Hoàn thiện thể chế để quản lý chặt chẽ, hiệu quả hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Y tế phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện thể chế, chính sách, các giải pháp cần thiết nhằm quản lý tổng thể, toàn diện, chặt chẽ, hiệu quả hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 4286/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Văn bản số 4286/VPCP-KGVX nêu: Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam có văn bản số 19/KN-VAFF ngày 5/6/2024 kiến nghị về kiểm soát quảng cáo thực phẩm chức năng.

Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp quản lý quảng cáo thực phẩm chức năng đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại các Thông báo số: 211/TB-VPCP ngày 20/7/2022, số 382/TB-VPCP ngày 16/9/2023 và số 16/TB-VPCP ngày 17/1/2024 của Văn phòng Chính phủ.

Bộ Y tế tham khảo văn bản kiến nghị của Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam; chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương rà soát hệ thống quy định của pháp luật hiện hành và đánh giá thực trạng quảng cáo thực phẩm chức năng, nhất là các hạn chế, tồn tại và nguyên nhân; trên cơ sở đó chỉ đạo theo thẩm quyền việc thực hiện các giải pháp phù hợp và đề xuất việc hoàn thiện thể chế, chính sách, các giải pháp cần thiết nhằm quản lý tổng thể, toàn diện, chặt chẽ, hiệu quả hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng theo đúng quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/7/2024.

Theo PGS.TS Trần Đáng - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam (VAFF) cho biết, ngành thực phẩm chức năng đã phát triển nhanh chóng hơn 20 năm qua do đây là lĩnh vực góp phần vào bảo vệ sức khỏe của nhân dân, thực sự là có hiệu quả cho xã hội. Tuy nhiên, kéo theo đó là thực trạng hiện nay, quảng cáo gây khó chịu cho người tiêu dùng.

Theo thống kê của VAFF, có tới 80% quảng cáo thực phẩm chức năng trên môi trường internet, mạng xã hội, nền tảng thương mại điện tử... gây bức xúc là "trá hình", vi phạm các quy định về quảng cáo.

Hiện có 4 hiện tượng vi phạm đạo đức gồm: Quảng cáo sai sự thật, lừa gạt, giả mạo; Quảng cáo phóng đại, thổi phồng sản phẩm; Quảng cáo mơ hồ gây hiểu nhầm; Quảng cáo nhắm vào các đối tượng nhạy cảm (người bệnh ung thư, hiểm nghèo).

Quốc Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/hoan-thien-the-che-de-quan-ly-chat-che-hieu-qua-hoat-dong-quang-cao-thuc-pham-chuc-nang-post301930.html