Hoàn thiện pháp luật về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù

Bộ Công an đã hoàn thành dự thảo Hồ sơ Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức và cá nhân.

Tại Dự thảo Tờ trình xây dựng Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, Bộ Công an cho biết, Luật Tương trợ tư pháp được Quốc hội khóa XII thông qua tại Kỳ họp thứ 2 ngày 21/11/2007, có hiệu lực từ 1/7/2008. Qua hơn 15 năm triển khai thực hiện Luật Tương trợ tư pháp, công tác chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù đã đạt được nhiều kết quả. Đến nay, Bộ Công an đã tiếp nhận, xử lý 188 hồ sơ yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù (đã chuyển giao 38 phạm nhân cho nước ngoài và tiếp nhận 5 phạm nhân về Việt Nam). Kết quả này góp phần tạo điều kiện tốt hơn cho người đang chấp hành án phạt tù và nâng cao hiệu quả công tác bảo hộ công dân. Bên cạnh kết quả đạt được, quy định về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù trong Luật Tương trợ tư pháp và hoạt động chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập.

Do đó, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thi hành Luật Tương trợ tư pháp và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra hiện nay, theo Bộ Công an, cần thiết phải xây dựng Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù để tạo cơ sở pháp lý hợp tác quốc tế trong chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù.

Đại diện Bộ Công an chuyển giao phạm nhân (phạm nhân mặc áo kẻ, tay cầm chai nước, đứng thứ 2 từ phải sang) cho cơ quan có thẩm quyền của Australia năm 2023.

Đại diện Bộ Công an chuyển giao phạm nhân (phạm nhân mặc áo kẻ, tay cầm chai nước, đứng thứ 2 từ phải sang) cho cơ quan có thẩm quyền của Australia năm 2023.

Mục đích của việc xây dựng Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù là hoàn thiện pháp luật về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù theo hướng nhân đạo, toàn diện, cụ thể, đồng bộ, thống nhất, khả thi, ổn định, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; giúp bảo đảm quyền con người của người đang chấp hành án phạt tù; tạo nền tảng cho việc ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù.

Về phạm vi điều chỉnh, dự thảo Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù quy định nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện tiếp nhận, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù giữa Việt Nam với nước ngoài; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước Việt Nam trong hoạt động tiếp nhận, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù.

Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo Luật là quy định về điều kiện tiếp nhận, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù. Theo đó, người đang chấp hành án phạt tù ở nước ngoài có thể được tiếp nhận về Việt Nam để thi hành án phạt tù khi có đủ các điều kiện sau đây:

- Là công dân Việt Nam.

- Hành vi phạm tội mà người đó bị kết án ở nước ngoài cũng cấu thành tội phạm theo quy định của pháp luật Việt Nam.

- Vào thời điểm nhận được yêu cầu chuyển giao, thời hạn chưa chấp hành án phạt tù phải còn ít nhất là 1 năm; trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 6 của Luật này, thời hạn này có thể ít hơn 1 năm.

- Bản án đối với người được chuyển giao đã có hiệu lực pháp luật.

- Có sự đồng ý của Việt Nam và nước chuyển giao.

- Có sự đồng ý của người được chuyển giao. Trường hợp người được chuyển giao không có đầy đủ năng lực để đồng ý theo pháp luật của nước chuyển giao thì phải có sự đồng ý của người đại diện hợp pháp của người đó.

Cũng theo dự thảo Luật, người đang chấp hành án phạt tù tại Việt Nam có thể được chuyển giao cho nước ngoài để thi hành án phạt tù khi có các điều kiện sau đây:

- Là công dân của nước nhận hoặc là người được phép cư trú không thời hạn ở nước nhận hoặc có mối quan hệ cộng đồng ở nước nhận hoặc nước khác đồng ý tiếp nhận.

- Hành vi phạm tội mà người đó bị kết án ở Việt Nam cũng cấu thành tội phạm theo quy định của pháp luật nước nhận.

- Vào thời điểm nhận được yêu cầu chuyển giao, thời hạn chưa chấp hành hình phạt tù phải còn ít nhất là 1 năm; trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 6 của Luật này, thời hạn này có thể ít hơn 1 năm.

- Bản án đối với người được chuyển giao đã có hiệu lực pháp luật.

- Có sự đồng ý của Việt Nam và nước nhận.

- Có sự đồng ý của người được chuyển giao. Trường hợp người được chuyển giao không có đầy đủ năng lực để đồng ý theo pháp luật Việt Nam thì phải có sự đồng ý của người đại diện hợp pháp của người đó.

Toàn văn dự thảo Hồ sơ Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến đóng góp trong thời gian 60 ngày kể từ 25/7/2024.

Nguyễn Hương

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/hoan-thien-phap-luat-ve-chuyen-giao-nguoi-dang-chap-hanh-an-phat-tu-i738879/