Hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh doanh bảo hiểm tạo cú huých mới cho thị trường
Theo các chuyên gia kinh tế, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hoàn thiện, đầy đủ về hoạt động kinh doanh bảo hiểm được kỳ vọng sẽ tạo ra cú huých và những thay đổi cơ bản nhằm thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển an toàn, ổn định và bền vững.
Trong thời gian qua, ngành Bảo hiểm đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, ảnh hưởng đến sự niềm tin của người dân và sự phát triển của thị trường. Trước bối cảnh đó, cơ quan quản lý cùng các thành viên thị trường bảo hiểm đã không ngừng nỗ lực tìm các giải pháp tháo gỡ hữu hiệu, tạo thuận lợi cho thị trường phát triển an toàn, bền vững và hiệu quả.
Trong đó, một trong những điểm nhấn là cơ quan quản lý đã đẩy nhanh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh doanh bảo hiểm nhằm tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, công bằng, an toàn vì mục tiêu phát triển bền vững, dài hạn của thị trường.
Cụ thể, theo Bộ Tài chính, trong năm 2023, khuôn khổ pháp lý về kinh doanh bảo hiểm đã được hình thành đầy đủ và đồng bộ, đảm bảo môi trường pháp lý công khai, minh bạch và bình đẳng cho các doanh nghiệp bảo hiểm thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động trên thị trường.
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính đã xây dựng các giải pháp đồng bộ, trong đó giải pháp điều chỉnh cơ chế, chính sách đã được thực hiện theo hướng tăng cường tính minh bạch thông tin trong việc cung cấp sản phẩm bảo hiểm nhân thọ; Đảm bảo quyền chủ động lựa chọn tham gia của khách hàng; Tăng cường trách nhiệm giám sát và đảm bảo chất lượng của hoạt động bán bảo hiểm qua các kênh bán hàng.
Đến nay, các quy định luôn được kịp thời sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình phát triển thực tế của thị trường cũng như phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam. Mới đây nhất, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 được Quốc hội thông qua ngày 16/6/2022 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2023 cùng các văn bản nghị định, thông tư hướng dẫn cũng đã được hoàn thiện đồng bộ để tạo cơ sở cho thị trường bảo hiểm Việt Nam tiếp tục phát triển ổn định.
Bộ Tài chính cũng nỗ lực tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế về hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Theo đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành 03 nghị định quy định chi tiết Luật Kinh doanh bảo hiểm và chủ trì ban hành 01 thông tư quy định chi tiết Luật Kinh doanh bảo hiểm và các Nghị định hướng dẫn, bao gồm: Nghị định số 46/2023/NĐ-CP ngày 01/7/2023 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm; Nghị định số 21/2023/NĐ-CP ngày 05/5/2023 của Chính phủ Quy định về bảo hiểm vi mô; Nghị định số 67/2023/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ; giới, báo hiểm cháy, nổ bắt buộc, bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng; Thông tư số 67/2023/TT-BTC ngày 02/11/2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Nghị định số 46/2023/NĐ-CP ngày 01/7/2023 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm.
Theo ông Ngô Việt Trung – Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), trong năm 2024 và giai đoạn tới, để thị trường bảo hiểm phát triển một cách lành mạnh, bền vững, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về triển khai các sản phẩm bảo hiểm có tính đặc thù, sản phẩm bảo hiểm có tác động an sinh xã hội, thúc đẩy đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội như: bảo hiểm bắt buộc, bảo hiểm vi mô, bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm liên kết đầu tư, bảo hiểm thiên tai, liên kết bảo hiểm y tế thương mại và bảo hiểm y tế xã hội... theo hướng rõ ràng, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp bảo hiểm, bên mua bảo hiểm.
Bên cạnh đó, ngành Bảo hiểm tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp bảo hiểm ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0...