Hoàn thiện thể chế: Giải pháp đột phá để phát triển nhanh và bền vững đất nước
Thể chế là yếu tố giữ vai trò quyết định đối với sự phát triển của một quốc gia. Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh định hướng tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường..., tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc; khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Tại Hội thảo khoa học “Xây dựng và hoàn thiện thể chế tạo động lực phát triển nhanh và bền vững đất nước trong điều kiện mới” được tổ chức vào giữa tháng 11/2023, các đại biểu cho rằng, trước yêu cầu phát triển mới của đất nước, thể chế phát triển ở Việt Nam đang bộc lộ nhiều “điểm nghẽn” cần tiếp tục tháo gỡ. Do đó, việc hoàn thiện đồng bộ thể chế cần được nhìn nhận như giải pháp có tính đột phá trong thời gian tới ở nước ta.
Đổi mới và hoàn thiện thể chế dân chủ
Tham luận tại Hội thảo, GS.TS Phạm Văn Đức, Nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, thực tiễn trước và sau Đại hội XIII đang đặt ra nhiều vấn đề đòi hỏi trong nhiệm kỳ Đại hội XIII cần tiếp tục hoàn thiện và phát triển để quan điểm về xây dựng nền dân chủ ngày càng hoàn thiện hơn.
Theo GS.TS Phạm Văn Đức, để đổi mới và hoàn thiện thể chế dân chủ tạo động lực phát triển nhanh và bền vững đất nước trong điều kiện mới cần phải nghiên cứu làm sáng tỏ thêm các vấn đề cụ thể.
Thứ nhất, khi nói về vai trò của dân chủ, nhiều Văn kiện của Đảng đều khẳng định dân chủ vừa là mục tiêu và động lực. Tuy nhiên, dân chủ còn một vai trò quan trọng khác chưa được đề cập đến, đó là dân chủ với tư cách là phương thức để kiểm soát quyền lực.
Thứ hai, trong khi cụ thể hóa các quyền của người dân trong thực hành dân chủ “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng” cần phải có sự cụ thể hóa thêm trong thực tế là biết cái gì, làm cái gì và được thụ hưởng cái gì? Thêm vào đó, quyền được nhấn mạnh đầu tiên và được xem như là tiền đề của các quyền khác là quyền được biết. Bởi vì các quyền sau chỉ có thể được thực hiện khi mà người dân được biết những thông tin cần thiết.
Thứ ba, mối quan hệ giữa dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội là mối quan hệ căn bản của thực hành dân chủ trong thực tế. GS.TS Phạm Văn Đức nêu rõ, đây là mối hệ biện chứng của hai mặt dân chủ và pháp chế; trong đó việc thực hiện dân chủ không hề mâu thuẫn với tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương và việc tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương chính là cơ chế và điều kiện để bảo đảm dân chủ trong thực tế. Do đó, cần nghiên cứu và lý giải sâu thêm những nội dung gì và những giải pháp để tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội.
Thứ tư, trong Văn kiện Đại hội XIII, Đảng ta đã chủ trương có chính sách khuyến khích và cơ chế phù hợp bảo vệ những cán bộ, đảng viên có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu thực hiện nguyên tắc của Đảng và pháp luật của Nhà nước, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung. Đây là một bước tiến trong việc thực hiện cơ chế tập trung dân chủ, thể hiện vai trò chủ động, sáng tạo của cá nhân, bảo vệ những người có ý kiến khác. Tuy nhiên, nội dung của chính sách và cơ chế bảo đảm cho chính sách đó vẫn đang trong quá trình thảo luận. Trong thực tế, ranh giới hành vi sáng tạo và hành vi vi phạm pháp luật chưa có thước đo rõ rệt.
Tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế trong bối cảnh mới
Theo PGS.TS Ngô Tuấn Nghĩa, Viện trưởng Viện Kinh tế chính trị học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, trước yêu cầu phát triển mới của đất nước, thể chế phát triển ở Việt Nam đang bộc lộ nhiều “điểm nghẽn” cần tiếp tục tháo gỡ. Điển hình là sự đồng bộ giữa thể chế phát triển chính trị, văn hóa - xã hội chưa bắt nhịp được với thể chế phát triển kinh tế, thể chế hội nhập; tính đồng bộ của thể chế mới cơ bản đạt được sự tương thích với nguyên tắc phổ thông của kinh tế thị trường mà chưa bám sát và cụ thể hóa thuyết phục thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tác động cộng hưởng, cùng chiều tích cực trong thúc đẩy văn minh xã hội theo hướng tiến bộ của thể chế phát triển chưa rõ nét.
PGS.TS Ngô Tuấn Nghĩa nêu rõ, để tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển ở Việt Nam cần tiếp tục đổi mới tư duy xây dựng thể chế phát triển. Trong đó, cần dứt khoát chuyển đổi tư duy xây dựng và hoàn thiện thể chế theo cách nghĩ cũ, cơ chế vận hành nền kinh tế kiểu cũ, tư duy ban phát theo kiểu phong kiến, ban ơn… sang tư duy khai sáng tự thân, hướng tới sự phục vụ xã hội, phục vụ sự nghiệp phát triển chung là bổn phận của chủ thể quản trị quốc gia. Nhanh chóng và thường xuyên chuyển từ tư duy thụ động, “bắt mạch” tín hiệu từ thực tiễn phát triển để xây dựng thể chế bám đuổi sự vận động của các quan hệ mọi mặt đời sống xã hội sang tư duy chủ động, vượt trước, dẫn dắt sự phát triển bằng những giải pháp thể chế dẫn dắt là chủ yếu thay cho thể chế bám đuổi là chủ yếu.
Bên cạnh đó, để hoàn thiện đồng bộ các bộ phận của thể chế phát triển phù hợp với nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập, theo PGS.TS Ngô Tuấn Nghĩa, cần hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển kinh tế, trong đó, rà soát toàn diện theo cấu trúc nhóm thể chế nhằm “cởi trói” các “điểm nghẽn, nút thắt” đang bó buộc quá trình sản xuất, lưu thông, trao đổi, hội nhập; chú trọng bảo đảm sự tương thích, tác động cộng hưởng, cùng chiều tích cực của hệ thống thể chế phát triển kinh tế, bảo đảm sự đồng bộ của hệ thống thể chế phát triển kinh tế không chỉ ở một khâu, một lĩnh vực mà phải trên tổng thể quá trình tái sản xuất của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Về hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển chính trị, PGS.TS Ngô Tuấn Nghĩa cho rằng, thể chế phát triển chính trị đến năm 2030, tầm nhìn 2045 cần tiếp tục trọng tâm vào hai hệ sinh thái thể chế phát triển bền vững chế độ chính trị gồm nhóm thể chế là tiếp tục phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực hiệu quả trong thể chế Đảng duy nhất cầm quyền cả đối với quyền lực chính trị cũng như quyền lực kinh tế và nhóm thể chế thực hiện phân cấp, phân quyền trong sự phát triển của nền quản trị quốc gia tốt…
Về nội dung đổi mới và hoàn thiện thể chế tổ chức và hoạt động tư pháp, Phó Vụ trưởng Vụ Cải cách tư pháp, Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Quang Dũng đánh giá, đây là nhiệm vụ quan trọng của công cuộc cải cách tư pháp trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, được Đảng và Nhà nước luôn quan tâm chỉ đạo.
Để đổi mới thể chế về tổ chức và hoạt động tư pháp trong thời gian tới, ông Nguyễn Quang Dũng nêu rõ, Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới xác định một số nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, cụ thể như hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến tư pháp, bảo đảm tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Hoàn thiện cơ chế phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý mọi hành vi can thiệp trái pháp luật vào hoạt động tư pháp; bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử, thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
Đồng thời, xây dựng chế định tố tụng tư pháp lấy xét xử là trung tâm, tranh tụng là đột phá; bảo đảm tố tụng tư pháp dân chủ, công bằng, văn minh, pháp quyền, hiện đại, nghiêm minh, dễ tiếp cận, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Áp dụng hiệu quả thủ tục tố tụng tư pháp rút gọn; kết hợp các phương thức phi tố tụng tư pháp với các phương thức tố tụng tư pháp. Hoàn thiện cơ chế để khắc phục tình trạng quan hệ giữa các cấp tòa án là quan hệ hành chính, bảo đảm độc lập giữa các cấp xét xử và độc lập của thẩm phán, hội thẩm khi xét xử…