổ biến các nghị quyết theo hướng đa dạng, thiết thực và phù hợp với từng nhóm đổi tượng. Có lẽ một trong những cách thức tuyên truyền, phổ biến thiết thực nhất là chúng ta cần nhận diện và tuyên truyền các mô hình hiệu quả, thành công và những cách làm sáng tạo, hiệu quả trên thực tế để phổ biến, học tập.

Hai là, khẩn trương thể chế hóa, luật pháp hóa kịp thời, đầy đủ, đồng bộ các quan điểm, chủ trương, giải pháp nêu tại các Nghị quyết của Đảng về kinh tế - xã hội.

Ba là, thường xuyên theo dõi, đánh giá, giám sát, kiểm tra việc thực hiện các Nghị quyết để bảo đảm các nghị quyết của Đảng về kinh tế - xã hội được thực hiện nghiêm túc. Không có kiểm tra, giám sát thì không thể lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết có hiệu quả và không bảo đảm Nghị quyết đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả. Phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giám sát và phản biện thực hiện các Nghị quyết.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

P.V

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hoan-thien-he-thong-duong-loi-chu-truong-cua-dang-tao-dot-pha-trong-phat-trien-150458.html